Đạo Tình Nơi Cõi Tạm
Niết-bàn một thuở ra đi
Cân bình nửa gánh, Tây quy nhẹ nhàng
Rừng thiền vắng bóng hạc vàng
Biển trần vượt khỏi muôn ngàn phong ba.
Người đi dấu vết chưa nhòa
Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng
Sinh sinh hẹn kiếp tao phùng
Tông phong tổ ấn gởi cùng đệ huynh. (1)
(Pháp Sự Khoa Nghi-HT Thích Huyền Quang soạn dịch)
Kính thưa giác linh thầy Tuệ Giác và đại chúng,
Tuy chúng ta không cùng tông môn, nhưng đều là Thích tử, đầu tròn áo vuông, mang lý tưởng giải quyết việc lớn sinh tử cho mình và gánh vác Phật Pháp cho đời. Nói cách khác, chúng ta đều cùng chung một vị Thầy Bổn sư, đó là đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Cho nên, vượt trên giới hạn của tông môn pháp phái, hay phân biệt của giáo hội đoàn thể, tình huynh đệ của người xuất gia trong Tăng đoàn với nhau là trên hết! Vì vậy, khi biết thầy sắp sửa ra đi, tôi đã về đây để tiễn thầy một đoạn đường trước ngã rẽ tử sinh.
Tôi từng thọ ơn Pháp nhũ của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ từ thuở nhỏ và quen biết với quý Thầy trong Tu Viện Thường Chiếu ngày xưa. Ba năm trước trong chuyến hoằng Pháp tại miền nam Cali, tôi đã nhờ Thượng tọa Thường Tín-Tuệ Hạnh đưa đi viếng thăm Thiền Viện Đại Đăng. Nơi đây, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện và thọ trai với thầy, người được Hòa thượng giao trọng trách trụ trì Thiền Viện Đại Đăng để hoằng hóa dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam nơi Hoa Kỳ. Lần thứ hai gặp thầy là tại Như Lai Thiền Tự trong khóa an cư kiết hạ năm 2019 khi thầy về chia sẻ Phật Pháp với đại chúng. Lúc đó, tuy biết rằng thầy có bệnh trong người, nhưng lại không ngờ lần thứ ba gặp lại, cũng là lúc tôi tiễn thầy kết thúc một kiếp nhân sinh và bắt đầu một cuộc hành trình mới!
Niết-bàn một thuở ra đi
Cân bình nửa gánh, Tây quy nhẹ nhàng
Thế là thầy đã ra đi! Không ai ngờ thầy lại ra đi sớm như vậy dù biết rằng vô thường không hẹn cùng người! “Cân bình nửa gánh” là sự nghiệp tự giác thầy đã mang về Tây, còn nửa gánh sự nghiệp giác tha đời này thì thầy để lại cho huynh đệ và người sau. Huynh đệ và người sau sẽ tiếp tục hoằng truyền Phật Pháp và Thiền Pháp Trúc Lâm Việt Nam trên đất Hoa Kỳ, cũng như sẽ hoàn tất công trình xây dựng Thiền Viện Đại Đăng mà thầy luôn tâm huyết.
Rừng thiền vắng bóng hạc vàng
Biển trần vượt khỏi muôn ngàn phong ba.
Thôi Hiệu trong bài "Hoàng Hạc Lâu" viết:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không lưu hoàng hạc lâu.
Dịch:
Người xưa cỡi hạc đi xa
Nơi đây còn lại chỉ là lầu không!
Cũng vậy, giờ thầy như người xưa cỡi hạc vượt qua biển khổ, thẳng vào đất vô sinh, còn lại đây là núi rừng Đại Đăng với ngôi thiền viện đang còn dang dở! Từ các công trình xây dựng cho đến từng cội cây, viên đá, pháp khí, vườn hoa… vẫn còn lưu lại tâm huyết và những giọt mồ hôi vất vả của thầy cùng huynh đệ và đại chúng nơi đây.
Người đi dấu vết chưa nhòa
Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng!
Hôm nay di ảnh thầy còn đó, y bát thầy còn đây, rồi mai thân tứ đại khổ không của thầy sau lễ trà-tỳ sẽ trở về với đất nước, gió, lửa. Đạo nghiệp sẽ theo thầy trên con đường kế tiếp, còn Đạo tình thầy vun đắp lúc sinh tiền sẽ ở lại thế gian trong lòng chư Tôn đức trưởng lão, cũng như bao huynh đệ, và bốn chúng đệ tử gần xa.
Sinh sinh hẹn kiếp tao phùng
Tông phong Tổ ấn gởi cùng đệ huynh.
Tổ Quy Sơn bảo: “Thế thế sinh sinh, đồng vi Pháp lữ”, đời đời kiếp kiếp đồng làm bạn Pháp. Xin hẹn gặp lại thầy đâu đó trên con đường Bồ-tát đạo dài xa, dù khác hình hài danh tính, nhưng chúng ta sẽ cùng là thiện tri thức cho nhau. Tông phong Tổ ấn đời này thầy đã gởi lại các huynh đệ và người sau trong Tông môn, các vị này sẽ tiếp tục sứ mệnh truyền đăng tục diệm. Thầy yên tâm ra đi.
Cuối cùng, xin gởi thầy bài kệ:
Xưa cha mẹ chẳng từng sanh
Nay trong núi cả chưa từng mất đi
Bản lai diện mục liễu tri
Đến đi đều cõi vô vi niết-bàn!
Trân trọng!
Sa-môn Sakya Minh-Quang viết ngày 12 tháng 04, 2021 tại Như Lai Thiền Tự, San Diego.
(1) Hai câu cuối theo nguyên bản dịch: “Ba sinh hẹn kiếp tao phùng, tông phong tổ ấn gởi cùng non sông.” Bút giả xin đổi lại: "Sinh sinh hẹn kiếp tao phùng, tông phong Tổ ấn gởi cùng đệ huynh" cho phù hợp với ý "thế thế sinh sinh đồng vi Pháp lữ" của Tổ Quy Sơn và hoàn cảnh của bài tưởng niệm này.