top of page

Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư

Tiểu Sử Pháp Sư Đạo Chứng

   Pháp sư Ðạo Chứng thế danh Quách Huệ Trân, sinh ngày 27 tháng 2 năm 1956 tại thành phố Ðài Nam, Ðài Loan. Ông nội của Pháp sư là vị Trung Y sĩ nỗi tiếng, còn cha Pháp sư từ nhỏ phải phụ giúp ông nội bào chế thuốc Bắc, tranh thủ thời gian học tập, thi đậu vào Viện Y Học của Ðại Học Ðài Bắc, vừa học vừa làm hoàn thành học nghiệp, chuyên ngành về bệnh lao phổi, là chứng bệnh nan y đương thời. Pháp sư từ nhỏ trông thấy cha lúc nào cũng tận tâm chăm sóc người bệnh, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc, cũng bước vào con đường học Y, là một học sinh ưu tú của Viện Y Học Trung Quốc.

 

        Sự Giáo Dục Cương Nhu Gồm Ðủ Của Cha Mẹ

    Pháp sư từ nhỏ thông tuệ, được trưởng thành trong sự giáo dưỡng nghiêm khắc của cha và tấm lòng từ hòa của mẹ. Từ khi hiểu việc, cha thường dùng phương pháp nghiêm khắc để dạy Pháp sư. Ấn tượng sâu sắc còn để lại trong lòng Pháp sư là, khi vừa lên tiểu học, lần đầu tiên học được hạng nhất, môn nào thi cũng một trăm điểm, nhưng cha lại nói: “Con đừng nên cho rằng đứng hạng nhất có gì ghê gớm. Theo cha thấy, nó chỉ là con số không.” Khi Pháp sư thi đậu vào trường Y, cha lại cho Pháp sư dùng kiến hiển vi rất cũ, thậm chí mấy tháng không gởi tiền tiêu xài, khiến Pháp sư chỉ có thể dựa vào tiền học bỗng, tiền dạy kèm và giữ trẻ để hoàn thành học nghiệp. Ðó là cha muốn Pháp sư sống trong cảnh giàu song vẫn khắc cốt ghi tâm thể nghiệm mùi vị của nghèo khổ. Trong khi đó, mẹ lúc nào cũng bên cạnh Pháp sư để an ủi, khích lệ và giải thích thâm ý của cha mỗi khi người sắp bị sự nghiêm khắc của cha đánh bại. 

   Ðược thừa hưởng nền giáo dục gia đình vừa nghiêm khắc vừa từ hòa đó, Pháp sư đã hình thành nên một cá tính vừa từ bi vừa kiên quyết nghị lực. Pháp sư bẩm tính hiếu thảo, không những chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mà còn vì sự mong đợi “nối nghiệp cha” của mẹ, nên đã thi vào Viện Y Học. Khi trở thành bác sĩ, Pháp sư nói với cha rằng: Con trở thành bác sĩ là vì muốn cha vui. Khi cha của Pháp sư vãng sinh, Pháp sư lấy điệu nhạc của một bài hát mà cha ưa thích nhất đổi thành điệu niệm Phật để trợ niệm cho cha. Ðó mới biết, tấm lòng thành kính hiếu thảo và sự khéo léo trong việc hóa độ cha mẹ của Pháp sư như thế nào.

