top of page

PHẬT TỔ CẢNH SÁCH

       Sakya Minh-Quang

Phiên dịch, giới thiệu và chú giảng

                    LỜI NÓI ĐẦU

Mục Lục

     Phật Tổ Cảnh Sách là những lời cảnh tỉnh và sách tấn của đức Phật và chư Tổ. Những lời cảnh sách này không những như tấm gương phản chiếu, giúp người tu thấy lại chính mình, mà còn là ngọn roi đau, đánh thức lý tưởng và nhiệt tâm của người con Phật xuất gia. Cho nên, trong Thiền môn quy định, người xuất gia phải học thuộc cảnh sách, để tự nhắc nhở lấy mình, nhất là những ai phải xa thầy, xa bạn và sống trong xã hội coi trọng vật chất hiện nay. Những lời dạy mang tính chất răn nhắc này của đức Phật và chư Tổ, đã hình thành một thể loại văn học đặc biệt trong nhà Thiền, gọi là văn cảnh sách.

Ý Nghĩa Cảnh Sách

    Trong Thiền môn, cảnh sách 警策 là một thể loại văn học đặc biệt, mang tính chất cảnh tỉnh và sách tấn người tu qua các thể văn như: châm 箴, minh 銘, giới 誡, hay huấn 訓…. Xét về mặt ngữ nghĩa, cảnh 警 là cảnh tỉnh hay nhắc nhở, còn sách 策 là sách tấn hay đôn đốc.

    Trong chữ Hán, cảnh theo bộ ngôn 言 là lời nói, còn sách theo bộ trúc 竹 là chiếc roi ngựa. Ý nói, đức Phật và chư Tổ dùng lời răn dạy đệ tử của mình như người cưỡi ngựa hay đánh xe ngựa dùng ngọn roi để đốc thúc những con ngựa lười nhác, hay không nghe lời, tiến lên phía trước.   

                                                                  

 

     Về phương diện Pháp nghĩa, trong kinh điển, ngựa thường được dùng để ví dụ cho những hành giả trên con đường tu. Đức Phật dạy: Người sống trong chánh niệm và tỉnh thức là người trí tuệ, như con tuấn mã thẳng tiến về đích giải thoát giác ngộ. Còn những ai sống trong thất niệm và đam mê dục vọng như con ngựa già yếu, bị bỏ lại sau lưng và thậm chí bị đào thải trên đường Bồ-đề:

Sống chánh niệm giữa những người thất niệm

Sống tinh cần tỉnh thức giữa quần mê

Người trí như tuấn mã thẳng đích về

Bỏ sau lưng đám ngựa già yếu kém.

   (Kinh Pháp Cú, câu 29).

     Lại nữa, trong Kinh Tạp A-hàm, đức Phật dạy trên đời có bốn loại ngựa dụ cho bốn căn tính giác ngộ vô thường nhanh chậm khác nhau.

     Loại ngựa thứ nhất chỉ cần thấy bóng roi là biết chạy theo ý chủ. Đây là dụ cho người chỉ cần nghe đến già, bệnh, chết xảy ra cho ai đó liền biết sợ vô thường, phát tâm học Phật, khởi chánh tư duy, tự điều phục trong Chánh Pháp. 

Loại ngựa thứ hai tuy không thể thấy bóng roi liền chạy, nhưng chỉ cần roi chạm đến đuôi liền cảm giác được, cất bước chạy theo ý chủ. Đây là dụ cho người tuy không thể phát tâm tu hành khi nghe nói già, bệnh, chết xảy ra cho ai đó, nhưng khi chứng kiến già, bệnh, chết xảy ra cho những người quen liền biết sợ vô thường đau khổ, mà khởi tâm tu tập chánh tư duy. 

     Loại ngựa thứ ba phải đợi roi đánh đau đến da thịt, mới giật mình phóng chạy theo sự điều khiển của chủ nhân. Đây là dụ cho người tuy không thể nghe hay thấy già, bệnh, chết của người không quen biết hoặc quen biết để phát tâm tu tập, nhưng khi nghe thấy già, bệnh, chết xảy ra với thầy bạn tốt hay người thân của mình liền biết sợ vô thường, đau khổ, khởi tâm chánh tu duy, tự điều phục mình trong Chánh Pháp. 

