top of page

Trang Nhà  Kinh Sách  <  Kinh Chư Đức Phước Điền

Kinh Chư Đức Phước Điền 

-Sa-môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán
-Tỳ-kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt

TÁN THÁN ĐỨC PHẬT

Pháp Vương vô thượng trong đời
Nhân thiên ba cõi không người sánh ngang

Là Thầy dạy khắp thế gian
Là Cha lành của vô vàn chúng sanh
Quy y trong một niệm lành
Nghiệp vô lượng kiếp hóa thành sạch không
Tán dương Phật đức mênh mông
Dù trăm ngàn kiếp cũng không tận cùng (1 xá). 

                                                                                                        

QUÁN TƯỞNG ĐẢNH LỄ

Chúng sanh, chư Phật vốn đồng
Cả hai rỗng lặng, một dòng tánh không  

Chí thành quán tưởng suốt thông
Đạo giao cảm ứng thực không nghĩ bàn
Mười phương Phật, một đạo tràng
Lại qua ảnh hiện như màn đế châu

Nay con quy mạng cúi đầu
Lễ trước chư Phật nhiệm mầu chứng minh (1 xá)                                                                                              

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

1. Kính lạy Phật Cha lành giác ngộ

Đã bao đời cứu khổ quần sanh

Như trăng giữa tháng tròn vành

Sáng soi mỗi bước tu hành con đi.  (1 lạy

2. Kính lạy Pháp thuyền từ phổ độ

Đưa người qua biển khổ mênh mông

Giúp con sống trọn tấm lòng

Thương yêu tỉnh thức giữa vòng tham sân. (1 lạy)

3. Kính lạy Tăng bậc Thầy cao cả

Thay Phật-đà giáo hóa quần sanh

Dạy con biết lối tu hành

Trao đèn Chánh Pháp, phước lành thế gian. (1 lạy)

 

TÁN LƯ HƯƠNG

Lư hương vừa bén chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Tâm thành tưởng Phật thiết tha
Tùy nơi cảm ứng hiện ra mây lành
Vừa sinh một niệm chí thành
Toàn thân Phật hiện phước lành vô biên.

Nam mô Hương vân cái Bồ-tát  (2 lần)
Nam mô Hương vân cái Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật  (3 lần).

PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ

Kính lạy Tam Giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì Kinh Phước Điền
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nguyện kẻ thấy người nghe
Đều phát Bồ-đề tâm
Hết một báo thân này
Đồng sinh về Tịnh Độ.
Nam-mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần)

 

KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu                            
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy nghe được thọ trì.
Nguyện hiểu chân nghĩa, Phật ý sâu.    

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)

bon-su-12-420x550.jpg

PHẬT NÓI KINH CHƯ ĐỨC PHƯỚC ĐIỀN

   Như thế này tôi nghe: Một thuở đức Thế Tôn đang trú ở tinh xá Kỳ thọ Cấp Cô Độc, thuyết pháp cho một ngàn hai trăm năm mươi vị trưởng lão đại Tỳ-kheo, cùng mười ngàn Bồ-tát và vô số đại chúng đang ngồi quanh lắng nghe.

 

   Bấy giờ trời Đế Thích và ba mươi hai ngàn vị thiên tử cõi dục mỗi người cùng tùy tùng số nhiều không thể tính, đồng đến chỗ Thế Tôn, sau khi đảnh lễ xong đều ngồi qua một bên.

   Lúc ấy trời Đế Thích quán sát thấy đại chúng đã ngồi yên chỗ mình, nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại áo ngay ngắn, làm lễ rồi quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, con có lời muốn hỏi, xin Ngài từ bi dạy để cho các chúng sinh lấy đó làm khuôn phép.”

   Đức Phật bảo Thiên Đế: “Ví như căn phòng tối nếu không tìm đèn sáng, làm sao thấy rõ được? Ta sẽ vì các ông mà phân biệt giảng nói.”

   Thiên Đế bạch Phật rằng: “Phàm người gieo công đức là muốn cầu phước báo. Không biết có phước điền màu mỡ tươi tốt nào mà dù gieo chút phước vẫn được quả vô hạn? Kính mong đức Thế Tôn từ bi giảng dạy cho khiến chúng sinh ngu muội như chúng con nơi đây hưởng phước báo vô lượng!”

