top of page

Trang Nhà  < Bài Viết  < Thủ Bút Hòa Thượng Thích Thiện Tường

Thủ Bút Hòa Thượng Thích Thiện Tường (1917-1984)

    Hôm nay là ngày 23 tháng 08, Âm lịch, ngày Hòa Thượng Ân Sư thượng Thiện hạ Tường viên tịch. Mới đó Thầy đã đi 37 năm rồi! (1984-2021). Tưởng niệm về Thầy, bút giả xin đăng bài giới thiệu về thủ bút của Hòa Thượng thuở sinh tiền. Đây cũng là chút kỷ niệm tình Thầy trò, thời bút giả bắt đầu học chữ Hán qua từng câu kinh khi mới xuất gia tại Tổ Đình Giác Nguyên. Nhờ có những viên gạch đầu đời tu học này, mới xây dựng nên sự nghiệp phiên dịch, nghiên cứu, sáng tác và hoằng Pháp của bút giả hiện nay! Xin tri ân Thầy!

     Sakya Minh-Quang

     Tu Viện Thiện Tường, ngày 29 tháng 09, 2021.

Lời Giới Thiệu

    Hòa Thượng Thích Thiện Tường, sinh năm 1917 (Đinh Tỵ) tại làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, tỉnh Gò Công, miền nam Việt Nam. Ngài pháp danh Thanh Giới, Pháp tự Chơn Như và Pháp hiệu Thiện Tường, thuộc đời thứ 41, dòng Lâm Tế Chánh Tông.

Giới Đức Trang Nghiêm, Truyền Trì Chánh Pháp.

   Hòa Thượng là người có nếp sống thiểu dục tri túc, trì giới trang nghiêm, và siêng năng lao tác phục vụ đại chúng theo tinh thần “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Thiền sư Bách Trượng. Ngài đích thân xây dựng hay trùng tu nhiều chùa đương thời, như Chùa Tăng Già (sau đổi lại là chùa Kim Liên), Tổ Đình Giác Nguyên, chùa Vạn Thọ v.v…. Với những hạnh đức trang nghiêm như vậy, chư Tôn đức đương thời rất kính trọng Ngài và thường cung thỉnh Ngài làm Yết-ma, Giáo Thọ, hay đệ nhất tôn chứng trong những đại giới đàn Phật giáo.

   Quan trọng hơn hết, Ngài vô cùng coi trọng việc đào tạo Tăng tài để truyền thừa và hoằng dương Phật Pháp ở tương lai. Ngài đã cùng các Hòa Thượng Hành Trụ, Hòa Thượng Thới An, Hòa Thượng Hạnh Nguyện xây dựng Phật Học Viện Tăng Già năm 1946, sau đổi thành chùa Kim Liên, để đào tạo Ni giới, Phật Học Đường Giác Nguyên, tức Tổ Đình Giác Nguyên năm 1947 để đào tạo chư tăng.

   Trong bốn vị thành lập Phật Học Đường Giác Nguyên và Kim Liên, có lẽ nổi bậc nhất là Hòa thượng Hành Trụ và Hòa thượng Thiện Tường. Hòa thượng Hành Trụ là một vị Pháp sư lỗi lạc, đã phiên dịch nhiều kinh sách Phật giáo có giá trị, như Kinh A-di-đà Sớ Sao, Sa-di Luật Giải, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư v.v…. Ngài còn là Giám Đốc kiêm giáo thọ sư chính lo việc giảng dạy. Trong khi đó, Hòa thượng Thiện Tường là Hóa chủ, người đứng ra lo việc xây dựng phòng xá, ăn ở cho chư Tăng, lấy thân giáo giới luật trang nghiêm để nhiếp chúng.

