top of page

PHẬT TỔ CẢNH SÁCH

       Sakya Minh-Quang

Phiên dịch, giới thiệu và chú giảng

     NGHI THỨC TỤNG KINH DI GIÁO

KINH PHẬT NÓI TÓM LƯỢC NHỮNG

ĐIỀU RĂN DẠY LÚC SẮP NIẾT-BÀN                       

       佛垂般涅槃略說教誡經

Đại Chánh Tạng 12,  kinh số 389, trang 1110-1112

Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn sang Hán

Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt

1.jpg

Mục Lục

“Như Lai đã làm đủ pháp tự lợi lợi tha. Nếu ta ở lâu hơn trong cõi thế gian này cũng không lợi ích gì. Những ai có thể độ, dù cõi trời cõi người, Như Lai đều đã độ; những ai chưa độ được, Như Lai đều gieo duyên được đắc độ về sau. Từ nay đến tương lai, nếu đệ tử của ta lần lượt hành Chánh Pháp, pháp thân của Như Lai sẽ thường trú bất diệt.” Kinh Di Giáo

TÁN THÁN ĐỨC PHẬT

Pháp Vương vô thượng trong đời

Nhân thiên ba cõi không người sánh ngang

Là Thầy dạy khắp thế gian

Là Cha lành của vô vàn chúng sanh

Quy y trong một niệm lành

Nghiệp vô lượng kiếp hóa thành sạch không

Tán dương Phật đức mênh mông

Dù trăm ngàn kiếp cũng không tận cùng (1 xá).     

QUÁN TƯỞNG ĐẢNH LỄ

Chúng sanh, chư Phật vốn đồng

Cả hai rỗng lặng, một dòng tánh không        

Chí thành tất được cảm thông

Gần xa vô ngại thật không nghĩ bàn

Mười phương Phật, một đạo tràng

Lại qua ảnh hiện như màn lưới châu     

Nay con quy mạng cúi đầu

Lễ trước chư Phật nhiệm mầu chứng minh (1xá).  

LỄ PHẬT 

Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp hiền thánh Tăng thường trú Tam Bảo (1 lễ).

Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Ta-bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, Đương lai hạ sinh Di-lặc Tôn

Phật, Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ-tát, Linh Sơn hội thượng Phật Bồ-tát (1 lễ).

Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại lực Đại Thế Chí Bồ-tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh Tịnh Đại Hảichúng Bồ-tát (1 lễ).

TÁN LƯ HƯƠNG

Lư hương vừa bén chiên đàn

Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa            

Tâm thành tưởng Phật thiết tha

Tùy nơi cảm ứng hiện ra mây lành

Vừa sinh một niệm chí thành

Toàn thân Phật hiện phước lành vô biên.

Nam-mô Hương vân cái Bồ-tát (2 lần) 

Nam-mô Hương vân cái Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần).    

KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu          

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Con nay thấy nghe được thọ trì.

Nguyện hiểu chân nghĩa, Phật ý sâu.        

Nam-mô Sa-la Song Thọ Niết-bàn Hội Thượng Phật Bồ-tát (2 lần)

Nam-mô Sa-la Song Thọ Niết-bàn Hội Thượng Phật Bồ-tát Ma-ha-tát.

PHẬT NÓI KINH DI GIÁO

     Phật Thích-ca Mâu-ni lần đầu chuyển Pháp luân độ ngài Kiều-trầnnhư, cho đến lần sau cùng độ Tu-bạtđà-la, những ai nên được độ Như Lai đều đã độ. Lúc sắp vào Niết-bàn, trong đêm khuya thanh vắng, không có một tiếng động, giữa hai cây Sa-la, đức Phật vì đệ tử nói tóm lược Pháp yếu.

     Này các thầy Tỳ-kheo, sau khi ta nhập diệt, các ông nên tôn kính Bala-đề-mộc-xoa, là giới biệt giải thoát, như người tối gặp sáng, người nghèo được của báu. Các ông nên biết rằng, giới chính là Thầy lớn; dù ta còn ở đời, cũng không khác giới này. Người giữ gìn tịnh giới không được làm kinh doanh hay mua sắm nhà đất, chứa tôi tớ, nô tỳ, và chăn nuôi gia súc. Phải tránh việc trồng trọt, tiền tài và châu báu như tránh xa hầm lửa. Không được chặt cây cỏ, khai khẩn cày sới đất, điều chế các loại thuốc, xem tướng bói tốt xấu, coi sao tính lợi hại, xem lịch chọn ngày tốt…. Những việc làm như vậy đều không nên vi phạm.

