top of page

Đạo Tình Nơi Xứ Tuyết

-Đầu xuân ôn lại Đạo tình qua trao đổi thơ Đạo với nhà thơ Tư Cố Hương

    Tất cả mọi vật trên đời đều thay đổi, nhưng chỉ có vô thường là không đổi thay!

Hằng năm xuân vẫn về nhưng không xuân nào giống với xuân nào! Xuân năm nay chùa chiền khắp nơi ở Hoa Kỳ đều vắng vẻ hơn năm ngoái vì tình hình dịch bệnh. Nhiều vị Phật tử cao tuổi dù nhớ chùa rất nhiều cũng phải ở nhà! Phật tử Loan Lâm ở Bloomington, IL gởi thầy:

Tết nầy không dám về chùa

Chỉ vì covid dây dưa lan tràn

Áo dài nhớ dáng xuân sang

Giao thừa chẳng được Thầy ban lộc chùa

Chạnh lòng nhớ Tết năm xưa

Dư hương còn vọng, âm thừa còn vang

Mong cho dịch bệnh tiêu tan

Chúng con sớm được hân hoan về chùa.

    Loan Lâm và Khiển Phạm mà thầy thường gọi một cách gần gũi là chị Loan anh Khiển là hai vợ chồng rất rất dễ thương ở cách thầy gần một giờ lái xe. Chị làm bánh lọt nước dừa lá dứa ngon có tiếng. Anh là người lịch sự, tế nhị và rất nhiệt thành với Tu Viện Thiện Tường. Hơn hết, hai anh chị còn có tâm hồn cao đẹp, sống vui giản dị với vườn hoa, luống cà… và những vần thơ trầm bỗng theo cung bậc cảm xúc của tâm hồn. Thơ của anh chi mộc mạc gần gũi với cuộc sống đời thường, có lúc hoài niệm da diết về quê hương quá khứ, có khi lại ưu thời mẫn thế với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đang xảy ra cho đất nước nơi xa. Có lẽ đó là lý do anh lấy bút hiệu là Tư Cố Hương.

   

    Hằng năm anh chị thường về chùa tham dự các buổi lễ lớn và đón tết giao thừa. Năm nay tuy anh chị không về được nhưng vẫn gởi check về chùa cúng dường và kết nối Đạo tình với thầy qua phương tiện facebook. Nhân dịp đầu xuân, thầy xin ôn lại chút đạo tình với anh qua thi ca mà hai thầy trò trao đổi tết Canh Tý năm qua.

Đầu xuân Canh Tý (2020) nhân ngày giỗ Mẹ, thầy đọc lại Truyện Kiều, một tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du mà Mẹ đã trốn ông ngoại đọc đến thuộc lòng thời còn con gái! Nhân đọc lại Truyện Kiều thầy có viết bài thơ theo thể Đường Luật:

Tết Đọc Lại Truyện Kiều

Trời vốn hay ghen kẻ sắc tài (1)

Đào hoa bạc mệnh chuyện xưa nay

Kiều đẹp bán mình năm đôi tám

Nhan tài yểu mệnh tuổi ba hai

Tuấn kiệt cậy tài lâm tai họa

Trượng phu tham sắc lụy trần ai

Cụ Du đã nhắn: tài thua đức

Thiên hạ nghe hoài, ngộ mấy ai!

(Sakya Minh-Quang, Tết Canh Tý ngày 25/01/2020)

    Thơ Đường Luật có tám câu gồm bốn ý “khai”, “thừa”, “luận”, “kết”. Hai câu đầu là “khai”, tức mở bài. Hai câu ba và bốn là “thừa”, tức thừa tiếp ý khai mở ở trên. Hai câu năm và sáu là “luận”, tức bình luận. Hai câu bảy và tám là “kết” tức kết luận. Hai câu mở đầu bài thơ trên:

Trời vốn hay ghen kẻ sắc tài

Đào hoa bạc mệnh chuyện xưa nay

Đây là bút giả muốn mượn thuyết “tài mệnh tương đố” của Nguyễn Du để nói lên những điều sâu xa hơn. Theo thuyết “tài mệnh tương đố”, người càng tài hoa, xinh đẹp chừng nào thì số mệnh cuộc đời họ càng long đong, lận đận chừng nấy. Ví dụ, Truyện Kiều viết:

Nghĩ đời mà ngán cho đời

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.