   Đức Thế Tôn khen rằng: “Lành thay, này Thiên Đế, Ta rất vui khi nghe hỏi về Pháp vô thượng. Ông hãy lắng nghe kỹ và khéo léo tư duy. Ta sẽ giảng nói rõ khiến mọi người hoan hỷ.”

   Thiên Đế và đại chúng vâng lời dạy lắng nghe.

   Phật bảo với Thiên Đế: “Ở trong hàng Chúng Tăng, ai có năm tịnh đức là ruộng phước màu mỡ. Ai cúng dường người này sẽ được phước vô lượng, cuối cùng được thành Phật. Năm đức đó là gì? Một, phát tâm xuất gia vì hoài bão hoằng đạo. Hai, bỏ hình thức đẹp, vì thích ứng Pháp phục. Ba, dứt hẳn ân ái vì không có yêu ghét. Bốn, hy sinh thân mạng vì thực hành điều thiện. Năm, chí cầu Đại Thừa vì muốn cứu độ người. Do có năm đức này nên là phước điền tốt, gieo trồng trên ruộng này, cây đức không chết non. Ai cúng ruộng phước này được công đức vô lượng, không thể ví dụ được.”

Bấy giờ đức Thế Tôn dùng kệ tụng nói rằng:

Bỏ dáng hình thế tục (2)
Giữ chí tiết thanh cao (4)
Dứt ái ân vướng bận
Tâm bình đẳng muôn loài. (3)

Xuất gia hoằng Thánh Đạo
Hoài bão chẳng lãng xao (1)
Thệ nguyện độ tất cả
Không bỏ chúng sinh nào. (5)

Năm đức siêu nhân thiên

Là vô thượng phước điền
Ai cúng an lạc mãi
Phước đức thực vô biên.

   Đức Phật bảo Thiên Đế: “Lại còn có bảy pháp nên bố thí rộng rãi đây gọi là phước điền. Người làm sẽ được phước sinh cõi trời Phạm Thiên. Bảy pháp đó là gì? Một, xây tạo tượng Phật, phòng tăng và điện đường. Hai, cúng dường vườn trái, ao tắm, cây bóng mát. Ba, bố thí y dược, trị liệu cứu các khổ. Bốn, làm thuyền bè tốt giúp đưa người qua sông. Năm, xây dựng bắc cầu, giúp cho người già yếu. Sáu, đào giếng bên đường, giúp người khát có nước. Bảy, xây nhà vệ sinh giúp người được tiện lợi. Đây là bảy việc làm phước lớn sinh Phạm Thiên.”

Bấy giờ đức Thế Tôn, dùng kệ tụng nói rằng:

Xây tháp, lập tinh xá (1)
Vườn trái, cây bóng mát (2)
Bệnh dùng y dược giúp (3)
Xây cầu (4), tạo thuyền chắc (5)

Đường xa đào giếng nước (6)
Khát, mệt được an thân
Phước sinh thiên không bệnh
Hưởng cam lộ vui yên.

Nhà xí: bố thí sạch (7)
Giúp người được vui yên
Sau không bệnh tiêu hóa
Không gặp ác dơ phiền.

Như dòng nước năm sông
Ngày đêm luôn tuôn chảy
Phước dài lâu cũng vậy
Cuối cùng sinh Phạm Thiên.

   Lúc ấy trong đại chúng có một vị Tỳ-kheo tên Nhị Thập Ức Nhĩ nghe Pháp lòng hoan hỷ liền đứng dậy sửa y, làm lễ rồi quỳ thẳng, chắp tay thưa Phật rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, Phật nói lên sự thật đem lại cho chúng sinh vô lượng điều lợi ích. Vì sao con nói vậy?

   Nhớ lại thuở quá khứ nơi vô số kiếp qua, con sinh ra trong nhà của một vị trưởng giả ở nước Ba-la-nại. Con ở bên đường lớn xây một tinh xá nhỏ, chuẩn bị sẵn giường nằm, thức ăn và nước uống để cúng dường Chúng Tăng đi đường xa mỏi mệt có chỗ để nghỉ ngơi.