      Phải biết tiết chế thân, ăn uống phải đúng thời, sống thanh tịnh đạm bạc. Không được tham dự vào các việc của thế gian, làm sứ giả liên lạc, chú thuật chế thuốc tiên, kết giao kẻ quyền quý, gần gũi mong trọng hậu, rồi ngạo mạn khinh người. Những việc thế tục này đều không nên vi phạm. 

     Nên đoan chánh tâm mình, chánh niệm cầu giải thoát. Không được che giấu lỗi, tỏ lạ thường dối người. Đối bốn việc cúng dường biết đủ biết hạn lượng; dù cho được cúng nhiều, cũng chia sẻ người khác mà không nên tích chứa.

Trên đây là tóm lược về tướng trạng trì giới. Giới thuận gốc giải thoát nên giới được gọi là Ba-la-đềmộc-xoa, tức là thuận giải thoát. Do nương nơi giới này sinh được các thiền định và trí tuệ diệt khổ. Vì vậy là Tỳ-kheo phải gìn giữ tịnh giới, chớ hủy phạm thiếu khuyết. Ai trì giới thanh tịnh sẽ có được pháp lành. Nếu giới không thanh tịnh, công đức lành không sinh. Cho nên phải biết giới là trụ xứ công đức an ổn vào bậc nhất.

     Này các thầy Tỳ-kheo, đã an trụ tịnh giới, phải chế ngự năm căn, đừng để năm căn này buông lung vào năm dục, như người đang chăn trâu cầm roi luôn canh chừng, không để phạm lúa mạ. Nếu buông lung năm căn, không chỉ phạm năm dục, mà phóng túng vô cùng, không thể chế ngự được. Cũng ví như ngựa dữ không dùng cương chế ngự, sẽ kéo người dẫn ngựa rơi vào trong hố sâu. Bị giặc cướp làm hại chỉ khổ trong một đời, giặc năm căn gây họa, khổ đến trăm ngàn đời! Năm căn gây tai họa thực hết sức nghiêm trọng, các ông phải cẩn thận! Cho nên, người có trí chế ngự năm căn mình, không buông lung theo chúng. Hãy phòng hộ năm căn như luôn canh giữ giặc, không một chút buông lơi. Nếu buông lung năm căn, thì cũng không bao lâu, ông sẽ bị diệt vong!   

     Tâm làm chủ năm căn. Cho nên các ông phải khéo chế phục tâm mình. Tâm thực rất đáng sợ còn hơn là rắn độc, thú dữ hay giặc thù, hoặc lửa lớn cháy lan, cũng chưa đủ ví dụ! Như người cầm bình mật bước đi không cẩn trọng, chỉ nhìn vào bình mật mà không thấy hố sâu. Như voi điên không móc, khỉ vượn gặp rừng cây, xông chạy và leo chuyền, tâm thực khó cấm chế! Cho nên phải mau gấp chế ngự được tâm này không để cho buông lung. Nếu buông lung tâm này, sẽ đánh mất việc lành; chế ngự tâm một chỗ, không việc gì không xong! Cho nên, các Tỳ-kheo phải nên luôn tinh tấn, chiết phục tâm ý mình.

     Này các thầy Tỳ-kheo, khi nhận đồ ăn uống phải thọ dụng như thuốc, đối với món ngon dở, không tham cũng không chê, chỉ dùng để nuôi thân, nhằm dứt trừ đói khát. Như ong lấy mật hoa, chỉ lấy đi vị ngọt mà không hại sắc hương. Tỳkheo cũng như vậy, nhận của người cúng dường để dứt cơn đói khát, nên không được cầu nhiều, phá hư Đạo tâm người. Ví như người có trí, biết ước lượng sức trâu, không để kéo quá sức, khiến trâu bị kiệt lực.  