     Loại ngựa thứ tư không thể thấy bóng roi, bị đánh chạm đuôi, hay đau đến da thịt mới chạy, mà phải dùng dùi sắt đâm lủng da thấu thịt, đau tận xương cốt mới biết giật mình chạy theo sự điều khiển của người cưỡi. Cũng vậy, có những người nghe thấy hay chứng kiến già, bệnh, chết xảy ra cho người khác, bạn bè hay thân thích của mình cũng không biết tu hành. Chỉ khi già, bệnh, chết xảy ra trên thân họ, họ mới sợ hãi vô thường, khởi chánh tư duy, tự điều phục mình trong Chánh Pháp.[1]

     Xét ra, hạng người thứ nhất không cần cảnh sách, tự biết tiến tu. Có lẽ chỉ các bậc Bồ-tát tái sinh hay bậc thượng căn thượng trí mới được như vậy. Còn hành giả thuộc ba hạng người sau, nhất là hạng người thứ tư “Chỉ khi già, bệnh, chết xảy ra trên thân họ, họ mới sợ hãi vô thường, khởi chánh tư duy, tự điều phục mình trong Chánh Pháp,” thì lời cảnh sách của đức Phật và chư Tổ rất cần thiết và có giá trị quý báu vô cùng.

Đức Phật Cảnh Sách

     Thuở đức Phật còn tại thế, khi thấy các đệ tử lười nhác, ham mê ngủ nghỉ, hay nhóm họp để nói những điều hý luận, Ngài đều quở trách khiến đại chúng thức tỉnh tiến tu. Ví dụ, trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ ghi lại, một hôm đức Phật thấy một vị Tỳ kheo suốt ngày đóng cửa phòng, ham mê ngủ nghỉ. Biết rằng chẳng bao lâu mạng sống vị này sẽ chấm dứt, sau khi chết phải đọa vào đường ác. Ngài đến gõ cửa, và dùng bài kệ sau để cảnh sách vị Tỳ-kheo đó:

Ôi hãy dậy đừng mê

Loài rận, ốc, trai, mọt

Ẩn mình trong bất tịnh

Mê hoặc chấp làm thân.

       ***

Đâu có bị chém thương

Mà tâm như trẻ bệnh

Đối trước bao ách nạn

Lại tham đắm ngủ nghê.

       ***

Biết nghĩ, không phóng dật

Lo học đạo từ bi

Do đó không ưu sầu

Thường nhớ trừ vọng tưởng.

       ***

Chánh kiến luôn trau dồi

Là ánh sáng giữa đời

Sinh ra, phước đầy đủ

Chết không đọa ác đạo.[2]

     Ngoài vô số những lời cảnh sách dành cho các đệ tử trong từng trường hợp cụ thể như trên, đức Phật cũng có những lời cảnh sách chung dành cho các hàng đệ tử. Ví dụ, Tăng đoàn mỗi nửa tháng một lần nhóm họp để Bố-tát tụng giới, cũng thường đọc tụng bài kệ này của đức Phật để nhắc nhở mình:

Không làm các điều ác

Vâng giữ những việc lành

Tự thanh tịnh tâm mình

Là lời chư Phật dạy. 

     Bài kệ trên, theo truyền thống được gọi là “thất Phật thông giới kệ”, hay “bài kệ giới luật chung cho bảy vị Phật.” Vì vậy, bài kệ này cũng có thể được xem là bài cảnh sách chung của đức Phật dành cho các hàng đệ tử.

      Như vậy, trong cuộc đời giáo hóa của đức Phật có vô số những lời cảnh sách. Nhưng theo bút giả, có lẽ những lời răn dạy đệ tử trước lúc nhập Niết-bàn trong Kinh Phật Di Giáo, hay Kinh Phật. Nói Tóm Lược Những Lời Răn Dạy Lúc Sắp Nhập Niết-bàn, là những lời cảnh sách đầy đủ và tha thiết nhất. 