Sách

Mục Lục

      Học Y Và Học Phật

   Pháp sư có sẵn căn lành, trong thời gian là sinh viên đại học đã phát tâm học Phật, tham dự Hội Phật Học Y Vương. Sau khi tốt nghiệp năm 1982, năm sau Pháp sư thi lấy bằng hành nghề Trung Tây Y. Năm 1983 Pháp sư phục vụ trong khoa nội bệnh viện Tổng Hợp Cao Hùng, trở thành “bác sĩ Quách Huệ Trân” trong lòng mọi người. Tháng 12 năm 1984 Pháp sư đến Ấn Ðộ để viếng các Thánh Tích, có thể nói đây là cuộc hành trình tâm linh hướng về Bồ Ðề của một vị hành giả. Sau khi trở về Ðài Loan, năm 1985 Pháp sư từ chức Bác sĩ khoa nội, đến Bệnh Viện Thuận Thiên ở Ðài Trung đảm nhiệm  chức vụ Bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Pháp sư không những dùng thuốc men để điều trị bệnh khổ cho bệnh nhân mà còn tùy thời đem Phật Pháp hoá giải lo lắng não phiền trong lòng họ, và thu âm ghi lại thành tác phẩm “Mấy Ðiệu Sen Thanh-Những Mẫu Chuyện Nhỏ.” (Liên Âm Tiểu Cố Sự). Tác phẩm này như dòng nước cam lộ, từ từ thấm vào tâm linh người bệnh lúc lâm chung, hướng dẫn họ quy y Tam Bảo, cầu sinh Tây Phương.  Pháp sư cũng thường được mời đến các Hội Ðoàn Phật Học trong các Trường Ðại Học hay Chuyên Khoa để diễn giảng Phật Pháp, những đề tài như “Học Y và Học Phật”, “Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng” sau này được biên tập lại thành sách, thực khiến người nghe cảm động đến tận phế phủ, thức tỉnh người vô cùng sâu sắc.

   Trong bao năm hành nghề y, lúc nào Pháp sư cũng cần mẫn tận tụy, quan tâm từ bi, đã cứu giúp không biết bao nhiêu người bệnh ung thư, đưa họ từ vực thẳm tuyệt vọng của sinh tử bệnh khổ đến biển thệ nguyện bao la của đức Phật A Di Ðà đại từ đại bi. Pháp sư đã không bỏ chúng sinh bệnh khổ, đem nước pháp cam lộ khiến họ đượm nhuần, nhưng cuối cùng tự mình lại mắc bệnh ung thư.

       Sự Cảm Hóa Của Lão Hòa Thượng

   Pháp sư Ðạo Chứng sau khi tốt nghiệp tại Viện Y Học, từng đến tham lễ Hòa Thượng Quảng Khâm chùa Thừa Thiên ở Thổ Thành. Hòa thượng vừa gặp đã bảo Pháp sư buông bỏ tất cả để xuất gia tu hành. Nhưng nhân duyên chưa đủ, Pháp sư đã bỏ qua cơ duyên tốt, không được xuống tóc, đắp y với Ngài. Hai vị đệ tử của Hòa Thượng là Truyền Duyên và Truyền Tịnh Pháp sư sau khi biết Pháp sư mắc bệnh ung thư, liền đến thăm hỏi. Theo lời thuật lại của Pháp sư Ðạo Chứng, khi hai vị này vừa bước vào cửa, Pháp sư  bỗng trông thấy giữa hai người rõ ràng là khuôn mặt từ bi của Lão Hoà Thượng Quảng Khâm.

   Túc duyên đeo đuổi, căn lành trồng sâu rốt cuộc chín muồi. Trước ngày Phật Ðản năm 1987 mấy hôm, Pháp sư quyết ý buông xuống mọi ràng buộc thế gian, vào núi ẩn tu, đi ba bước một lạy đến trước Phật điện, khẩn thỉnh hai vị Pháp sư Truyền Tịnh và Truyền Duyên từ bi, hoàn thành tâm nguyện tu hành của mình. Vào ngày Phật đản, Pháp sư mãn nguyện, cuối cùng xuống tóc xuất gia, Pháp danh Ðạo Chứng.

         

        Có Bệnh Ðạo Càng Gần

   Sau khi xuất gia, bệnh vẫn buộc thân, lúc nặng lúc nhẹ, hai vị Pháp sư và huynh đệ đại chúng thường trú toàn tâm hộ trì, chỉ cần biết bất cứ phương pháp nào có thể trị lành bệnh là đại chúng hết lòng lo liệu, chỉ hy vọng Pháp sư sớm được bình phục, như việc trồng cỏ tiểu mạch vì lúc đó tương truyền có thể trị được bệnh ung thu. Trong sách “Nhân Duyên Vẽ Phật” nhắc đến: “Hạt giống cỏ tiểu mạch, từ ngâm nước, nẩy mầm, đến gieo giống, xới đất, quá trình đó vô cùng cực khổ. Ân sư nửa đêm mười hai giờ khuya thức dậy trì tụng chú Ðại Bi để tưới cỏ tiểu mạch. Từ xa trông thấy bóng dáng đại chúng cần khổ, bận rộn, nước mắt tôi bất giác ràn rụa…”