     Này các thầy Tỳ-kheo, ban ngày nên nhiếp tâm siêng tu các pháp lành, không để lỡ thời khóa. Đầu đêm và cuối đêm cũng không có phế bỏ. Giữa đêm nên tụng kinh để tăng trưởng tự thân. Đừng vì lý do ngủ để đời mình trôi qua vô ích không thành tựu. Phải nhớ lửa vô thường luôn thiêu đốt thế gian để sớm cầu tự độ, đừng có tham ngủ nghỉ. Giặc phiền não rình rập còn dữ hơn oan gia thừa cơ giết chết mình, tại sao các ông lại yên lòng mà ngủ nghỉ, không biết tự giác tỉnh? Con rắn độc phiền não ngủ trong tâm các ông như con rắn độc đen đang nằm ngủ trong phòng! Các ông phải mau dùng móc trì giới lôi ra! Rắn ngủ đã ra khỏi mới an tâm nằm ngủ. Rắn ngủ chưa ra khỏi mà lại lo nằm ngủ, là người không hổ thẹn!  

     Hổ thẹn là y phục đẹp nhất trang nghiêm thân. Hổ thẹn là móc sắc chế phục điều phi Pháp. Phải có tâm hổ nhục, không lúc nào tạm quên. Nếu rời tâm hổ nhục sẽ mất các công đức. Người có tâm hổ thẹn sẽ có được pháp lành; người không có hổ thẹn không khác loài cầm thú! Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có người chặt đứt thân ông ra từng phần, hãy nên thu nhiếp tâm, không để sân hận khởi. Cũng nên giữ cửa miệng, đừng thốt ra lời ác. Nếu tâm sân nổi lên sẽ tự mình chướng Đạo, đánh mất vốn công đức. Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới, khổ hạnh! Người nhẫn nhục như vậy mới có thể gọi là bậc đại nhân sức mạnh. Ai không thể hoan hỷ nhẫn chịu độc mắng chửi như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người nhập đạo trí tuệ. Vì sao lại như vậy? Cái hại của sân hận phá hư mọi pháp lành, làm tổn hại tiếng tốt, đời này và đời sau không ai thích gặp mặt. Nên biết tâm sân hận còn hại hơn lửa dữ, cho nên thường phòng hộ, không để sân xâm nhập. Giặc dữ cướp công đức không gì hơn sân hận. Người bạch y ở đời còn hưởng thụ dục lạc, không phải người hành đạo, không thể chế phục tâm, nên nếu họ sân hận cũng có thể cảm thông. Còn người đã xuất gia thực hành đạo giải thoát là người sống vô dục mà ôm lòng sân hận, là điều không thể được. Như trời quang mây tạnh, khí hậu lại mát mẻ mà sấm sét nổi lên, cỏ cây bị bốc cháy, là điều không thích hợp.

 

     Này các thầy Tỳ-kheo, hãy tự xoa lên đầu! Các ông đã dẹp bỏ cái đẹp của trang sức, đắp chiếc y hoại sắc, hai tay cầm bình bát sống bằng hạnh khất thực. Nếu thấy mình như vậy mà khởi tâm kiêu mạn nên mau chóng dứt trừ. Nuôi lớn lòng kiêu mạn là điều người bạch y ở đời không nên có, huống chi người xuất gia vào Đạo vì giải thoát, hạ mình đi xin ăn?

     Này các thầy Tỳ-kheo, tâm dua nịnh trái Đạo! Cho nên phải giữ tâm luôn chân thực ngay thẳng. Nên biết tâm dua nịnh chỉ vì dối gạt người. Người đã vào trong Đạo đừng dua nịnh như vậy. Cho nên các ông phải đoan chánh tâm ý mình, lấy tâm ý ngay thẳng làm gốc của tu hành. Này các thầy Tỳ-kheo, nên biết người đa dục, cầu lợi nhiều, khổ nhiều. Người thiểu dục vô cầu, vì không có dục vọng nên không có tai họa. Nếu ít muốn chỉ được bao nhiêu đó lợi ích cũng phải nên tu tập, huống chi là ít muốn còn có thể sinh ra nhiều công đức khác nữa. Người ít muốn sẽ không dua nịnh lấy lòng người; cũng không bị các căn lôi kéo vào năm dục. Người ít muốn thanh thản không có gì sợ hãi, gặp việc đều tự tại, thường tự thấy đầy đủ. Người có tâm ít muốn tức có được Niết-bàn. Đây gọi là ít muốn.