      Nói đầy đủ, vì những lời cảnh sách trong Kinh Phật Di Giáo đã bao gồm tất cả những điểm trọng yếu của người tu. Đức Phật răn dạy đệ tử phải ghi nhớ và thực hành những giới luật đã thọ, gìn giữ nếp sống đơn giản của người tu, xa lìa nếp sống vật chất của thế tục, không được tìm cầu danh lợi bằng chính trị, kinh doanh, mê tín, dị đoan, nhất là việc buôn thần bán thánh, “tỏ lạ thường dối người,” v.v…. Ngài còn dạy đệ tử Phật phải thu nhiếp sáu căn, xa lìa tham lam, sân hận, ngã mạn, tật đố, siêng tu chánh niệm, thiền định và trí tuệ để có thể giác ngộ, giải thoát.

     Nói tha thiết, vì những lời cảnh sách này được nói ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, tức ngay trước giờ đức Phật nhập Niết-bàn. Đây cũng giống như những lời tâm huyết cuối cùng mà Cha để lại cho con hay Thầy để lại cho trò trước lúc lâm chung:

     - Từ nay đến tương lai, nếu đệ tử của ta lần lượt hành Chánh Pháp, pháp thân của Như Lai sẽ thường trú bất diệt. Cho nên phải biết rằng, thế gian vốn vô thường, có họp phải có tan, đừng ôm lòng buồn khổ. Thế gian vốn như vậy, phải siêng tu tinh tấn, sớm cầu đạo giải thoát. Hãy dùng trí tuệ sáng trừ bóng tối si mê! 

     -Này các thầy Tỳ-kheo, phải nên luôn nhất tâm, siêng cầu đạo giải thoát. Tất cả pháp thế gian hoặc động hay bất động, đều là tướng vô thường, không có gì an ổn. Các ông hãy dừng lại, không được nói gì thêm. Giờ khắc đã đến rồi, Như Lai sắp diệt độ. Đây là lời răn dạy cuối cùng ta để lại. 

     Cho nên, trong bài Giới Thiệu Kinh Phật Di Giáo, bút giả có ghi: “Khi tụng Kinh Phật Di Giáo, chúng ta hãy quán tưởng mình đang ở trong rừng Sa-la Song thọ, trong giờ phút đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn. Chúng ta đang ở bên đức Thế Tôn, một người Cha, một bậc Thầy lớn, suốt mấy mươi năm bôn ba khắp nơi giáo hóa chúng sinh. Hôm nay Ngài nằm đây, sắp từ giã trần gian vì tuổi cao sức yếu, thế mà còn gượng dậy để dạy cho con mình, cho học trò những lời tâm huyết nhất. Như vậy, từng câu từng chữ của lời kinh có thể thấm đến tận chỗ sâu nhất của tâm hồn, đánh thức lại sơ tâm xuất gia đã quên lãng, thắp sáng lên lý tưởng giải thoát đã lu mờ, và nung nóng nhiệt huyết của người mang chí xuất trần thượng sĩ!”

     Vì vậy, bút giả đã dịch Kinh Phật Di Giáo và đưa vào phần Đức Phật Cảnh Sách trong quyển Phật Tổ Cảnh Sách này. 

     Chư Tổ Cảnh Sách

     Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, các bậc Tổ sư cũng mượn những lời cảnh sách trong kinh luật để răn nhắc hàng đệ tử của mình. Ví dụ, bài kệ cảnh sách phổ biến nhất trong Thiền môn hiện nay:

Ngày nay đã qua

Mạng sống lần giảm

Như cá thiếu nước

Nào có vui gì?

Đại chúng, 

Nên cần tinh tấn

Cứu lửa cháy đầu

Luôn nhớ vô thường

Cẩn thận!

