top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  <  Ảnh Dụ Chuột Trong Ngụ Ngôn Phật Giáo P1

Ảnh Dụ Chuột Trong Ngụ Ngôn Phật Giáo 

      Đức Phật nói: “Người trí nhờ thí dụ mà hiểu được giáo pháp.” Cho nên, trong một đời giáo hóa của đức Phật, Ngài đã dùng rất nhiều ví dụ, ngụ ngôn, truyện tích để trình bày Pháp nghĩa thâm sâu. Tất cả những ví dụ, ngụ ngôn, truyện tích… trong kinh Phật được gọi chung là thí dụ, một trong chín hay mười hai thể tài văn học Phật giáo. Thí dụ hay ngụ ngôn Phật giáo chẳng những giải thích giáo nghĩa một cách dễ hiểu, mà còn giúp đại chúng khởi lòng hứng thú nghe Pháp.

 

      Nhân đầu xuân năm Canh Tý, vì mục đích chia sẻ Pháp nghĩa thâm diệu đến hàng Phật tử hữu duyên, bút giả đã tra cứu, trích dịch, và bình luận những mẫu chuyện ngụ ngôn Phật giáo có liên quan đến hình ảnh con chuột. Tùy theo ngữ cảnh, chuột có thể được dùng để dụ cho cái xấu như tham dục, nhưng cũng có thể dụ cho điều tốt như thánh nhân, hay chỉ là một sự thật khách quan như thời gian trôi qua. Mong rằng, qua những mẫu chuyện ngụ ngôn lý thú này, đại chúng sẽ dễ dàng hơn trong việc “thâm nhập nghĩa kinh dạy, trí tuệ sâu như biển.”

1.

Chuột trắng và chuột đen

Trắng đen hai chuột cắn đêm ngày
Rễ mạng đứt dần nguy ngập thay!
Bốn rắn vây quanh: thân bệnh khổ
Một rồng chờ sẵn: mạng nguy tai!
Phật thương ách nạn đưa tay cứu
Người đắm vị ngon chẳng đoái hoài
Tự cam đọa lạc trong giếng cũ
Thượng sĩ xuất trần được mấy ai?

      Trước hết, bút giả xin giới thiệu về hình ảnh chuột trắng và chuột đen, dụ cho ngày và đêm, đang cắn đứt rễ dây leo, dụ sinh mạng vô thường của chúng ta. Câu chuyện về chuột trắng và chuột đen được thấy trong Kinh Tân-đầu-lư Đột-la-xà Thuyết Pháp Cho Vua Ưu-đà-diên. Kinh này ghi:

“Tôn giả Tân-đầu-lư bảo: Này Đại Vương, tôi nay vì ngài mà nói sơ lược một thí dụ về lỗi lầm của tham đắm vị ngọt trong sinh tử nơi các cõi. Xin Vua hãy chí tâm lắng nghe.

-Thuở xưa, có người đang đi đường nơi hoang dã. Anh bỗng gặp một con voi to lớn hung dữ đuổi theo. Anh sợ hãi bỏ chạy, không biết trốn lánh nơi đâu. Chợt trông thấy một cái giếng hoang, anh ta liền nắm lấy rễ cây leo xuống giữa giếng để trốn. Lúc đó, có hai con chuột trắng và đen đang thay nhau gặm chiếc rễ cây mà anh đang bám, xung quanh giếng lại có bốn con rắn độc đang chực chờ cắn, còn dưới đáy giếng lại có một con rồng độc to lớn. Anh ta vô cùng sợ hãi bốn con rắn độc xung quanh cũng như con rồng độc phía dưới. Điều đáng sợ nữa là, chiếc rễ cây lại dao động sắp đứt! Trên cây có tổ ong, rơi xuống ba giọt mật vào miệng anh ta. Lúc đó cây bị động, nhánh cây phá vỡ tổ ong. Đàn ong bay túa ra châm chích vào thân anh. Lại có lửa rừng nổi lên, cháy lan tới cây. Đại Vương nên biết, người đó khổ não thực không thể kể hết!

Vua nghe vậy mới thưa rằng: “Người đó được vị ngọt rất ít mà khổ hoạn rất nhiều. Vị ngọt hưởng được ít như nước ở dấu chân bò còn khổ hoạn lại nhiều như biển cả! Vị ngọt nhỏ như hạt cải mà khổ hoạn lớn như núi tu-di! Vị ngọt ít như ánh sáng đom đóm còn khổ hoạn nhiều như ánh sáng nhật nguyệt. Đây giống như lấy khoảng trống của lỗ ngó sen để so sánh với hư không, lại như lấy con muỗi mà so với kim xí điểu! Sự so sánh ít nhiều giữa vị ngọt dục lạc và khổ hoạn cũng như vậy.”