     Này các thầy Tỳ-kheo, nếu muốn thoát khổ não nên quán xét biết đủ. Biết đủ là giàu vui và là chỗ an ổn. Người biết đủ tuy nằm trên đất vẫn an vui, người mà không biết đủ dù ở nơi thiên đường, cũng không thấy vừa ý. Người mà không biết đủ tuy giàu nhưng lại nghèo, người biết đủ tuy nghèo lại vô cùng giàu có. Người mà không biết đủ bị năm dục kéo lôi, người biết đủ thấy vậy, cảm thấy thực đáng thương. Đây gọi là biết đủ. 

     Này các thầy Tỳ-kheo, muốn cầu vui vắng lặng phải xa lìa ồn náo, một mình tu chỗ vắng. Người biết sống một mình được Đế Thích, chư thiên đều hết lòng kính trọng. Cho nên các ông phải xa rời hội chúng mình, hay hội chúng người khác, sống một mình nơi vắng, vô sự để thiền tư, chấm dứt cội gốc khổ. Nếu thích nơi đông người sẽ gánh chịu não phiền. Ví như cây to lớn chim chóc tụ tập đông sẽ có họa khô gãy. Người bận rộn vướng mắc bởi những việc thế gian sẽ mãi mãi chìm đắm trong biển khổ sinh tử, như voi già sa lầy, không thể tự ra khỏi. Đây gọi là viễn ly.  

Này các thầy Tỳ-kheo, nếu siêng năng tinh tấn không có việc gì khó; như một dòng nước nhỏ chảy mãi cũng xuyên đá. Cho nên các ông phải siêng tinh tấn tu tập. Tâm hành giả lười nhác sẽ phế bỏ công phu. Như dùi cây lấy lửa, nếu cây còn chưa nóng mà đã vội dừng tay, không sao có lửa được. Đây gọi là tinh tấn.  

     Này các thầy Tỳ-kheo, cầu bậc thiện tri thức và cầu người hỗ trợ cũng không bằng chánh niệm luôn luôn được hiện tiền. Ai không quên chánh niệm giặc phiền não không vào. Cho nên các ông phải thường nhiếp niệm nơi tâm. Ai đánh mất chánh niệm là đánh mất công đức! Nếu sức chánh niệm mạnh, tuy vào trong năm dục cũng không sợ bị hại. Như dũng sĩ mặc giáp không sợ hãi ra trận. Đây là luôn chánh niệm.  

     Này các thầy Tỳ-kheo, nhiếp tâm sẽ được định. Tâm định biết được tướng sinh diệt của thế gian. Cho nên các ông phải tinh tấn tu thiền định. Nếu người đã đắc định, tâm không còn phân tán. Như nhà nông quý nước khéo xây bờ đắp đê, hành giả cũng như vậy, vì giữ nước trí tuệ nên khéo tu thiền định, không để trí tuệ mất. Đây gọi là thiền định.  

     Này các thầy Tỳ-kheo, có trí tuệ sẽ không tham đắm việc thế gian. Ai thường quán sát mình, không đánh mất trí tuệ, người đó sẽ giải thoát trong giáo Pháp của ta. Nếu không có trí tuệ không phải là Đạo nhân, cũng không phải bạch y, không biết gọi là gì! Trí tuệ là thuyền chắc giúp vượt biển sinh tử, trí tuệ là đèn lớn phá tan tối vô minh, trí tuệ là thuốc thần trị lành mọi bệnh khổ, trí tuệ là búa bén đốn ngã cây phiền não. Cho nên các ông phải tu tuệ qua lắng nghe, tư duy và thực hành, để trí tuệ tăng trưởng, có được lợi ích lớn trên con đường giải thoát. Người trí tuệ tuy không có thần thông thiên nhãn, nhưng cũng vẫn là người có cái thấy sáng suốt. Đây gọi là trí tuệ.

     Này các thầy Tỳ-kheo, hý luận khiến tâm loạn, tuy là người xuất gia vẫn không thể thoát khỏi. Cho nên Tỳ-kheo phải buông bỏ gấp hý luận khiến loạn tâm của mình. Các ông muốn hưởng được niềm an vui tịch diệt thì phải khéo diệt trừ tai họa của hý luận. Đây là không hý luận.