   Hai vị Pháp sư vì giúp Pháp sư Ðạo Chứng đột pháp sự dày vò của bệnh khổ và chướng ngại trong việc tu hành, lúc nào cũng ân cần nhắc nhở Pháp sư lời dạy bảo và khai thị của lão Hòa Thượng Quảng Khâm, giúp Pháp sư vượt qua trùng trùng khảo nghiệm. Trong sách “Nhân Duyên Vẽ Phật” lại nhắc đến: “Ân sư rất từ bi, luôn trong lúc bệnh khổ khảo nghiệm, nhắc nhở tôi những lời khai thị của Hòa Thượng Quảng Khâm. Hòa thượng từng bảo đại chúng vào lúc giữa đêm khi ai nấy đều mõi mệt không sao chịu đựng nỗi phải thức dậy đi nhặt những chiếc đinh sắt to nhỏ, rồi bảo: Chẳng lẽ lúc lâm chung còn để các vị chọn thời gian sao? Ðợi cho ân sư nhặt đinh xong, Hòa Thượng lại nói: ‘nhặt đinh là việc của con, không nhặt đinh cũng là việc của con.’ Thực ra, chúng ta không có cách nào chọn lựa lúc mình vãng sinh là lúc thoải mái. Cho nên, chỉ có thể nổ lực luyện tập, cho dù là lúc đau đớn, khổ sở như thế nào cũng phải chánh niệm phân minh. Vì sư phụ dạy dỗ tôi như vậy, nên mỗi khi khốn đốn tôi đều nhớ niệm Phật.”

   Pháp sư như tắm gội trong giòng nước pháp cam lộ, có thể mượn cảnh để luyện tâm, lần lượt vượt qua những cơn bệnh khổ dày vò, cho nên lòng tri ân sư trưởng của Pháp sư lúc nào cũng lưu lộ qua lời nói và cử chỉ. Trong sách “Sâu Lông Hóa Bướm” Pháp sư đã nói như sau: “Xin cảm ơn ân đức của sư trưởng trên đường Bồ Ðề. Rất may mắn, trong quá trình tu học, tôi đã gặp được bậc thầy rất tốt, giống như khi thực tập lâm sàng gặp được vị giáo sư giỏi. Những bậc thầy này vận dụng cơ duyên để đưa ra đề thi trắc nghiệm, giúp tôi nuôi dưỡng thực lực. Khi gặp phải thử thách thực sự, họ lại dùng kinh nghiệm tu hành của mình để tùy thời khai thị, giúp tôi vượt qua được cửa ải khó khăn.” Như vậy mới thấy, tâm chí thành cung kính và tôn sư trọng đạo của Pháp sư thực khó có bút mực nào kể xiết.

   Trong lúc bệnh khổ Pháp sư vẫn dũng mãnh tinh tấn, tín nguyện kiên cố, cầu sinh Tây Phương. Pháp sư tụng nằm lòng năm bộ kinh Tịnh Ðộ, dựa vào nghĩa lý cảnh giới của kinh điển họa thành năm bức chân dung của của đức Từ Phụ A Di Ðà để thỏa lòng mong nhớ của đứa con lưu lạc Ta Bà. Pháp sư lại trích máu viết Chương Niệm Phật Viên Thông và Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện; lại thu âm chế tác CD “Phảng Phất Hương Sen” và sách “Nhân Duyên Vẽ Phật”. Pháp sư còn viết rất nhiều pháp ngữ niệm Phật để kết pháp duyên thanh tịnh cùng đại chúng, nhằm đền đáp bốn ơn nặng và dẫn dắt những kẻ mê lầm. Ðây là dựa vào sức thệ nguyện đời trước và lòng từ bi của Pháp sư mà có sự thành tựu như vậy.