   Nhờ vào công đức này sau khi con mất đi được sinh lên cõi trời, làm vua trời Đế Thích. Sau sinh xuống nhân gian làm vua chuyển luân vương. Có ba mươi sáu lần sinh lên xuống như vậy, làm vua cõi trời người, dưới bàn chân mọc lông, bước đi không chạm đất, trải chín mươi mốt kiếp, phước ăn mặc đầy đủ. Đời nay con gặp Phật, từ bi thương chúng sinh, giúp trừ nhơ ngu si, khiến con được an ổn bằng trí tuệ thanh tịnh. Cây sinh tử đã khô con thành bậc Ứng Chân. Phước báo là chân thật, con xin thưa như vậy.”

   Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ lại nói bài kệ tụng:

 

Con xét đời quá khứ
Cúng dường chẳng bao nhiêu
Hưởng phước trong nhiều kiếp
Lại gặp Phật dắt dìu.

Tịnh tuệ dứt ái si
Sinh tử chẳng còn gì
Ân Phật vô cùng tận
Con lần nữa quy y.

Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ nói kệ xong lễ Phật, rồi lui về chỗ ngồi.

   Lại có vị Tỳ-kheo tên là Bạc-câu-la (Vakula), từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y làm lễ xong, quỳ thẳng chắp tay thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, nhớ vào đời quá khứ, con sinh làm con trai của một vị trưởng giả nước Câu-thi-na-la (Kusinārā). Thời đó không có Phật. Chúng Tăng đi giáo hóa, tổ chức hội thuyết Pháp con đi đến nghe kinh. Khi con nghe Pháp xong, trong lòng rất hoan hỷ, đem một trái cây thuốc tên là ha-lê-lặc (Haritaki) dâng cúng dường Chúng Tăng. Nhờ vào phước báo này sau khi con mạng chung dù sinh lên cõi trời hay sinh xuống nhân gian, đều ở chỗ tôn quý, tướng trang nghiêm dũng mãnh, siêu xuất hơn mọi người. Trong chín mươi mốt kiếp, con chưa từng có bệnh. Nhờ có chút phước thừa, con đời nay gặp Phật, nương ánh sáng của Ngài dẫn dắt khỏi si mê, trao cho con thuốc Pháp, sớm chứng quả Ứng Chân, sức mạnh dời được núi, trí tuệ tiêu nghiệp ác. Lành thay phước báo này chân thật không dối hư!

   Tỳ-kheo Bạc-câu-la lại nói kệ tụng rằng:

Từ bi đượm cây khô
Đức hạnh cứu các khổ
Gốc thiện cúng một trái
Hưởng phước đến đời nay.

Phật dạy chân thật nghĩa
Con nghe vượt biển phiền
Thánh chúng phước vô lượng
Lễ vô thượng phước điền.

Nói xong Bạc-câu-la làm lễ về chỗ ngồi.

   Lại có vị Tỳ-kheo tên là Tô-đà-di (Sudāya) từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y rồi làm lễ, quỳ thẳng chắp tay thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, nhớ lại đời quá khứ con sinh làm con trai trong gia đình bình dân ở nước Tỳ-xá-ly (Vaiśāli).

 

   Thời đó không có Phật, Chúng Tăng đi giáo hóa. Con đang mang sữa lạc định vào chợ để bán. Vừa lúc gặp Chúng Tăng đang mở hội thuyết Pháp, con liền đứng lại nghe, cảm thấy lời thuyết Pháp nghĩa lý rất vi diệu. Con nghe xong hoan hỷ liền dâng cúng bình sữa cho Chúng Tăng thọ dụng. Chư Tăng nhận xong rồi, lại từ bi chú nguyện, khiến con càng hoan hỷ. Nhờ chút phước báo này sau khi con mạng chung liền sinh lên cõi trời. Sau đó con tái sinh làm người rất giàu có, trải chín mươi mốt kiếp đều sống trong giàu sang có địa vị tôn quý. Đến đời cuối cùng này, vì còn chút tội lỗi sót lại trong quá khứ, nên khi con tái sinh, mẹ mang thai vài tháng liền lâm bệnh mất đi, chôn ở mộ địa xa. Con sống trong bụng mẹ đến đủ tháng ra đời, uống sữa từ xác mẹ đến lúc con bảy tuổi.

 

   Nhờ chút phước lành xưa, con được gặp Thế Tôn khai thị cho Chánh Pháp, cứu độ qua sinh tử, chứng quả A-la-hán. Tội phước chân thật thay, đúng như lời Phật dạy.

 

   Tô-đà-di lại nói bài kệ tụng như sau:

Xưa con là dân thường
Sống bằng nghề bán sữa
Hoan hỷ cúng chút ít
Được lìa khổ ba đường.