Đừng có buông lung![3]

     Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, bài cảnh sách trên được dùng ở trong lễ tưởng niệm đức Phật nhập Niết-bàn hay ngày lễ giỗ Tổ hằng năm. Ví dụ, ngày lễ tưởng niệm đức Phật nhập Niết-bàn, Hòa thượng trụ trì thưa với đại chúng: -Thưa Đại chúng, Đức Như Lai Đại Sư đã nhập Niết-bàn, đến nay là năm thứ nhất niên hiệu Chí Nguyên Trùng Kỷ của Đại Nguyên (1335), đã được hai ngàn hai trăm tám mươi bốn năm. Ngày nay đã qua, mạng sống lần giảm, như cá thiếu nước, nào có vui gì? Đại chúng nên siêng năng tinh tấn, như cứu lấy lửa đang cháy trên đầu, chỉ nhớ vô thường, cẩn thận đừng buông lung.[4]

     Bốn câu đầu, từ Ngày nay đã qua v.v… cho đến: nào có vui gì, là bài kệ do đức Phật nói, có xuất xứ từ Kinh Xuất Diệu.[5] Phần còn lại từ Đại chúng nên siêng tinh tấn… cho đến cẩn thận, đừng có buông lung, là do chư Tổ thêm vào, mượn lời Phật dạy về nhân mạng vô thường để cảnh giác và sách tấn hành giả. 

     Trong lịch sử dài hàng ngàn năm và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội của Phật giáo Đại Thừa Đông Á, chư Tổ sư đã để lại một kho tàng văn học cảnh sách vô cùng phong phú. Hiện nay, trong Hán tạng, sách Truy Môn Cảnh Huấn có lẽ là tài liệu lưu giữ lại nhiều bài cảnh sách nhất dành cho giới xuất gia. Ví dụ, Quy Sơn Cảnh Sách của Linh Hựu, Chín Bài Răn Để Lại Môn Nhân của Pháp sư Đạo An, hay Huấn Đồng Hành hay Cảnh Sách Người Tập Sự Xuất Gia v.v… của Thiền sư Từ Thọ cũng được lưu giữ trong sách này.

Quy Sơn Cảnh Sách

     Trong chùa hiện nay, Quy Sơn Cảnh Sách là bài cảnh sách phổ biến nhất. Ngoài yếu tố nội tại là văn chương và ý tưởng sâu sắc ra, tác phẩm này sở dĩ phổ biến vì được đưa vào trong “bốn bộ luật tiểu”: Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh Sách, chương trình đào luyện người xuất gia trong truyền thống thiền môn.

     Thiền Sư Linh Hựu 靈祐 (771-853) biên soạn Quy Sơn Cảnh Sách vào nhà Đường, khi Thiền tông còn thịnh hành. ngoài việc cảnh sách những lầm lỗi của người xuất gia nói chung, Ngài còn quở trách những tệ nạn chủ yếu của người tu thiền đương thời. Đó là những người giãi đãi lười nhác, không chịu học luật, không chịu nghiên tầm giáo lý, nhưng lúc nào cũng biện minh cho sự kém dốt của mình bằng khẩu đầu thiền “bất lập văn tự”, hay tự vuốt ve bản ngã của mình bằng chiêu bài “liễu nghĩa thượng thừa”!

      Cho nên, Thiền sư Quy Sơn bảo: “Trường Tỳ ni (giới luật) chưa từng trau giồi, liễu nghĩa thượng thừa làm sao biện biệt?”[6]  Hay: “Đáng tiếc một đời luống qua, ăn năn nào có kịp đâu. Giáo lý chưa từng để lòng, đạo huyền không sao khế ngộ!”[7] Theo Ngài, người tu  “nói năng phải hợp với kinh điển, luận bàn cần có căn cứ xưa” mà không thể nói bừa, bảo rằng “từ hông ngực lưu xuất”! Đời Đường khi Thiền tông còn thịnh hành, có nhiều bậc tông tượng ra đời, tình trạng đã như thế đó, huống chi là thời hiện nay?