Hay nói:

Anh hoa phát tiết ra ngoài

Hồng nhan bạc mệnh một đời tài hoa.

Hoặc bảo:

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Để cuối cùng Nguyễn Du nhắc nhở mọi người:

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần!

Tiếp theo là câu hai câu mang ý thừa tiếp:

Kiều đẹp bán mình năm đôi tám

Nhan tài yểu mệnh tuổi ba hai

Hai câu này dẫn chuyện Thúy Kiều bán mình chuộc cha tuổi trăng tròn và Nhan Hồi, đệ tử xuất sắc nhất của Khổng tử, mất lúc 32 tuổi để chứng minh cho “thuyết tài mệnh tương đố” nói trên. Sau đó là phần bình luận của bút giả qua hai câu luận:

Tuấn kiệt cậy tài lâm tai họa

Trượng phu tham sắc lụy trần ai

Đây là bút giả muốn nhắn gởi những ai tài tuấn, anh hùng phải cẩn trọng tu dưỡng đạo đức, đừng ỷ tài mà mang họa. Tô Đông Pha từng than thở “thông minh lại bị thông minh hại” là vậy! Lại nữa, sắc dục là chướng ngại lớn trong đạo. Nhiều bậc trượng phu mà mãi đắm chìm trong lớp trần ai! Cho nên, cổ đức nói:

Vũ vô thiết tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Có nghĩa:

Mưa không khóa sắt hay giữ khách

Sắc chẳng phong ba dễ chìm người!

Cuối cùng là hai câu kết:

Cụ Du đã nhắn: tài thua đức

Thiên hạ nghe hoài, ngộ mấy ai!

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhắn nhủ người đọc:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn vốn tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!

Tâm tức là tâm đức. Cho nên, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là ý "tài thua đức", con người cần phải tu tâm tích đức. Nên bảo:

Cụ Du đã nhắn: tài thua đức.

    Thế nhưng, tuy chữ Tâm quan trọng gấp ba chữ tài vậy mà ít ai chịu lo tu tâm dưỡng đức. Mặc dù rất nhiều người Việt biết đến Truyện Kiều và Nguyễn Du, nhưng có mấy ai ngộ được chỗ khổ tâm kêu gọi của người xưa? Cho nên nói:

Thiên hạ nghe hoài, ngộ mấy ai!

     Sau khi đọc bài thơ trên và chú thích của thầy, nhà thơ Tư Cố Hương viết: “Con xin cám ơn Thầy đã cho con thêm kiến thức để ôn cố tri tân, con xin phép được đóng góp một phần nhỏ trong niềm vui của ba ngày Tết.” Anh đã gởi đến thầy và đại chúng bài thơ họa ý:

Hồng nhan bạc mệnh bởi do đâu?

Chẳng lẽ trời cao ghét má đào.

Nàng Thuý hy sinh vào đọa lạc

Chiêu Quân nuốt lệ cống chư hầu.

Vang danh Đặng, Nguyễn mồ non cỏ

Nức tiếng công thần khổ lụy sâu.

Mỹ nữ xưa nay như tướng giỏi.

Nào ai hẹn ước sống dài lâu.

Anh đã chú thích những điển tích của bài thơ này.

“Nàng Thuý hy sinh vào đọa lạc” là chỉ chuyện Thuý Kiều bán mình chuộc cha trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều):

Vẻ chi một mảnh hồng nhan,

Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.

Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,

Lại thua ả Lý bán mình hay sao?

“Chiêu Quân nuốt lệ cống chư hầu” là chỉ chuyện Chiêu Quân cống Hồ để giữ tình hữu nghị, tránh việc binh đao giữa hai nước Hán và Hung Nô. Tản Đà có bài Tế Chiêu Quân:

Cô ơi cô đẹp nhất đời

Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua!

Một đi từ biệt cung vua

Có về đâu nữa! Đất Hồ nghìn năm!

“Vang danh Đặng, Nguyễn mồ non cỏ.” Đặng là chỉ họa sĩ kiêm nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong, người còn để lại cho đời với ba nhạc phẩm nổi tiếng là Đêm Thu, Giọt Mưa Thu và Con Thuyền Không Bến. Còn Nguyễn là chỉ Nguyễn Nhược Pháp, thi sĩ nổi danh với bài thơ Đi Chùa Hương, cả hai đều đã mất ở tuổi hai mươi bốn.

