top of page

Vu Lan Nhớ Mẹ qua Mười Bài Thi Kệ

1. Dẫn nhập

 

     Mỗi năm vào mùa Vu-lan Báo Hiếu, người con Phật Việt Nam khắp nơi đều trì tụng Kinh Vu-lan và Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân. Công đức phiên dịch kinh này là của Hòa thượng Thích Huệ Đăng (1873-1953), vị thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông ở Bà Rịa vào năm 1935, tiếp theo phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tháng bảy Vu-lan, gương sáng Đại Hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên, phước điền vô thượng của Chư Tăng, và ân tình vô biên của Mẹ… lại được vang vọng khắp thế gian qua những lời kinh du dương trầm bổng. Không biết từ khi nào, những câu kinh mộc mạc sau đây đã đi vào lòng bút giả:

Đàn ông xương trắng nặng hoằng

Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?

Bởi đàn bà sinh đẻ mà ra

Sinh con ba đấu huyết ra

Tám hộc bốn đấu sửa hòa nuôi con…

Lại nữa,

Thế Tôn lại bảo A-nan:

Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin.

Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo,

Mười tháng trường chu đáo mọi bề.

Thứ hai sanh đẻ gớm ghê,

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần…

hinh 7.jpg

     Một trăm lần đọc là một trăm lần nhớ Mẹ, thương Mẹ và đau lòng vì Mẹ! Trong tâm tưởng và cảm xúc này, nhân mùa Vu-lan Báo Hiếu, bút giả xin giới thiệu đại chúng “mười bài thi kệ về ân mẹ” trong Kinh Báo Hiếu hay Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh.

2. Giới thiệu văn bản

   Mười bài thi kệ về ân mẹ, theo thể ngũ ngôn bát cú (tám dòng năm chữ) bên Hán văn, đã được bút giả dịch ra tiếng Việt bằng thể thơ thất ngôn bát cú (bảy chữ tám dòng) với tựa là “Mười Công Ơn Mẹ”. Đây là một trong những vần thơ tuyệt tác nói về ân tình mà mẹ đã dành cho con, từ lúc mới cấn thai cho đến khi mẹ trút hơi thở cuối cùng! Tác giả những bài thi kệ này vô danh, nhưng chắc chắn đó là một nhà thơ Phật tử nào đó, đã nhiệt tâm quảng bá tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo trong hoàn cảnh xã hội văn hóa phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo.

   Về mặt mặt văn bản, mười bài thi kệ này có xuất xứ từ Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh父母恩重難報經, hay Kinh Khó Đền Đáp Ơn Nặng của Cha Mẹ, gọi tắt là Kinh Báo Hiếu. Tuy dịch giả của bản kinh được ghi nhận là Cưu-ma-la-thập, nhưng một số Tôn đức thuở xưa như Đại sư Liên Trì cuối nhà Minh hay các học giả hiện nay đều chỉ ra kinh này được biên tập ở Trung Quốc, không có trong Đại Tạng Kinh. Tuy nhiên, bản kinh này lại được nhiều người biết đến hơn so với bản kinh có tựa đề tương tự trong Đại Tạng Kinh. Đó là Kinh Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo Kinh 佛說父母恩難報經 do An Thế Cao dịch. Có lẽ, đây là vì ngoài nội dung hiếu đạo được trình bày một cách đơn giản, quan trọng hơn, bản kinh này còn có những bài kệ tụng mang nét đẹp thi ca, dễ hiểu dễ nhớ, nên đã đi sâu vào lòng của số đông Phật tử.

    Theo thiển ý của bút giả, “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”, trong năm thừa Phật Pháp vẫn có nhân thiên thừa là thế gian cọng pháp, tức có phần chia sẻ chung với pháp thế gian. Lại nữa, Đại Trí Độ Luận nói: “Phật Pháp chẳng phải chỉ là những gì đức Phật chính miệng nói ra, mà tất cả những lời lành và chân thật, những lời hay đẹp và vi diệu trong thế gian đều xuất phát từ trong Phật Pháp.” Cho nên, tuy bản Kinh Báo Hiếu không phải do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch, có người cho là ngụy kinh, nhưng vẫn không ngoài Phật Pháp!

    Ngụy kinh là vấn đề phức tạp, được bàn cãi nhiều giữa các học giả trong giới Phật học, có dịp bút giả xin trình bày ở chỗ khác. Ở đây chúng ta chú trọng đến “học Phật” (emulating the Buddha) hơn là “Phật học” (Buddhist studies). Trên thực tế, đứng về mặt nội dung và ảnh hưởng khuyến thiện, bản kinh này đã góp một phần quan trọng trong việc hoằng dương Hiếu đạo trong Phật giáo cho quần chúng xã hội từ xưa đến nay. Huống chi, hơn nửa thế kỷ từ khi có bản dịch tiếng Việt, những lời kinh về công ơn cha mẹ của kinh này đã đi sâu vào lòng người Phật tử Việt Nam, góp phần đưa Đạo vào Đời, giáo dục đạo đức tâm linh cho rất nhiều quần chúng Phật tử tại gia.

3. Mười Bài Thi Kệ Về Ân Mẹ

Sau đây bút giả xin giới thiệu bản dịch thơ thất ngôn bát cú mười bài thi kệ ân mẹ, bao gồm phần phiên âm và chữ Hán để người đọc có cơ sở đối chiếu. Phiên dịch, nhất là dịch thơ, là sự tương tác giữa dịch giả với tác giả, và có sáng tạo nhất định của người dịch. Cho nên, bút giả chú trọng việc dịch sát ý hơn dịch sát lời. Bút giả cũng cố gắng thể hiện phần đối ngẫu trong bản dịch, chẳng những mong đạt được tín (trung thực) và đạt (sáng tỏ), mà còn nhã, tức nét đẹp cổ kính, đối xứng của thơ Đường Luật.