Lấy Nghĩa Kinh Luật, Gia Giáo Dạy Chúng

   Sau năm 1975, thời cuộc thay đổi, chư tăng phân tán khắp nơi, nhưng Hòa thượng vẫn mở lớp gia giáo, đích thân giảng dạy cho chư tăng tại Tổ Đình. Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa Đông Á, lấy Đại Tạng Kinh chữ Hán làm tài liệu chủ yếu để tu học. Bảy ngày sau khi xuất gia, bút giả được Hòa thượng ân sư gọi lên giảng đường để dạy chữ Hán và kinh luật cùng các huynh đệ. Hòa thượng chép từng đoạn kinh luật chữ Hán lên bảng, chỉ đại chúng phiên âm và dịch nghĩa. Người học phải thuộc mặt chữ, nhớ phiên âm và ý nghĩa từng chữ Hán. Người học cũng phải hiểu ý nghĩa của từng câu và cả đoạn kinh luật. Như vậy, bút giả và huynh đệ vừa học Hán văn, vừa học ý nghĩa Kinh Luật cùng lúc.

Đây chính là nền giáo dục Phật giáo đầu tiên mà bút giả nhận được.

   Ngoài ra, lấy nghĩa Kinh Luật là hình thức chép kinh chữ Hán, nhận diện mặt chữ, đối chiếu với bản dịch Việt ngữ để tìm ra ý nghĩa từng chữ Hán, cũng như sự tương ứng và sai biệt giữa cú pháp Hán văn và Việt ngữ. Cụ thể, khi đối chiếu với bản Hán văn, nếu bản dịch vẫn giữ âm Hán việt, thì người lấy nghĩa chỉ cần đánh dấu vào cạnh chữ Hán là được. Ví dụ chữ Hán: “菩提心” nếu được dịch âm “Bồ-đề tâm” thì người lấy nghĩa chỉ đánh dấu, mà không cần ghi phiên âm “Bồ-đề tâm” bên cạnh. Sở dĩ không ghi ra âm Hán Việt bên cạnh chữ Hán vì để tiết kiệm thời giờ và giúp ghi nhớ cách đọc chữ Hán. Còn nếu chữ Hán nào có nghĩa thuần Việt, thì người lấy nghĩa phải ghi rõ nghĩa chữ Việt bên cạnh chữ Hán. Ví dụ, câu “ưng phát Bồ-đề tâm” “應發菩提心”, dịch là “nên phát tâm Bồ-đề”, thì bên cạnh chữ “應” (ưng) phải ghi rõ nghĩa của nó là “nên”. Lại nữa, chữ “心” (tâm) cũng được đánh dấu, cho biết nó phải được đọc trước chữ “菩提” (Bồ-đề).

   Còn về cú pháp, nói chung giữa Việt ngữ và Hán văn tương đối tương đồng, nhưng đôi khi vẫn có sự sai khác về thứ tự. Ví dụ, câu: “Chí Thế Tôn sở, vấn tấn tất, nhất diện tọa” (至世尊所,問訊畢,一面坐), dịch: “Đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi xong, ngồi qua một bên.” Người lấy nghĩa phải ghi chữ “ngồi” ghi bên cạnh chữ 坐 (tọa), rồi đánh dấu để chữ này được đọc trước chữ “một bên” (一面). Việc đối chiếu và chuyển dịch giữa cú pháp Hán Văn và Việt văn, giúp người học khi đã quen, có thể đọc một câu Hán văn liền chuyển dịch sang một câu Việt ngữ một cách dễ dàng. Đây có lẽ là cách chư Tôn đức trong Thiền môn thuở xưa dùng để dạy học trò.

   Hòa thượng nhờ nhiều người chép chữ Hán, còn Ngài đích thân lấy nghĩa kinh để dạy cho đệ tử. Có lẽ do nhân duyên từ nhiều đời trước, bút giả học chữ Hán rất dễ dàng, nghe qua Kinh Luật liền thông hiểu, nhiều chỗ không thầy tự ngộ. Vì vậy, dù học chữ Hán không lâu, trong các huynh đệ, bút giả là người duy nhất được Hòa Thượng chọn để lấy nghĩa kinh cùng Ngài. Gần bốn mươi năm sau, khi nhìn lại thủ bút của Hòa Thượng ân sư và chữ viết của mình trong những tập sách học trò chép tay cũ kỹ, bút giả lại bồi hồi xúc động, nhờ về một thuở sơ tâm tu học với Thầy!