     Này các thầy Tỳ-kheo, hãy nhất tâm tu tập các công đức pháp lành, và tránh sự biếng nhác như tránh xa giặc thù. Tu tập như thế nào, được lợi ích ra sao, đã được đức Thế Tôn nói ra hết tất cả vì thương xót chúng sinh.  Điều còn lại chính là các ông phải tinh tấn thực hành lời ta dạy. Dù ở trong núi rừng, hay bên bờ ao vắng, hoặc ngồi dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, tịnh thất…, các ông phải luôn nhớ Pháp mình đã nhận lãnh, đừng để cho quên mất. Thường khích lệ bản thân, luôn tinh tấn tu tập, không để chết vô ích, rồi hối hận về sau. Ta như vị lương y biết bệnh và biết thuốc, còn chịu uống hay không là tùy vào người bệnh, không phải lỗi lương y! Ta như người dẫn đường, dẫn người vào đường tốt; nghe mà không chịu đi, không phải lỗi người dẫn!

     Đối với bốn Thánh đế: khổ, tập, diệt và đạo, các ông có gì nghi, hãy mau mau thưa hỏi, đừng để ở trong lòng, mà không cầu giải quyết. Bấy giờ đức Thế Tôn lặp lại đến ba lần, nhưng không có ai hỏi. Vì sao lại như vậy? Vì không ai nghi ngờ. Ngài A-nậu-lâu-đà lúc đó hiểu lòng chúng, nên bạch đức Phật rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, nhưng bốn Thánh đế này do đức Phật nói ra không sao sai khác được. Đức Phật nói khổ đế thực sự đó là khổ, không thể khiến thành vui; tập đế chính thực là nguyên nhân của khổ đế, không nguyên nhân nào khác. Nói chấm dứt đau khổ là chấm dứt nhân khổ. Do nhân khổ đã diệt, nên quả khổ cũng diệt. Đạo đế là con đường chấm dứt khổ đế này. Đây là đường chân chính, không có đường nào khác. Kính bạch đức Thế Tôn, những vị Tỳ-kheo này không có gì nghi ngờ đối với bốn Thánh đế.”

     Trong hội chúng lúc đó, ai chưa chứng Thánh quả, thấy đức Phật diệt độ đều xúc động buồn thương. Những ai mới thâm nhập nơi giáo nghĩa Phật Pháp, nghe lời Phật giảng xong, thảy đều được đắc độ. Như đêm thấy ánh sáng lóe ngang qua bầu trời, thấy Đạo cũng như vậy. Còn ai đã tu xong, vượt qua được biển khổ, chỉ nghĩ như thế này: “Đức Thế Tôn diệt độ, sao mà mau chóng quá!”

     Tuy A-nậu-lâu-đà đã thưa Thế Tôn rằng mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa bốn Thánh đế, nhưng với lòng đại bi, Thế Tôn muốn mọi người được đạo tâm kiên cố, nên nói: “Này Tỳ-kheo, đừng ôm lòng buồn thương. Dù ta có ở đời dài lâu đến một kiếp, cuối cùng cũng nhập diệt. Hội họp mà chẳng tan là điều không thể có. Như Lai đã làm đủ pháp tự lợi lợi tha. Nếu ta ở lâu hơn trong cõi thế gian này cũng không lợi ích gì. Những ai có thể độ, dù cõi trời cõi người, Như Lai đều đã độ; những ai chưa độ được, Như Lai đều gieo duyên được đắc độ về sau. Từ nay đến tương lai, nếu đệ tử của ta lần lượt hành Chánh Pháp, pháp thân của Như Lai sẽ thường trú bất diệt. Cho nên phải biết rằng, thế gian vốn vô thường, có họp phải có tan, đừng ôm lòng buồn khổ. Thế gian vốn như vậy, phải siêng tu tinh tấn, sớm cầu đạo giải thoát. Hãy dùng trí tuệ sáng trừ bóng tối si mê!  

     Cuộc đời rất mong manh, không có gì chắc thực. Hôm nay ta tịch diệt như trừ được bệnh dữ. Thân này nên xả bỏ, vật gây bao tội ác, giả danh gọi là thân, chìm đắm mãi trong biển sinh già bệnh và chết. Xả bỏ được thân này như giết được giặc thù, người trí sao lại không sinh khởi lòng hoan hỷ?