Tôn giả nói: “Này Đại Vương, nơi hoang dã là dụ cho sinh tử. Người đàn ông kia dụ cho phàm phu. Con voi dụ cho vô thường. Giếng hoang dụ cho thân người. Rễ cây dụ cho mạng căn, tức thọ mạng của chúng sinh. Hai con chuột trắng và đen dụ cho ngày và đêm. Hai chuột cắn gặm rễ cây dụ cho niệm niệm hoại diệt. Bốn con rắn độc dụ cho bốn đại. Mật ngọt dụ cho năm dục. Bầy ong dụ cho ác giác quán (tức tâm ô nhiễm hướng đến những đối tượng của nhận thức). Lửa rừng thiêu đốt dụ cho già. Rồng độc bên dưới dụ cho chết.

Cho nên phải biết, vị ngọt của dục lạc rất ít, đau khổ lại quá nhiều! Sinh già bệnh chết không ai thoát khỏi. Người thế gian thân tâm lao khổ không nơi nương tựa. Các khổ bức bách đến mau như điện chớp. Đó là điều đáng lo sợ mà không nên ái nhiễm vướng mắc. Này Đại Vương, ta nay nói với Vua những lời này tuy thô xấu, nhưng thực sự vô cùng lợi ích!”
(Đại Chánh Tạng, quyển 32, kinh 1690, trang 787a-b)

 

       Cuộc đời vô thường, mạng sống mong manh, như sợi rễ cây bên miệng giếng đang bị chuột cắn, không biết sẽ đứt lúc nào. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Thiền sư Linh Hựu cũng mượn hình ảnh vô thường “cây bờ, dây giếng” trong câu chuyện này để cảnh sách các hàng đệ tử: “Ví như sương xuân, móc sớm, chợt có liền không; cây bờ, dây giếng, nào được lâu dài? Niệm niệm mau chóng, mạng người trong một sát-na, tắt hơi đời khác liền qua, sao lại lơ là sống phí?” (Thí như sương xuân hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ tỉnh đằng, khởi năng trường cữu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát-na gian, chuyển tức tức thị lai sinh, hà nãi yến nhiên không quá).

 

      Thế gian vô thường, thanh niên tài hoa một thuở, danh tiếng một thời, giờ là ông lão hom hem, nằm chờ chết trên giường bệnh! Thiếu nữ sắc nước hương trời, “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” giờ thành bà lão tóc bạc lưng còng, đêm ngày bị đau nhức hành hạ! Đằng sau ánh đèn màu sân khấu là biết bao bóng tối của đời người! Thực là,

 

Tài hoa một kiếp mồ xanh nghỉ
Hương sắc nửa đời mây trắng bay!

 

Mới hay:


Xưa nay muôn việc đều thay đổi
Vô thường một pháp không đổi thay!

Vâng, tất cả vạn vật đều vô thường, chỉ có vô thường là không vô thường!

       Ngoài Quy Sơn Cảnh Sách, câu chuyện ngụ ngôn trên cũng được nhắc đến nhiều nơi khác trong kinh luận và ngữ lục. Ví dụ, Chúng Kinh Tuyển Tạp Thí Dụ cũng ghi lại câu chuyện này với tình tiết đại đồng tiểu dị. Thay vì người đi đường lại nói là tù nhân vượt ngục, hai con chuột trắng đen thành một con chuột trắng v.v…. Phần kết luận, liên hệ giữa thí dụ và giáo Pháp, Tạp Thí Dụ nói cũng hơi khác: “Thánh nhân mượn câu chuyện này để thí dụ: Tù ngục dụ cho ba cõi giam giữ chúng sinh. Voi dữ là vô thường, giếng hoang là gia đình nhà cửa. Rồng độc dưới đáy giếng là địa ngục. Bốn con rắn độc xung quanh là bốn đại. sợi dây leo là sinh mệnh. Chuột trắng dụ cho mặt trời và mặt trăng.” Tạp Thí Dụ kết luận bằng Pháp ngữ: “Ngày đêm trôi qua, mạng sống lần giảm, không có tạm dừng, nhưng chúng sinh vì tham đắm dục lạc thế gian mà không biết xét nghĩ đến sinh tử khổ!”
            ( Đại Chánh Tạng, quyển 04, kinh 208, trang 533).