   Ngày nay, cách học này có thể không còn thích hợp khi việc học và dạy ngôn ngữ có nhiều tiến bộ, nhất là trong thời đại của kỷ thuật số. Nhưng chính nhờ giai đoạn học gia giáo và lấy nghĩa kinh này, bút giả đã có được một cơ sở Hán ngữ vững chắc. Đây là bệ phóng cho con đường phiên dịch kinh điển của bút giả sau này. Ngoài ra, đây cũng là dấu ấn thời gian, lưu giữ lại kỷ niệm một thời tu học khó khổ nhưng vô cùng ý nghĩa bên bên Thầy. Thời đó, việc ăn mặc thiếu thốn, chỗ ở không yên, kinh sách phải chép tay để học, nhưng lại đầy ắp Đạo tình và ân nghĩa.

Theo Dấu Chim Hồng, Ân Sâu Nghĩa Nặng

Nhân sinh rốt cuộc là chi?

Chim hồng lưu tạm dấu đi trên bùn!

Chim bay về cõi vô tung

Người đi vào chốn mịt mùng, ai hay?

Lão Tăng đã mất tháp xây

Thơ trên tường đổ, còn đây… nửa hàng!

Nhớ chăng? Xưa lúc gian nan

Đường xa, ngựa mỏi, người càng lao đao!

(Thơ Tô Đông Pha, Sakya Minh-Quang dịch)

   Vâng, cuộc đời vô thường, dấu vết Cao Tăng lưu lại như dấu chim hồng tạm lưu trên bùn tuyết! Hòa thượng như chim hồng đã tung cánh về cõi vô sanh, chỉ còn lưu lại vài dấu vết trên cõi vô thường! Bút giả e rằng, nếu mình không cố gắng sưu tầm, biên tập và lưu giữ lại những dấu vết này, một ngày này đó ngay cả dấu chim hồng cũng không còn nữa!

   Là người gần gũi và chịu ơn giáo dưỡng của Hòa thượng ân sư, nhưng đã ba mươi sáu năm (1984-2020) từ ngày Ngài về cõi Phật, bút giả vẫn chưa viết được một quyển tiểu sử đầy đủ về cuộc đời và Đạo nghiệp của Ngài. Đây là điều mà bút giả luôn cảm thấy hổ thẹn và day dứt trong lòng. Vì vậy, gần đây, bút giả cố gắng sưu tập những gì còn sót lại để viết về cuộc đời và Đạo nghiệp vĩ đại của Ngài trước khi quá trễ. Việc sưu tập và giới thiệu thủ bút của Hòa thượng ân sư cũng là một phần trong kế hoạch viết lại tiểu sử của Ngài.

   Tuy thủ bút của Hòa thượng còn thất lạc hay bị hư hỏng rất nhiều, nhưng bút giả cũng đã sưu tập được phần lớn vở tập chép tay Lấy Nghĩa Kinh Luật. Nay việc sưu tập thủ bút lấy nghĩa kinh luật của Hòa thượng cơ bản đã hoàn thành. Bút giả cho scan toàn bộ để lưu giữ. Ngoài ra, bút giả cũng đóng thành tập lại thủ bút của Hòa thượng để giới thiệu cùng đại chúng. Ngưỡng nguyện nơi cõi Phật phương Tây, giác linh Thầy hãy chứng minh cho tấm lòng thành của người đệ tử. Chúng con luôn mong rằng, Thầy sớm ngộ vô sanh, thừa nguyện tái lai, trở lại Ta-bà để trùng hưng Đạo Phong của Tổ Đình Giác Nguyên, nơi Thầy đã dày công gây dựng để đào tạo Tăng tài cho Phật Pháp.

Thầy đi như cánh hạc bay

Thong dong giữa cuộc tỉnh say kiếp người

Chân dung xưa nét còn tươi

Giác Nguyên vẫn đợi chờ Người tái lai!

Đệ tử Sakya Minh-Quang đảnh lễ kính ghi

Tu Viện Thiện Tường

Ngày 03 tháng 03, 2020

Ghi chú: chữ viết kinh của Hòa thượng Thiện Tường

IMG_3580.JPG
243772170_2743319739301730_1208505397273566252_n.jpg
243566424_2743319745968396_8546280276840804977_n.jpg
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page