     Quy Sơn Cảnh Sách có sức mạnh cảnh tỉnh như vậy, cho nên trong Thiền môn rất được coi trọng. Nhưng đối tượng chính của Quy Sơn Cảnh Sách là các thầy Tỳ-kheo, sống nhiều năm trong Thiền môn, cho nên mới có câu: “Sao vừa mới lên giới phẩm, liền bảo ta là Tỳ-kheo” (hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỳ-kheo), hay “Cho đến tuổi cao hạ lớn, bụng trống lòng cao” (nãi chí niên cao lạp trưởng, không phúc cao tâm) v.v…. Còn đối với những người xuất gia nói chung, hay mới tập sự xuất gia (đồng hành) và các cô chú Sa-di, có lẽ Quy Sơn Cảnh Sách tương đối khó hiểu và không thích hợp lắm. Vì vậy, trong Thiền môn hiện nay cũng cần những bài cảnh sách thích hợp cho các đối tượng khác nhau. Trong nỗ lực tìm kiếm những bài cảnh sách thích hợp hơn cho người mới xuất gia, bút giả đã gặp được bài Lời Răn Để Lại Cho Môn Nhân (Di Giới Cửu Chương Dĩ Huấn Môn Nhân) của Pháp sư Đạo An đời Đông Tấn và bài Cảnh Sách Cho Người Tập Sự Xuất Gia (Huấn Đồng Hành) của Thiền Sư Từ Thọ đời Bắc Tống.  Đây là những tài liệu đáng quý trong Thiền môn, bổ túc chỗ chưa đủ của Quy Sơn Cảnh Sách, cần được phiên dịch, giới thiệu, giảng giải và phổ biến. 

Đạo An Cảnh Sách

     Bài Cảnh Sách của Pháp Sư Đạo An là một áng văn tuyệt tác, ra đời vào thế kỷ thứ 4, trước Quy Sơn Cảnh Sách gần năm trăm năm (thế kỷ thứ 9). Bài Cảnh Sách này nguyên tựa: Đạo An Pháp Sư Di Giới Cửu Chương Dĩ Huấn Môn Nhân, tức Chín Bài Răn Để Lại Cho Môn Nhân của Pháp sư Đạo An, gồm một phần mở đầu bằng văn xuôi và chín bài kệ tụng (cửu chương). 

     Bài cảnh sách này, văn chương thật tha thiết, ý tưởng lại thâm sâu, có sức khích phát Đạo tâm lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người xuất gia trên đường giải thoát. Phần mở đầu nhấn mạnh bổn phận, trách nhiệm và lý tưởng của người xuất gia, còn chín bài kệ tụng như phần trùng tụng của bản kinh, tóm tắt lại ý nghĩa đã nêu ở trước trong phần văn xuôi. 

     Ví dụ, trong kết luận của phần mở đầu, Ngài Đạo An tha thiết:

     -Xét ra, ngày nay xuất gia, có người đã nhiều năm mà kinh pháp không thông, văn tự chẳng rõ, luống mất một đời, không chút thành tựu. Những việc như vậy, không biết suy xét sâu sắc. Đại hạn vô thường đến, không sớm thì tối, không luận mạnh yếu, phải chịu đau khổ nơi ba đường. Vì nghĩa thầy trò sâu nặng, nên mới chỉ ra. Những ai có đạo tình, xin lấy đây mãi mãi làm lời răn nhắc.

Còn trong phần kệ tụng, Ngài bảo:

Ông đã xuất gia

Phụ tình quân thân

Phải nên cố gắng

Chí nhìn thanh vân.

Xa miền danh sắc

Phong thái siêu trần

Vàng bạc chẳng quý

Duy đạo là hơn.

Giữ tiết thanh cao

Nghèo khổ không sờn

Tu đức độ mình

Độ khắp thế nhân.