 

      Xét ra, dù các nơi thuật lại câu chuyện ngụ ngôn trên có đôi chút khác nhau, nhưng chủ ý vẫn không khác. Đó là cảnh tỉnh chúng sinh đừng tham đắm dục lạc mà quên vô thường, nhắc nhở mọi người nhớ đến sinh tử khổ để sớm cầu giải thoát.

      Trong Ngữ Lục Thiền Tông, Thiền sư Từ Thọ cũng dùng câu chuyện này để khai thị đại chúng. Ngoài ý nghĩa cảnh tỉnh vô thường khổ không ra, Thiền sư còn hạ lời chuyển ngữ, hiển bày chỗ đốn ngộ của nhà thiền, nên có một ý vị riêng. Sách Từ Thọ Hoài Thâm Thiền Sư Quảng Lục ghi:

Chư Phật vì chúng sinh thuyết Pháp trước nói khổ không. Nói khổ vì thấy chúng sinh nhận khổ làm vui; nói không vì phá tâm chấp thật của tất cả chúng sinh. Thuở xưa, vua Ưu Điền hỏi Tôn giả Tân-đầu-lư: “Xin Ngài khai thị cho chỗ cấp thiết nhất của Phật Pháp?” Tôn giả đáp: “Ví như có người đang đi ở chỗ hoang vắng bị một con voi trắng sáu ngà đuổi giết. Người này thấy một miệng giếng khô, bên cạnh có một cây to, mọc ra rễ cây dài thòng xuống giếng. Người này liền bám lấy rễ cây treo mình núp giữa giếng. Lúc đó, có ba con rồng độc bên dưới, xung quanh lại có bốn con rắn độc, bên trên có hai con chuột đen và trắng đang thay nhau cắn chiếc rễ cây đang bám! Trong lúc nguy cấp, có một đàn ong độc bay ngang làm rơi vài giọt mật vào miệng anh ta. Người này thưởng thức vài giọt mật ngọt liền quên đi cái khổ trước mắt!”

 

Tôn giả kể xong câu chuyện, lại hỏi vua rằng: “Người trong cảnh đó là khổ nhiều hay vui nhiều?” Vua trả lời: “Đây đều là tướng khổ, làm gì có vui?” Tôn giả nói: “Những người có trí đều nhờ ví dụ mà được hiểu.” Con voi lớn đó là dụ cho vô thường. Bốn con rắn chỉ cho thân bốn đại. Ba con rồng độc chỉ cho ba đường khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Bầy ong độc dụ cho tướng khổ. Dây rễ cây dụ cho mạng căn. Mật ngọt dụ cho năm dục lạc. Chuột trắng và chuột đen dụ cho ngày và đêm.”
Nhà vua nghe xong, chợt tỉnh ngộ.

 

       Lại nữa, có người hỏi thiền sư Long Nha (835~923): Lúc hai con chuột cắn dây leo thì thế nào?” Long Nha trả lời: “Cần có chỗ ẩn thân mới được.” Tăng hỏi: “Thế nào là chỗ ẩn thân?” Long Nha đáp: “Còn thấy ta chăng?”

Sư bảo: “Nếu hội được ý này của Long Nha liền phá vỡ tổ ong ngũ dục, nuốt sống voi lớn vô thường, xuất sinh nhập tử không còn chướng ngại. Nếu mà không được như vậy, đừng vì chiếc lưỡi ba tấc mà cô phụ tấm thân trăm năm!”

Ngài lại nêu ra bài tụng:

 

Hai chuột cắn dây khổ đêm ngày
Vây quanh bốn rắn sợ hôm mai
Mạng căn dây rễ một phen đứt
Buông tay là Đạo, tự tại thay!

       Nguyên văn:

Nhị thử xâm đằng chân bách khổ
二鼠侵藤真百苦
Tứ xà vi tỉnh quá thiên ưu
四蛇圍井過千憂
Hốt nhiên ngã đoạn đằng căn tử
忽然我斷藤根子
Đạo thị thiên hữu dữ vạn hưu
道是千休與萬休

 

       Mọi người có biết? Có một người nóng lạnh không thể chuyển di, tạo hóa không thể thay đổi, miệng nuốt kiếp hỏa, bụng chứa xe gió! Gã ở ngay nơi động dụng mà tìm gã ở chỗ trong động dụng không được! Thử nói xem: hắn là ai?” Im lặng giây lâu lại nói:

Xưa nay tuy chung ở
Cứu cánh chẳng biết tên!