Tội xưa sinh trong mộ
Uống sữa mẹ bảy năm
Nhờ phước được giải thoát
Quy mạng Thánh phước điền.

Tô-đà-di nói xong làm lễ về chỗ ngồi.

   Lại có vị Tỳ-kheo tên gọi là A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y lễ Phật xong, quỳ thẳng chắp tay thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, con nhớ đời quá khứ sinh trong nhà bình dân ở nước La-duyệt-kỳ, thân đầy các ghẻ lỡ trị mãi mà chẳng lành. Có bạn là người tu đến nói với con rằng: “Nên cúng nước Tăng tắm, rồi lấy nước tắm này dùng để rửa ghẻ lỡ, chẳng những hết được bệnh mà còn tăng thêm phước.” Con nghe vậy hoan hỷ vào chùa khởi chí thành cung kính tạo giếng nước, cúng hương thơm dầu gội, các dụng cụ nhà tắm để Chư Tăng có dùng. Sau đó lấy nước tắm mà Chúng Tăng dùng xong đem về rửa vết thương, nhờ đó liền khỏi bệnh.

 

   Nhờ nơi phước duyên này con sinh ra ở đâu tướng mạo đều đoan nghiêm, thân sáng màu vàng kim, không bị dính bụi dơ, trải chín mươi mốt kiếp thường được phước sạch sẽ. Phước báo cúng dường Tăng vừa lớn vừa lâu xa, cho đến đời hiện nay nhờ đó con gặp Phật, giúp dứt trừ tâm dơ, chứng được quả Ứng Chân.”

 

   A-nan lại đến trước đức Thế Tôn nói kệ:

 

Thánh Chúng là lương y
Cứu khổ trừ não hoạn
Cúng Tăng tắm sạch sẽ
Ghẻ lỡ nhờ đó lành.

Đời đời tướng đoan chánh
Mặt đẹp màu tử kim
Đức thấm nhuần vô hạn
Quy mạng diệu phước điền.

A-nan nói kệ xong, lễ Phật về chỗ ngồi.

 

   Kế đó Tỳ-kheo ni có tên là Nại Nữ từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y làm lễ xong, quỳ gối chắp tay thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, con nhớ đời quá khứ sinh làm cô gái nghèo ở nước Ba-la-nại. Thời đó có đức Phật hiệu là Phật Ca-diếp.

   Một hôm Phật Ca-diếp thuyết Pháp cho đại chúng đang ngồi xung quanh Ngài. Con lúc đó tham dự, nghe Pháp xong hoan hỷ, khởi tâm muốn cúng dường. Nhưng nghĩ mình nghèo hèn không có gì để cúng trong lòng rất buồn thương. Sau đó con đi đến vườn cây của nhà kia, định xin một trái dưa để cúng dường đức Phật. Nhưng không ngờ xin được một trái nại to thơm. Do đó con mang theo một bình chứa nước sạch và trái cây nại này đến dâng Phật Ca-diếp và Chúng Tăng của Ngài. Phật biết con chí thành nên nhận lãnh chú nguyện, rồi chia nước và trái cho Chư Tăng dùng chung, ai nấy đều có phần.

   Nhờ vào phước đức này, sau khi con mất đi liền sinh lên cõi trời, được làm vợ vua trời. Sau đó sinh làm người không phải thọ bào thai, trải chín mươi mốt kiếp, sinh trong hoa cây nại, tướng đoan chánh sáng sạch, thường nhớ túc mạng mình. Nay được gặp Thế Tôn, khai thị được đạo nhãn.”

   Tỳ-kheo-ni Nại Nữ lại nói kệ tụng rằng:

Tam Bảo lòng từ khắp
Tuệ độ cả nữ nam
Chút nước, trái cúng thí
Phước lớn, khổ tiêu tan.

Cõi Trời làm Thiên Hậu
Người sinh trong hoa nại
Tự quy y Thánh Chúng
Phước điền nhất là đây.

Tỳ-kheo-ni Nại Nữ nói xong lại lễ Phật, rồi trở về chỗ ngồi.