     Này các thầy Tỳ-kheo, phải nên luôn nhất tâm, siêng cầu đạo giải thoát. Tất cả pháp thế gian hoặc động hay bất động, đều là tướng vô thường, không có gì an ổn. Các ông hãy dừng lại, không được nói gì thêm. Giờ khắc đã đến rồi, Như Lai sắp diệt độ. Đây là lời răn dạy cuối cùng ta để lại. 

     Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần).

KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT TÂM YẾU

Bồ-tát Quán Tự Tại

Khi thực hành Bát-nhã

Ba-la-mật thâm sâu

Quán chiếu thấy năm uẩn

Đương thể đều là không

Vượt qua vòng khổ ách.

Xá-lợi-phất lắng nghe

Sắc chẳng khác tánh không

Tánh không chẳng khác sắc

Sắc chính là tánh không

Tánh không chính là sắc

Thọ, tưởng, hành và thức

Bản chất cũng như vậy.

Lại nữa, Xá-lợi-phất

Các pháp nơi tánh không

Không sinh cũng không diệt

Không sạch cũng không nhơ

Không thêm cũng không bớt;

Không có năm thủ uẩn:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức;

Không có sáu căn: mắt

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;

Không có sáu trần: sắc

Thanh, hương, vị, xúc, pháp;

Không có cả sáu thức:

Nhãn thức đến ý thức;

Mười tám giới đều không.

Không có mười hai duyên:

Vô minh đến già chết;

Không có hết vô minh

Cho đến hết già chết

Lưu chuyển và hoàn diệt

Cả hai chiều đều không.

Không có bốn thánh đế:

Khổ, tập, diệt và đạo.

Không có trí có đắc

Vì không có sở đắc.

Bồ-tát y Bát-nhã

Ba-la-mật-đa này       

Tâm không còn chướng ngại

Do không có chướng ngại

Nên không có sợ hãi

Lìa mộng tưởng đảo điên

Đến Niết-bàn cứu cánh.

Chư Phật trong ba đời

Đều y nơi Bát-nhã

Đắc Vô Thượng Bồ-đề.

Thế nên biết Bát-nhã

Là chân ngôn đại thần

Là chân ngôn đại minh

Là chân ngôn vô thượng

Không chân ngôn nào bằng

Có vi diệu công năng

Diệt trừ tất cả khổ

Chân thực không dối hư

Liền nói ra chú rằng:

Ga-tê, ga-tê, ba-ra ga-tê, ba-ra sam-ga-tê, bô-đi xóa-ha (3 lần).

(Gate gate para gate para samgate bodhi svaha)

ĐẢNH LỄ BỔN SƯ

  1. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Từ vô lượng kiếp xưa

Luôn hành Bồ-tát đạo

Xả thân mình gieo giống từ bi

Công đức ấy không sao ví được.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

2. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Cõi Ta-bà thị hiện

Nơi dòng Thích thọ sanh

Thánh Ma-da mộng ứng điềm lành

Nơi vương thất chan hòa phước lạc.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

3. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:       

Nơi vườn Lâm-tỳ-ni

Thị hiện tướng đản sanh

Hoa sen nâng bảy bước du hành

Chỉ Phật tánh, xưng tôn ba cõi.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

4. Chủ lễ xướng:  Nhất tâm đảnh lễ:

Dạo nơi bốn cửa thành

Thấy lẽ khổ chúng sanh

Vì thương đời một dạ tu hành

Bỏ tất cả xuất gia tầm đạo.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

5. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Sáu năm tu núi Tuyết

Trải bao cảnh gió sương

Tìm chân lý soi sáng đêm trường

Trong tâm Ngài lai láng tình thương.          

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

6. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Tìm ra đường trung đạo

Lìa vui khổ hai đường

Dùng định tuệ hàng phục ma vương

Sao mai mọc thành ngôi Vô Thượng.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

7. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Suốt bốn mươi lăm năm

Không nề bao gian khổ

Đem Chánh Pháp từ bi tế độ

Trời người đều ngưỡng mộ tu hành.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

8. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Rừng Sa-la song thọ

Độ chúng đã mãn duyên

Thị hiện nhập vô dư Niết-bàn

Lưu xá-lợi rộng độ nhân thiên.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ)     

 

Kinh Hành Niệm Phật

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật (3 vòng) 

 

SÁM QUY MẠNG[1]          

Quy mạng Điều Ngự trong mười phương           

Pháp mầu thanh tịnh khéo tuyên dương

Thánh Tăng bốn quả, ba thừa Pháp[2]

Xin dũ lòng từ, nguyện xót thương.