    Phóng Ðại Quang Minh Sinh Cực Lạc

   Năm 2002 trước khi viên tịch, Lão Pháp sư Viên Nhân đích thân dặn dò đại chúng, mong rằng sẽ giao trách nhiệm phát triển phong trào phóng sinh của Hội Phóng Sinh Liên Tử cho Pháp sư phụ trách. Mặc dù mang bệnh, Pháp sư vẫn không nghĩ đến mình đứng ra gánh vác, tiếp tục chí nguyện và sự nghiệp của Lão Pháp sư hết sức chu đáo. Vì trí tuệ sâu sắc, nguyện lực rộng lớn, nên Pháp sư đã cảm chiêu đến mấy ngàn hội viên, định kỳ cử hành đại phóng sanh, cứu mạng vô số.

   Gần đây chiến tranh, dịch bệnh hoành hành, đại chúng may nhờ có Pháp sư lãnh đạo, mượn phóng sanh để hóa giải kiếp số. Không ngờ hóa duyên bỗng hết, vào lúc hai giờ bốn mươi phút sáng ngày mười chín tháng sáu âm lịch năm 2003, ngày đức Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo, Pháp sư xả báo vãng sinh, hưởng thọ bốn mươi tám tuổi, Tăng lạp mười bảy. Khi lâm chung, Pháp sư chánh niệm phân minh, bảo thị giả: “Thái độ tâm lý khi niệm Phật rất quan trọng. Phải biết Phật đang niệm ta mà không phải ta đang niệm Phật. Bây giờ tôi đã hoàn toàn hiểu rõ.” Nói xong, lại niệm vài câu Phật hiệu rồi tự tại vãng sinh. Lúc nhập liệm, toàn thân Pháp sư mềm mại, vẻ mặt an tường.

   Khi Pháp sư Truyền Tịnh hay tin Pháp sư viên tịch, liền gọi điện cho Pháp sư Truyền Duyên lúc đó đang ở tận Singapore, được chỉ thị đưa di thể Pháp sư về bản sơn để làm lễ truy niệm và trà tỳ. Khi Pháp sư Truyền Tịnh đến nơi Pháp sư ẩn tu thì đã có các Liên hữu của Hội Phóng Sinh Liên Tử đang niệm Phật trợ niệm. Ðược biết Pháp sư Truyền Tịnh định đưa di thể Pháp sư về bản sơn trà tỳ, đại chúng quỳ xuống không ai chịu đứng dậy, khẩn cầu Pháp sư cho phép họ được lo hậu sự tại chỗ. Pháp sư Truyền Tịnh tiến thoái lưỡng nan, không nỡ làm trái tấm lòng hiếu kính của hàng đệ tử, miễn cưỡng nhận lời, nhưng thực ra đó là quyền nghi, mà không phải quy tắc thường lệ của Phật chế.

         

       Hòa Vào Nụ Cười Di Ðà

   Nhìn chung một đời, Pháp sư có đại từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm, có đại thệ nguyện của Bồ tát Ðịa Tạng, dùng y thuật cao minh, Phật Pháp thâm sâu để cứu độ chúng sinh đau khổ cả hai mặt thân tâm.  Pháp sư lại thị hiện thân bệnh mà tâm không bệnh để thuyết Pháp, khiến nhiều người thể nghiệm sâu sắc trong thế giới Ta Bà, vô thường sinh già bệnh chết là việc không sao tránh khỏi mà phát tâm học Phật, tin sâu, nguyện thiết, cầu sinh Cực Lạc.

   Pháp sư trong “Bài Ca Khi Mặt Trời Lặn” nói: “Hơi thở cuối cùng, xin cho con được ca ngợi đức Phật A Di Ðà…Nụ cười cuối cùng, xin được hòa vào nụ cười Di Ðà,  nụ cười vi diệu vô tận, sự kêu gọi vĩnh hằng. Hơi thở cuối cùng, xin nguyện hòa vào hơi thở Di Ðà, trở thành nguồn ánh sáng tuôn ra từ cõi Cực Lạc, biến thành từng trận gió mát tấu nên trăm ngàn khúc nhạc thanh lương.”

    Giờ này Pháp sư đã tiêu dao về cõi trời Tây, đại chúng đều tha thiết trông đợi, mong Pháp sư theo bản hoài đại bi, không nỡ chúng sinh khổ, không nỡ thánh giáo suy, sớm nương nguyện xưa trở lại Ta Bà.

                A Di Ðà Phật.

bottom of page