   Lúc ấy trời Đế Thích từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật xong bạch rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, nhớ lại đời quá khứ, con sinh vào gia đình của một vị trưởng giả ở nước tên Câu-lưu (Kuru). Một hôm con ăn mặc đơn sơ, không mang tiền, chỉ vào thành dạo chơi. Lúc đó gặp Chúng Tăng đang khất thực trên đường. Con thấy rất nhiều người dâng cúng dường Chúng Tăng, liền khởi niệm như sau: ‘Ước gì mình cũng có tài vật để cúng dường cho Chư Tăng nơi đây. Được vậy hạnh phúc thay!’ Vì không có tiền của, con cởi chuỗi ngọc đeo trên mình ra cúng dường. Chư Tăng chú nguyện xong, con hoan hỷ rời đi.

   Do phước duyên cúng này sau khi con mạng chung sinh lên trời Đao Lợi làm vua trời Đế Thích, trải chín mươi mốt kiếp, xa lìa hẳn tám nạn.”

   Thiên Đế lại dùng kệ nói lên lời như sau:

Đức cao không gì bằng
Mở phước, lấp gốc họa
Thánh Chúng sức thiền định
Khiến trẻ tâm hân hoan.

Học theo hạnh đại chúng
Hoan hỷ cúng dường Tăng
Sinh làm Thiên Đế Thích
Phước báo số không ngằn.

Quy y Tăng phước điền
Ruộng tốt nhất thế gian
Đời đời nguyện phụng sự
Cúng dường Chúng Trung Tôn.

   Bấy giờ đức Thế Tôn nói với trời Đế Thích và đại chúng xung quanh: “Hãy lắng nghe Ta nói việc Như Lai đã làm ở trong đời quá khứ. Xưa Ta sinh trong nước tên là Ba-la-nại. Ta xây dựng nhà xí bên cạnh con đường lớn để cho người qua đường được nhẹ nhàng tiện lợi. Ai nấy đều biết ơn. Nhờ vào công đức này Ta sinh ở chỗ nào đều là nơi sạch sẽ, hành đạo vô lượng kiếp không ô nhiễm duyên đời, công đức thực vô lượng, cho đến lúc thành Phật thân vàng ròng sáng rỡ, bụi nước chẳng vướng thân, ăn xong tự tiêu hóa, không lo đại tiểu tiện.”

   Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ tụng rằng:

Nhẫn hôi dơ làm phước
Không nhiễm bẩn thế gian
Làm nhà xí bố thí
Nhờ đó thân khinh an.

Đức này trừ cống cao
Dứt sinh tử trần lao
Tiến đến thành Phật đạo
Tánh không tịch, sạch làu.

   Đức Phật bảo Thiên Đế: “Chín mươi sáu thứ đạo, Phật đạo tôn quý nhất. Chín mươi sáu giáo pháp, Phật Pháp chân thật nhất. Chín mươi sáu loại Tăng, Phật Tăng chân chánh nhất. Vì sao lại như vậy? Như Lai từ quá khứ vô lượng kiếp đến nay phát nguyện lớn chắc thật, xả thân mạng tích đức, thệ nguyện vì chúng sinh mà bố thí tất cả, dù quốc thành gia sản, hay vợ đẹp con ngoan, đầu, mắt, thân, máu thịt… cho không chút luyến tiếc. Tâm như cõi hư không bao trùm hết tất cả, đầy đủ mọi thiện hạnh như sáu Ba-la-mật và bốn tâm bình đẳng…; minh và hạnh đầy đủ nên mới được thành Phật. Thân Phật sắc vàng ròng, tướng hảo không ai bằng. Những việc trong quá khứ, hiện tại, hay vị lai Như Lai đều thông suốt, bậc chư thiên tôn quý, ba cõi chẳng ai bằng.

   Lời Phật nói chân thật, đức của Phật sâu dày, chấn động khắp đất trời. Nếu có chúng sinh nào chỉ phát khởi một niệm thành kính với Như Lai, thì công đức lớn hơn có được nhiều châu báu đầy khắp cõi đại thiên.

   Như Lai đã nói ra ba mươi bảy đạo phẩm, mười hai loại kinh điển, giảng nói rõ tội phước, lời lời đều chí thành, mở giáo pháp ba thừa, các căn cơ khác nhau đều có thể phụng hành. Người nghe Pháp hoan hỷ, vui thích làm sa-môn, tin Phật hành theo Pháp, chí hướng thượng thanh cao. Ở trong Chúng Tăng này có bốn cặp tám hạng, mười hai bậc hiền thánh, là những người đã bỏ tham tranh của thế gian, dạy bảo cho người đời, mở ra ruộng phước tốt, thông đường đến trời người. Tất cả nhờ Chúng Tăng. Đây là đạo vô thượng tôn quý nhất trong đời. Chư Phật và Bồ-tát, Duyên giác, A-la-hán đều từ Chúng Tăng thành, giáo hóa cho tất cả, độ thoát hàng chúng sinh.”