Đệ tử chúng con,

Tự xa chân tánh,

Uổng đọa dòng mê

Theo sinh tử mãi thăng trầm

Tham sắc thanh luôn ô nhiễm.

Mười triền[3] mười sử[4]

Kết thành hữu lậu nghiệp nhân;

Sáu căn[5] sáu trần[6]

Lầm tạo biết bao tội lỗi.

Đắm chìm biển khổ

Lạc bước đường tà

Chấp ngã, chấp nhân

Sai lầm điên đảo.

Nhiều đời nghiệp chướng

Tất cả tội khiên

Nguyện Tam Bảo đức từ bi

Chứng lòng thành con sám hối. (C)

Kính nguyện: 

Thế Tôn cứu độ                         

Bạn tốt dắt dìu

Ra khỏi phiền não sông mê

Bước lên Bồ-đề bến giác.

Hiện đời bình an phước lạc

Sở nguyện tựu thành;

Kiếp sau mầm giác đơm hoa

Bồ-đề kết quả.

Sinh nơi Phật Pháp

Sớm gặp minh sư

Chánh tín xuất gia

Tuổi thơ vào Đạo.

Sáu căn thông lợi

Ba nghiệp[7] sạch trong

Chẳng nhiễm duyên đời

Thường tu phạm hạnh.

Nghiêm trì giới cấm 

Chẳng vướng nghiệp trần

Vững chãi oai nghi

Không hại sinh vật.

Không gặp tám nạn[8]

Chẳng thiếu bốn duyên[9]

Bát-nhã trí được hiện tiền

Bồ-đề tâm luôn bất thoái.

Tu tập Chánh Pháp 

Liễu ngộ Đại Thừa

Hành môn sáu độ[10] lợi sinh

Vượt biển ba kỳ[11] thành Phật.

Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi

Phá lưới nghi ngờ lớp lớp

Hàng phục chúng ma

Nối dòng Tam Bảo.

Phụng sự mười phương chư Phật

Chẳng nệ nhọc nhằn,

Tu tập tất cả pháp môn

Thảy đều thông đạt.

Rộng tu phước tuệ

Lợi lạc quần sinh,

Chứng được sáu loại thần thông

Chỉ trong một đời thành Phật.

Sau đó,

Không bỏ pháp giới 

Vào chốn trần lao

Từ bi đồng với Quán Âm

Hạnh nguyện rộng như Phổ Hiền.

Phương đây phương khác

Tùy thuận muôn loài

Ứng hiện sắc thân

Tùy cơ thuyết Pháp.

Trong đường địa ngục

Ngạ quỷ khổ đau

Hoặc phóng ánh quang minh

Hoặc hiện các thần biến

Nếu ai thấy thân con

Cho đến nghe được tên

Đều phát Bồ-đề tâm

Thoát hẵn luân hồi khổ.

Nơi có lò lửa sông băng

Thành rừng chiên-đàn.

Kẻ nuốt nước đồng hoàn sắt 

Hóa sinh Tịnh Độ.

Mang lông đội sừng

Thiếu nợ hàm oan

Hết nỗi tân toan

Thảy đều lợi lạc.

Trong đời dịch bệnh

Hiện thành cây thuốc

Cứu bệnh trầm kha,

Lúc đói mất mùa

Hóa ra lúa gạo 

Giúp người nghèo đói;

Chỉ cần lợi ích

Thệ chẳng từ nan.

Lại nguyện: 

Oán thân nhiều kiếp

Quyến thuộc hiện tiền

Hết đắm chìm trong bốn loại 

Dứt ân ái buộc nhiều đời

Cùng với chúng sanh

Đồng thành Phật đạo.

Hư không có hạn

Nguyện con không cùng

[Hư không có hạn

Nguyện con không cùng]

Hữu tình vô tình

Đồng nên Phật trí.