     Hòa thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992), một bậc Cao Tăng thạc học của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, đã chọn dịch ba trong số chín bài kệ tụng cảnh sách của Pháp sư Đạo An. Bản dịch của Hòa thượng siêu xuất, khó ai dịch qua, nên bút giả sử dụng như định bản trong tập sách này. Hòa thượng uyên thâm cả Nho và Phật, thơ văn sâu sắc, hành văn cổ kính, âm vận thanh thoát..., để lại cho đời rất nhiều thi ca, soạn phẩm và dịch phẩm vô cùng giá trị. Có thể nói, Ngài là một trong những bậc kỳ tài đứng đầu trong nền văn học Phật giáo thế kỷ 20. Ban đầu, bút giả định dịch thêm sáu bài răn còn lại của Pháp sư Đạo An cho đầy đủ, nhưng xét về ý nghĩa và mục đích cảnh sách, ba bài dịch của Hòa thượng Thích Thiền Tâm đã quá đầy đủ, nên thôi. Phần dịch trọn bộ sẽ làm sau, dùng cho việc tham khảo nghiên cứu. Vì vậy, bút giả chỉ dịch thêm đoạn mở đầu, phần văn xuôi. Trong đoạn này, Ngài Đạo An nói về bổn phận và lý tưởng của người xuất gia, cũng như nhân duyên Ngài để lại chín bài cảnh sách này cho đệ tử. Đoạn văn này được xem là tiền đề, là bệ phóng cho phần cảnh sách tiếp theo. 

     Pháp sư Thích Đạo An được lịch sử công nhận là nhân vật Phật giáo kiệt xuất trong thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (220-589). Ngài có sự cống hiến vĩ đại cho Phật giáo về nhiều phương diện, và ảnh hưởng của những cống hiến đó vẫn còn đến tận ngày nay. Ví dụ, Ngài là người đầu tiên dùng họ Thích và đề xướng người xuất gia nên dùng họ Thích để thể hiện tính thống nhất và hòa hợp của Tăng đoàn. 

     Để độc giả biết rõ hơn về sự cống hiến của Pháp sư Đạo An cho Phật giáo vĩ đại như thế nào, bút giả cũng biên soạn Cuộc Đời và Đạo Nghiệp của Pháp sư Đạo An tương đối chi tiết. Bài này thay cho phần giới thiệu tác giả của Đạo An Cảnh Sách. Cuộc đời và Đạo Nghiệp của Pháp sư Đạo An được coi là phần thân giáo cảnh sách, bổ trợ cho phần ngôn giáo cảnh sách của Ngài.   

Từ Thọ Cảnh Sách

     Như trên đã bàn luận, đối tượng cảnh sách của Pháp sư Đạo An là người xuất gia nói chung, còn đối tượng cảnh sách của Thiền sư Quy Sơn là thiền giả lâu năm trong Thiền tông. Vậy đâu là cảnh sách thích hợp dành cho những cô chú sa-di còn nhỏ, người tập sự xuất gia, hay đang có ý định xuất gia? Cho đến gần đây, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có tài liệu về phương diện này. 

     Bút giả cũng trăn trở về điều này từ lâu. Vài năm trước, trong một lần duyệt Tạng, tình cờ gặp được bản Từ Thọ Thiền Sư Huấn Đồng Hành, mà bút giả dịch ý là Cảnh Sách Người Tập Sự Xuất Gia của Thiền sư Từ Thọ đời Bắc Tống. Đọc xong nội dung, bút giả như người gặp được của báu, tự cảm thán: À, đây chính là tài liệu mà mình đang tìm kiếm lâu nay! Phải chăng đức Phật và chư Tổ đã âm thầm gia hộ? Cho nên, bút giả đã phát tâm phiên dịch, chú thích, lược giảng và giới thiệu tài liệu bài cảnh sách này đến đại chúng. 

Đồng hành 童行 là gì? 

     Bài Cảnh Sách Cho Người Tập Sự Xuất Gia có nguyên văn là Huấn Đồng Hành, tức lời huấn thị cho đồng hành. Vậy đồng hành là gì? Tại sao lại dịch là người tập sự xuất gia?

     Đồng 童 là niên thiếu, hành 行 là hành giả, tức hành giả còn bé, nhưng cũng có nghĩa là hành giả mới vào Đạo. Thiền tông gọi những người tuổi trẻ chưa xuống tóc, vào chùa để tập sự xuất gia là đồng hành. Đồng hành còn gọi là đồng thị 童侍, Tăng đồng 僧童, Đạo giả 道者, hay Hành giả 行者.  Bổn phận của Đồng hành là hầu thầy và làm tạp dịch. Ví dụ, lúc Huệ Năng đến xin học Đạo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài được gọi là Lư hành giả, tức ông tập sự xuất gia họ Lư. 