(Tục Tạng Kinh quyển 73, kinh số 1451, trang 123c).

 

Bút giả bàn:

 

       Thiền sư Từ Thọ cử công án:

       Có người hỏi thiền sư Long Nha (835~923): Lúc hai con chuột gặm dây leo thì thế nào?” Long Nha trả lời: “Cần có chỗ ẩn thân mới được.” Tăng hỏi: “Thế nào là chỗ ẩn thân?” Long Nha đáp: “Còn thấy ta chăng?”

        Sinh tử vô thường, ngày đêm hoại diệt làm sao để giải thoát đây? Đương nhiên phải cần có chỗ ẩn thân, tức là chỗ an thân lập mạng của người tu. Nhưng “bốn đại vốn không, năm ấm vô ngã”, vậy ai là người ẩn? Nếu nhận ra người ẩn đã không mà chỗ ẩn cũng không, thì mọi nơi đều là chỗ ẩn thân trước vô thường! Cho nên Long Nha bảo: “Còn thấy ta chăng?” Thật tướng vô tướng, nếu nhận ra “các pháp từ xưa nay tướng thường tự vắng lặng” thì sinh tử chẳng tương can! Đây là chỗ tránh vô thường của người thấy Đạo.

 

       Cho nên, Thiền sư Từ Thọ bảo: “Nếu hội được ý này của Long Nha liền phá vỡ tổ ong ngũ dục, nuốt sống voi lớn vô thường, xuất sinh nhập tử không còn chướng ngại.

Tuy nhiên,

 

Nếu chẳng một phen xương lạnh thấu
Hoa mai đâu dễ thưởng mùi hương!

(Thiền sư Hoàng Bích)

 

      Tu hành không có “Thích-ca tự nhiên, Di-lặc trời sanh”, mà phải chân thành buông xả, nỗ lực công phu, mới có thể chân thật tự tại giải thoát. Nếu chỉ:

Đầu mồm nói suốt trăm phần diệu
Dưới gót chưa lìa một điểm trần!


thì chỉ gạt mình dối người, không chút lợi ích.

       Cho nên, cuối cùng Thiền sư Từ Thọ nhắc nhở: “Nếu mà không được như vậy, đừng vì chiếc lưỡi ba tấc mà cô phụ tấm thân trăm năm!”

 

Ngài lại nêu ra một bài tụng:
Hai chuột cắn dây khổ đêm ngày
Vây quanh bốn rắn sợ hôm mai
Mạng căn dây rễ một phen đứt
Buông tay là Đạo, tự tại thay!

 

       Theo kinh Phật, sợi dây leo dụ cho mạng căn, tức thọ mạng của chúng sinh. Trong thiền môn mạng căn chỉ cho tình chấp ngã pháp. Một phen tình chấp dứt trừ, buông tay giải thoát, thì mặt mũi xưa nay hiển lộ, trở lại với con người thật nơi chính mình:

Suối biếc chuyển lời kinh vọng khắp
Bụi hồng theo ngọn gió tung hê
Bổng dưng tìm thấy con người thật
Của chính mình xưa trót lạc đề!

(Vũ Hoàng Chương)

       Vậy con người thật đó như thế nào? Thiền sư Từ Thọ bảo: “Có một người nóng lạnh không thể chuyển di, tạo hóa không thể thay đổi, miệng nuốt kiếp hỏa, bụng chứa xe gió! Gã ấy ở ngay nơi động dụng mà tìm gã ở chỗ động dụng không được! Thử nói xem: hắn là ai?” Im lặng giây lâu lại nói:

 

Xưa nay tuy chung ở
Cứu cánh chẳng biết tên!

 

       Vậy xét cho cùng, những những tên gọi như “chân tâm”, “Phật tánh”, “niết-bàn” v.v… cũng chỉ là giả danh. Phải vượt qua hạn chế của ngôn ngữ, tâm hành, mới có thể sánh vai cùng ngàn Thánh cùng dạo chơi trên đất vô sanh.

 

Trân trọng!

Sakya Minh-Quang viết ngày 04 tháng 02, 2020 tại Quê Mẹ.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page