1. Ân thứ nhất: giữ gìn thai nhi

Nhân duyên nhiều kiếp đến thọ thai

Mẹ dưỡng nuôi con mảnh hình hài

Từng tháng dần thành nên ngũ tạng

Mỗi tuần lần đủ cả mắt tai

Thân thể nặng nề như đá núi

Đứng đi cẩn trọng sợ lo hoài

Áo xiêm trang điểm không màng nữa

Tiều tụy như vầy hỏi vì ai?

2. Ân thứ hai: khổ lúc gần sinh

Mang thai mười tháng lắm chua cay

Gần đến ngày sinh nỗi đọa đày

Sáng sáng thân như người bệnh nặng

Chiều chiều tâm tợ bóng đêm dày

Nhọc nhằn cho mẹ thân lao khổ

Lo lắng vì con lệ chảy dài

Buồn thương than với người thân thuộc:

Nếu chết, con mình ở với ai?

3. Ân thứ ba: sinh con quên khổ

Ngày mẹ lâm bồn ngày lâm nạn

Ruột đứt gan rời chẳng thở than

Mệt ngất từng cơn, đau quặn thắt

Máu tuôn lai láng cảnh kinh hoàng

Sinh xong biết được con an ổn

Hạnh phúc còn hơn mẹ được vàng.

Niềm vui tâm tưởng vừa an định

Nỗi đau thể xác xé ruột gan.

4. Ân thứ tư: nhường con bùi ngọt

Công cha nghĩa mẹ thực cao sâu

Lo lắng khi con mới ấm đầu

Ngon ngọt phần con luôn an hưởng

Đắng cay về mẹ chẳng than sầu

Tình sâu như biển, lòng không nỡ

Nghĩa nặng bằng non, nghĩ lại đau

Chỉ mong con được đời no đủ

Mẹ có nề chi kiếp dãi dầu.

5. Ân thứ năm: nhường khô nằm ướt

Mẹ nằm chỗ ướt chẳng phiền than

Miễn con khô ráo ngủ được an

Hai dòng sữa ngọt nuôi thân lớn

Đôi cánh tay mềm chắn gió hàn

Giật mình con khóc, mẹ thao thức

Đùa giỡn con cười mẹ hân hoan

Chỉ mong con được nhiều an lạc

An ổn riêng mình, mẹ chẳng màng.

6. Ân thứ sáu: thương yêu nuôi dưỡng

Mẹ là đất rộng suốt gần xa

Cha là trời lớn khắp bao la

Mẹ cha che chở như trời đất

Ân nghĩa rộng sâu tợ hải hà

Cho dù khuyết tật không chê bỏ

Nếu có lỗi lầm cũng thứ tha

Mang nặng đẻ đau tình cốt nhục

Nên luôn yêu quý đứa con nhà.

7. Ân thứ bảy: Tắm giặt đồ dơ

Vốn xưa mặt tựa đóa phù dung

Yểu điệu xinh tươi khó tả cùng

Mày xanh làm lợt màu liễu biết

Má hồng thêm thắm cánh đào nhung

Tháng năm sầu khổ mòn nhan sắc

Tắm giặt đồ dơ chẳng ngại ngùng

Thương con giờ mẹ đâu còn quản

Đổi thay tiều tụy cả hình dung.

8. Ân thứ tám: trông ngóng con về

Chết phải lìa xa khổ vô vàn

Sống mà ly biệt héo sầu gan

Con đi ngàn dặm thân sương gió

Mẹ ở quê nhà tâm chẳng an

Ngày đêm trông ngóng sầu trăm mối

Ngồi đứng khóc than lệ muôn hàng

Như vượn mất con đau đứt ruột

Sầu thương làm mẹ nát tâm can.

9. Ân thứ chín: xót thương sâu sắc

Ân tình phụ mẫu tợ hải hà

Khó mà đền đáp nghĩa mẹ cha

Sẵn lòng thay thế khi khó khổ

Lo lắng chung cùng lúc phong ba

Cầu học con đi quên quê cũ

Vò võ mẹ nằm nhớ phương xa

Nhọc nhằn con chỉ trong chốc lát

Xót xa lòng mẹ khó phôi pha.

10. Ân thứ mười: thương con trọn đời

Cha mẹ ân tình tợ biển khơi

Thương con giây phút chẳng tạm rời

Ngồi đứng không quên tâm thắc thỏm

Gần xa luôn nhớ, dạ đầy vơi

Cho dù đến lúc mẹ trăm tuổi

Cũng vẫn còn lo con tám mươi

Tình mẹ bao la không bờ bến

Thương con đến hơi thở cuối đời.

4. Kết luận

    Bút giả đã hoàn tất bản dịch “Mười Công Ơn Mẹ” này vào năm 2000. Bài kinh này được in trong quyển Nghi Thức Huân Tu Hằng Ngày, gồm các kinh văn do bút giả phiên dịch và biên soạn. "Văn dĩ tải đạo". Cho nên, mong rằng độc giả, không những thưởng thức phần văn chương của bản dịch, mà còn có thể cảm nhận sâu sắc hơn về công ơn cha mẹ, để có thể hiếu thảo, tự mình tu học và tạo duyên giúp cho mẹ tu học. Như vậy mới xứng đáng là một người con Phật chánh tín.

Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát.

Tu Viện Thiện Tường,

Mùa Vu Lan Báo Hiếu, ngày 20 tháng 08, 2021

Sa-môn Sakya Minh-Quang.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page