 

   Đức Phật giảng dạy xong, Thiên Đế và đại chúng đều phát tâm Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng giác. Vô số người nhờ đây được pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc ấy ngài A-nan quỳ thẳng chắp tay thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, kinh này tên là gì và làm sao thọ trì?”

Đức Phật bảo A-nan: “Tên kinh này gọi là Kinh Chư Đức Phước Điền, thường thọ trì phụng hành những lời kinh đã dạy, và giảng rõ nghĩa lý, đừng để cho thiếu sót.”

 

   Đức Phật nói kinh xong, Đế Thích và thiên chúng cùng tất cả chúng hội ai nấy đều hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

   Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)

 

Kinh Ma-ha Bát-nhã
Ba-la-mật Tâm Yếu

Bồ-tát Quán Tự Tại
Khi thực hành Bát-nhã
Ba-la-mật thâm sâu
Quán chiếu thấy năm uẩn
Đương thể đều là không
Vượt qua vòng khổ ách.
Xá-lợi-phất lắng nghe
Sắc chẳng khác tánh không
Tánh không chẳng khác sắc
Sắc chính là tánh không
Tánh không chính là sắc
Thọ, tưởng, hành và thức
Bản chất cũng như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất
Các pháp thật tướng không
Không sinh cũng không diệt
Không sạch cũng không nhơ
Không thêm cũng không bớt;
Không có năm thủ uẩn:
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
Không có sáu căn: mắt
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;
Không có sáu trần: sắc
Thanh, hương, vị, xúc, pháp;
Cũng không có sáu thức:
Nhãn thức đến ý thức;
Mười tám giới đều không.
Không có mười hai duyên:
Vô minh đến già chết;
Không có hết vô minh
Cho đến hết già chết
Lưu chuyển và hoàn diệt
Cả hai chiều đều không.
Không có bốn thánh đế:
Khổ, tập, diệt và đạo.
Không có trí có đắc
Vì không có sở đắc.
Bồ-tát y Bát-nhã
Ba-la-mật-đa này
Tâm không còn chướng ngại
Do không có chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Lìa mộng tưởng đảo điên
Đến Niết-bàn cứu cánh.
Chư Phật trong ba đời
Đều y nơi Bát-nhã
Đắc Vô Thượng Bồ-đề.
Thế nên biết Bát-nhã
Là chân ngôn đại thần
Là chân ngôn đại minh
Là chân ngôn vô thượng
Không chân ngôn nào bằng
Có vi diệu công năng
Diệt trừ tất cả khổ
Chân thực không dối hư
Liền nói ra chú rằng:
Ga tê, ga tê, ba ra ga tê, ba ra sam ga tê, bô đi xóa ha (3 lần).

(Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha)    

 

ĐẢNH LỄ TƯỞNG NIỆM TỪ PHỤ BỔN SƯ

  1. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Từ vô lượng kiếp xưa
Luôn hành Bồ-tát đạo
Xả thân mình gieo giống từ bi
Công đức ấy không sao ví được.
Đại chúng hòa:
Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

2. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Cõi Ta-bà thị hiện
Nơi dòng Thích thọ sanh
Thánh Ma-da mộng ứng điềm lành
Nơi vương thất chan hòa phước lạc.

Đại chúng hòa:
Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

3. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Nơi vườn Lâm-tỳ-ni
Thị hiện tướng đản sanh
Hoa sen nâng bảy bước du hành
Chỉ Phật tánh, xưng tôn ba cõi.
Đại chúng hòa:
Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

4. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Dạo nơi bốn cửa thành
Thấy lẽ khổ chúng sanh
Vì thương đời một dạ tu hành
Bỏ tất cả xuất gia tầm đạo.
Đại chúng hòa:
Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

5. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Sáu năm tu núi Tuyết
Trải bao cảnh gió sương
Tìm chân lý soi sáng đêm trường
Trong tâm Ngài lai láng tình thương.