“Nức tiếng công thần khổ lụy sâu.” Đây muốn nói những công thần thường hay bị ganh ghét, đố kỵ, điển hình là trọng thần Nguyễn Trãi bị lời dèm pha nên bị thảm họa tru di tam tộc.

Còn hai câu kết:

Mỹ nữ xưa nay như tướng giỏi.

Nào ai hẹn ước sống dài lâu

Tư Cố Hương đã mượn ý hai câu thơ trong bài Tiêu Hồn Hải Đường của Triệu Diễm Tuyết:

Giai nhân tự cỗ như danh tướng.

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

    Bài thơ họa ý của Tư Cố Hương mở rộng tầm nhìn khỏi Truyện Kiều để thấy rõ hơn thuyết “tài mệnh tương đố”qua cuộc đời lận đận, ngắn ngủi của những nhân vật lịch sử khác. Bài thơ cũng truyền tải tiếng lòng thương cảm trước sự mong manh của hương sắc, ngắn ngủi của tài hoa, khiến đọng lại chút xót xa trong lòng của người đọc. Với cái nhìn của nhà tu, đó chính là bài kinh vô thường! Cho nên, thầy đã viết gởi lại Tư Cố Hương bài thơ sau:

Cám ơn thơ họa thực là hay

Người viết có tâm lại có tài

Tết đến lắng lòng ôn chuyện cũ

Xuân về mượn tích nhắc người nay

Tài hoa một kiếp mồ xanh nghỉ

Hương sắc nửa đời mây trắng bay

Xưa nay muôn việc đều thay đổi

Vô thường một pháp không đổi thay!

Bút giả đã tóm tắt ý chính của bài thơ họa qua hai câu:

Tài hoa một kiếp mồ xanh nghỉ

Hương sắc nửa đời mây trắng bay!

Và kết luận:

Xưa nay muôn việc đều thay đổi

Vô thường một pháp không đổi thay!

    Vâng, như bút giả thường nói: “Tất cả mọi vật trên đời đều thay đổi, nhưng chỉ có vô thường là không đổi thay”! Cảnh vật, con người, lịch sử v.v.... đều đang thuyết lên bài pháp vô thường, cái có lời, cái không chữ, nhưng từ xưa đến nay chưa bao giờ ngưng nghỉ cả!

Vô tình thuyết pháp thậm thâm

Bài kinh không chữ vẫn nằm muôn phương!

    Cám ơn vợ chồng nhà thơ Tư Cố Hương đã sưởi ấm lòng thầy qua đạo tình và thi ca. Trong cơn tuyết lạnh năm nay, thầy xin ôn lại chút kỷ niệm Tết năm qua để đáp lại tấm lòng của anh chị dành cho thầy và Tu Viện Thiện Tường bấy lâu. Bài viết này cũng là đạo tình của bút giả dành cho những người con Phật hữu duyên khắp nơi.

 

    Tối hôm qua, thầy Thiện Duyên ở Florida, người rất quý và thích nghe thầy giảng, đã gọi điện chúc tết và thăm hỏi. Thầy ấy nói: “Con thấy bên thầy tuyết lạnh quá sao thầy không về Florida làm chùa? Bên đây giờ nầy rất ấm.” Bút giả trả lời: “Thầy chỉ sợ lòng người lạnh nhạt đối với Tam Bảo mà thôi!”

    Cho nên, dù Tu Viện Thiện Tường ở nơi xa xôi vắng vẻ, mùa đông tuyết lạnh đầy trời bút giả vẫn thấy ấm lòng và an lạc vì vẫn có nhiều người dù ở xa vẫn hiểu và thương thầy, dành cho thầy những đạo tình ấm áp, mà gia đình của nhà thơ Tư Cố Hương là một trong số đó!

Sakya Minh-Quang

     Viết ngày mùng năm tháng 01 năm Tân Sửu (ngày 16/02/2021)

    +Ghi chú hình: Hình anh Khiển chị Loan tại Tu Viện Thiện Tường Xuân Canh Tý (2020)

IMG_0244.JPG
s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page