HỒI HƯỚNG

Trì kinh quán niệm phước vô biên

Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền

Nguyện ai còn đắm trong biển khổ

Sinh về nước Phật được an nhiên. 

Nguyện tiêu ba chướng, hết phiền não

Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao

Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo

Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao.

Nguyện đem công đức tu này

Hướng về tất cả chung xây phước lành

Con cùng pháp giới chúng sanh

Đồng nên Phật đạo, đồng thành Như Lai.

TỰ QUY Y

Con tự quy y Phật 

Nguyện tất cả chúng sinh

Giác ngộ Đạo Vô Thượng

Đồng phát Bồ-đề tâm (1 lễ).

Con tự quy y Pháp

Nguyện tất cả chúng sinh

Thâm nhập nghĩa Kinh tạng

Trí tuệ sâu như biển (1 lễ).

 

Con tự quy y Tăng 

Nguyện tất cả chúng sinh

Hòa hợp cùng đại chúng

Sống vô ngại, an lành (1 lễ).

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sinh vô biên: thệ nguyện độ

Phiền não vô tận: thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng: thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng: thệ nguyện thành

-------------------------------------------

[1]Đây vốn là bài văn phát nguyện của thiền sư Liễu Nhiên ở núi Di (怡山然禪師) được biên tập trong sách Truy Môn Cảnh Huấn, Đại Chánh Tạng, quyển 48, trang 1072. Bài phát nguyện này ảnh hưởng sâu rộng trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa Đông Á, và được đưa vào công khóa để tụng niệm sáng chiều trong chốn thiền môn. Đây không những nhờ vào { nghĩa sâu sắc của bài văn mà còn nhờ vào giọng văn lúc tha thiết, khi hùng tráng … qua nhịp câu ngắn gọn, dứt khoát đi thẳng vào trái tim của người tụng đọc. Vì vậy, khi dịch sang Việt ngữ, dịch giả cố gắng giữ nguyên nhịp câu và đối ngẫu như nguyên tác chữ Hán, nhằm bảo tồn tối đa nhạc điệu và hình tượng đối xứng trong tác phẩm.

[2] Ba thừa Pháp: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.

[3] Mười triền: Mười loại tâm lý trói buộc chúng ta trong vòng sinh tử. 1. vô tàm (không biết hổ với mình) 2. vô quý (không biết thẹn với người) 3. tật (ghen ghét) 4. xan (keo kiệt) 5. hối (hối tiếc) 6. thùy miên (tham ngủ nghỉ) 7. điệu cử ( tâm loạn động) 8. hôn trầm (tâm hôn ám dã dượi) 9. phẫn (giận hờn) 10. phú (che dấu lầm lỗi của mình).

[4] Mười sử: mười loại tâm lý sai khiến mình tạo nghiệp thọ khổ. 1. tham, 2. sân, 3. si, 4. mạn, 5. nghi, 6. thân kiến,7. biên kiến, 8. kiến thủ, 9. giới cấm thủ, 10.tà kiến.

[5] Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

[6] Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

[7] Ba nghiệp: Thân, miệng, ý.                                                                                        [8] Tám nạn: Tám chướng nạn khiến chúng sinh khó tu học Phật pháp. 1. Địa ngục, 2. Ngạ quỷ, 3. Súc sinh, 4. cõi trời Trường Thọ, 5. Biên địa, nơi không có Phật pháp, 6. Thế trí biện thông, giỏi biện luận thế gian nhưng không tin pháp xuất thế, 7. Đui điếc câm ngọng, 8. Sinh ra trước Phật hay sau Phật.

[9] Bốn duyên: Bốn nhân duyên phát tâm Bồ Đề. Theo Kinh Bồ-tát Địa Trì đó là: 1. Thấy đạo lực thần thông không thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ tát nên phát tâm Bồ-đề. 2. Nghe nói đến công hạnh của Bồ tát nên phát tâm Bồ Đề. 3. Thấy đời mạt pháp, chánh pháp suy vi nên phát tâm Bồ Đề. 4. Vì lòng thương xót chúng sinh khổ nên phát tâm Bồ-đề.

[10] Sáu độ tức sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

[11] Ba kỳ: Ba A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ có nghĩa vô số. Đây là ước lượng số kiếp lâu xa hành Bồ tát đạo để thành tựu quả Phật viên mãn.

bottom of page