     Chỗ ở của đồng hành gọi là đồng hành đường 童行堂 hay hành đường 行堂. Từ hành đường chỉ việc dọn cơm trong chùa hiện nay có xuất xứ từ đây. Đó là công việc của người tập sự xuất gia, những người trú ở hành đường. Bổn phận hầu thầy, phục vụ hay lao tác, ở Việt Nam chúng ta gọi là “làm điệu” hay “làm tiểu”.  

     Trong thiền môn lời răn nhắc người tập sự xuất gia gọi là huấn đồng hành 訓童行. Theo truyền thống thiền môn, mỗi tháng vào ngày mùng một và rằm, đồng hành (người tập sự xuất gia) trước hết vân tập lễ Phật, lễ Tổ, lễ Tăng, sau đó tập họp nơi trước tẩm đường của vị trụ trì. Vị thủ chúng sau đó cung thỉnh Hòa thượng trụ trì ra an tọa, huấn thị cho đồng hành. 

Nội Dung Huấn Đồng Hành

     Bài Huấn Đồng Hành hay Cảnh Sách Người Tập Sự Xuất Gia của Thiền sư Từ Thọ gồm hai mươi bài kệ bốn câu. Thiền sư Từ Thọ 慈受, Pháp tự Hoài Thâm懷深 (1077-1132) là tăng tông Vân Môn đời thứ tám, triều Bắc Tống (960-1127). Ngài là một thiền sư lỗi lạc, học hạnh kiêm toàn, để lại cho đời rất nhiều tác phẩm thơ văn giá trị. Cuộc đời và Đạo nghiệp của Ngài sẽ được bút giả giới thiệu trong một quyển sách khác.

     Bài Huấn Đồng Hành gồm hai mươi bài kệ bốn câu. Mỗi bài kệ đều chứa đựng một nội dung riêng, như tinh tấn tu hành, chánh niệm trong từng hành vi, nghiêm trì giới luật, gìn giữ oai nghi, hết lòng công quả, quý tiếc của thường trụ v.v…, nhằm răn nhắc người tập sự xuất gia về bổn phận của mình trong Thiền môn. Tuy Huấn Đồng Hành chỉ gồm những bài kệ riêng lẻ để răn dạy những vấn đề khác nhau, nhưng tất cả đều được sắp xếp tương đối lớp lang, có mở đầu và kết luận rõ ràng. Bài thứ nhất có thể được xem là phần mở đầu của Huấn Đồng Hành:

Việc đời bề bộn chẳng lúc xong

Phước lớn được vào chốn cửa Không

Ngày đêm thường phải luôn tinh tấn

Chớ để tháng ngày qua uổng công!

     Rõ ràng, Thiền sư Từ Thọ đã nhắn nhủ chung những người mới bước chân vào cửa Thiền, phải biết quý tiếc duyên lành, siêng năng tu học, để không phụ cơ duyên xuất gia khó được.

     Còn bài kệ cuối cùng cũng được coi là phần kết luận. Bài này đã tóm tắt mục đích huấn luyện người tập sự xuất gia:

Xuất gia ngôn hạnh phải tương ưng

Băng mỏng trông chừng mỗi bước chân

Tuy chưa xuống tóc thành Tăng sĩ

Tới lui Tăng tướng đã mười phân!

     Vâng, “tuy chưa xuống tóc thành Tăng sĩ/ Tới lui Tăng tướng đã mười phân” chính là mục đích của việc gia giáo, đào tạo Tăng sĩ tài đức tương lai trong chốn Thiền môn.  

     Đây là tài liệu cảnh sách cho người tập sự xuất gia chưa được biết đến ở Việt Nam. Nhận thấy giá trị thiết thực của bài cảnh sách này, bút giả đã cho in phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và lược giảng để làm tài liệu giảng dạy cho người tập sự xuất gia, hay sử dụng trong các khóa tu xuất gia gieo duyên ngắn hạn hiện nay. 