Đại chúng hòa:

Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

6. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:
Tìm ra đường trung đạo
Lìa vui khổ hai đường
Dùng định tuệ hàng phục ma vương
Sao mai mọc thành ngôi Vô Thượng.

Đại chúng hòa:
Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

7. Chủ lễ xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:

Suốt bốn mươi lăm năm
Không nề bao gian khổ
Đem Chánh Pháp từ bi tế độ
Trời người đều ngưỡng mộ tu hành.

Đại chúng hòa:

Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

8. Chủ Lễ Xướng:

Nhất tâm đảnh lễ:

Rừng Sa-la song thọ
Độ chúng đã mãn duyên
Thị hiện nhập vô dư Niết-bàn
Lưu xá-lợi rộng độ nhân thiên.

Đại chúng hòa:

Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

 

KINH HÀNH NIỆM PHẬT

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật (3 vòng)
Nam-mô Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ-tát (3 lần)

 

 

 

SÁM THẢO LƯ

Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh,

Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm,

Sắc tài danh lợi chẳng ham, 

Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai,

Tuyết ban mai lâu dài chi đó, 

Thân người đời nào có bao lâu,

Rộn ràng trong cuộc bể dâu, 

Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.

Ba vạn sáu ngàn ngày công khó,

Chia phần đem cho đó một hòm,

Của tiền để lại nhi tôn,

Bao nhiêu tội lỗi phần hồn lãnh riêng.

Chốn cửu tuyền khác miền dương thế,

Quỉ ngưu đầu chẳng nể chẳng kiêng, 

Tội hành nghiệp khảo liền liền,                                                  

Muôn phần thảm độc ghê phen đoạn trường 

Rất thảm thương là đường sanh tử,

Dám khuyên người ngó thử lại coi, 

Thân như pháo đã châm ngòi, 

Nổ vang một tiếng rồi coi thế nào. 

Tiếc công lao biết bao xiết kể,

Sự đáo đầu cũng thế mà thôi.

Trăm năm sự nghiệp phủi rồi,

Minh minh biển khổ luân hồi cực thân. 

Lửa hồng trần rần rần cháy dậy,

Người si mê thấy vậy phải kêu,

Tỉnh tâm xét lại mấy điều, 

Kíp tu đạo đức sau siêu linh hồn.

Sự dại khôn chẳng cần khôn dại,

Trước lỗi lầm sau phải ăn năn,

Biển sâu nước khỏa cũng bằng,

Mây tan gió tịnh, bóng trăng sáng lòa.

Cõi Ta bà có tòa Cực lạc, 

Giòng sông mê, biển giác chẳng xa,

Y theo giáo pháp Thích-ca,

Tự nhiên bổn tánh Di-đà phóng quang.

Ðã gặp đàng chưa toan dời bước,

Còn tiếc chi chân bước lờ đờ,

Khuyên đừng đem dạ tưởng mơ,

Trăm năm cuộc thế như cờ bị vây.

Rút gươm huệ dứt dây tham ái,

Kíp tìm thầy cầu phái qui y. 

Kiên trì ngũ giới tam quy,

Mở lòng từ nhẫn sân si phải chừa.

 

 

HỒI HƯỚNG

Trì kinh quán niệm phước vô biên
Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền
Nguyện ai còn đắm trong biển khổ
Sớm về nước Phật được an nhiên. 

Nguyện tiêu ba chướng hết phiền não
Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao
Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo
Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao.

Nguyện sinh về cõi Tây phương
Đài sen chín phẩm dựa nương thức thần
Hoa nở thấy Phật pháp thân
Chứng ngôi bất thoái, cõi trần độ sinh.

Nguyện đem công đức tu này
Hướng về tất cả, chung xây phước lành      
Con cùng pháp giới chúng sanh
Đồng nên Phật đạo, đồng thành Như Lai.

                  

 

TỰ QUY Y

Con tự quy y Phật
Nguyện tất cả chúng sanh
Tin hiểu Đạo Vô Thượng
Đồng phát Bồ-đề tâm (1 lễ).

Con tự quy y Pháp
Nguyện tất cả chúng sanh
Thâm nhập nghĩa kinh tạng
Trí tuệ sâu như biển (1 lễ).

Con tự quy y Tăng
Nguyện tất cả chúng sanh
Hòa hợp cùng đại chúng
Sống vô ngại, an lành (1 lễ).

 

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page