Kết Luận

     Tóm lại, Phật Tổ Cảnh Sách là soạn phẩm bước đầu giới thiệu lời cảnh sách của đức Phật và chư Tổ qua Kinh Phật Di Giáo và Lời Răn Để Lại Cho Đệ Tử của Pháp sư Đạo An. Tuy bút giả có giới thiệu qua nội dung của Huấn Đồng Hành và Quy Sơn Cảnh Sách, nhưng vì khuôn khổ quyển sách này có hạn, nên phần cảnh sách Huấn Đồng Hành của Thiền sư Từ Thọ sẽ được giới thiệu ở quyển sách khác, cùng với cuộc đời, thơ văn và Đạo Nghiệp của Ngài.  Lại nữa, vì Quy Sơn Cảnh Sảnh tương đối phổ biến, đã có nhiều bản giảng giải, nên bút giả không đưa vào sách này. Bút giả mong sẽ giới thiệu Quy Sơn Cảnh Sách vào dịp khác. 

     Tất nhiên, còn có rất nhiều bài cảnh sách giá trị trong kho tàng văn học Phật giáo Đại Thừa Đông Á đồ sộ chưa được biết đến. Việc sưu tầm, phiên dịch, và chú giải v.v… là một công trình lớn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công phu. Mong rằng, những bậc thầy có chuyên môn quan tâm hơn về phương diện này, giúp tăng ni trẻ có thêm tư liệu để tham khảo và tu học, cũng như làm giàu cho văn học Phật giáo Việt Nam.   

                                          

     Thực ra, Kinh Di Giáo, Đạo An Cảnh Sách và Từ Thọ Cảnh Sách đã được bút giả phiên dịch xong vài năm trước và sử dụng trong thời công phu sáng hằng ngày tại Tu Viện Thiện Tường hơn một năm qua. Bút giả cũng giảng Huấn Đồng Hành trong khóa tu xuất gia gieo duyên ở Tu Viện Tây Thiên, Canada trong những năm trước đây. 

     Được sự hoan hỷ và khích lệ lớn từ chư Tôn túc cũng như những vị đã đọc tụng và nghe giảng về Phật Tổ Cảnh Sách, bút giả đã quyết định xuất bản quyển Phật Tổ Cảnh Sách này trong mùa an cư kiết hạ 2018, để cúng dường và làm tài liệu giảng dạy cho đại chúng. Vì thời gian chuẩn bị xuất bản cấp bách cho kịp cúng dường chư tăng ni trong các khóa an cư kiết hạ 2018, nên soạn phẩm này chắc chắn không sao tránh được những chỗ sơ suất. Ngưỡng mong các bậc cao minh từ bi hoan hỷ và chỉ dạy.

     Nam-mô Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

           Viết tại Tu Viện Thiện Tường Illinois

            Ngày 17 tháng 05, 2018

            Sa-môn Sakya Minh-Quang 

-----------------------------

[1] Xem Sakya Minh-Quang, Vô Thường Và Giải Thoát Đạo, tr. 113-114. Kinh Tạp A-hàm, Đại Tạng Kinh, q.2, kinh số 922, tr.0234. 

[2] Sakya Minh-Quang dịch. Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Phẩm Giáo Học thứ 2. 

[3] Kinh Xuất Diệu. 「是日已過, 命則隨減,如少水魚, 斯有何樂」Đại

Chánh Tạng 04, tr. 621c. 

[4] Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy. 《敕修百丈清規》「白大眾。如來大師入般涅槃。至今大元重紀至元元年。已得二千二百八十四載。是日已過命亦隨減。如少水魚斯有何樂。眾等當勤精進如救頭然。但念無常慎勿放逸。」Đại Chánh Tạng 48, tr. 1121a. 

[5] Kinh Xuất Diệu. 《出曜經》「是日已過, 命則隨減, 如少水魚,斯有何

樂」Đại Chánh Tạng 04, tr. 621b. 

[6] Truy Môn Cảnh Huấn《緇門警訓》「毘尼法席曾未叨陪。了義上乘豈能甄別。」Đại Chánh Tạng 48, tr. 1042c. 

[7] Truy Môn Cảnh Huấn《緇門警訓》「教理未嘗措懷。玄道無因契悟」Đại Chánh Tạng 48, tr. 1042b. 

images (45).jpg
bottom of page