Trang Nhà < Kinh Sách < Sách
VÔ THƯỜNG & GIẢI THOÁT ĐẠO
Sakya Minh-Quang
Chương I
Phước Đức Đạo, Giải Thoát Đạo và Bồ-Tát Đạo
Phước đức đạo
Trước hết, phước đức đạo là con đường tu học dựa trên chánh kiến thế gian, tức tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành, xây dựng nền tảng đạo đức và hạnh phúc thế gian. Ví dụ, người Phật tử bước đầu tin Phật, quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới, tu phước bố thí cúng dường…, đó là đang tu theo phước đức đạo. Người tu phước đức đạo phải có tâm hướng thượng hay còn gọi là tâm lành (thiện tâm). Gọi là phước đức đạo vì đường tu này lấy phước báo nhân thiên làm mục đích, bảo đảm đời sau không rơi vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Trong Kinh còn gọi pháp tu này là đoan chánh pháp.
Có nền tảng tu học đoan chánh pháp vững chắc rồi, đức Phật mới khích lệ các đệ tử tu tập con đường giải thoát hay còn gọi là xuất yếu pháp. Nếu chỉ tu phước đức, dù phước báo có lớn như thế nào, cũng nằm trong phạm vi vô thường sinh diệt. Tuổi thọ dài bao nhiêu, giàu sang đến mức nào, quyền lực mạnh đến đâu, rốt cuộc cũng phải trải qua sinh, già, bệnh, chết. Hơn nữa, trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi, chúng ta lại có biết bao buồn thương, ly biệt, nhân ngã, thị phi? Cho nên có câu:
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Nhìn lại cùng trong biển khổ thôi!
Lại nữa, cho dù có người phước lớn được sinh lên cõi trời, tuổi thọ lâu dài, hưởng thụ đầy đủ, nhưng khi phước hết mạng chung, cũng phải theo nghiệp thọ sinh vào cõi xấu ác. Cho nên, trong Chứng Đạo Ca, ngài Huyền Giác bảo:
Trụ tướng bố thí phước sinh thiên
Như hướng lên trời mà xạ tiễn
Hết đà tên rớt: phước còn chi?
Rước lấy đời sau bất như ý![1]
Vậy muốn hết hẳn đau khổ, thực sự được an vui, đức Phật dạy người con Phật phải tiến thêm bước nữa lên con đường tu giải thoát, chí cầu ra khỏi sinh tử luân hồi. Đó chính là giải thoát đạo.
-
Chân Dung Người Phật Tử
-
Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác
-
Phật Học Quần Nghi
Mục Lục
Giải thoát đạo
Nếu phước đức đạo đặt trên nền tảng chánh kiến thế gian, thì giải thoát đạo dựa trên chánh kiến xuất thế gian, tức thấy bốn thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo. Người tu giải thoát đạo cần phải thâm thiết nhận ra đời là khổ mới có thể thực sự phát tâm xuất ly ra khỏi sinh tử trần lao (khổ đế). Kế nữa, phải nhận ra cội gốc của đau khổ là tham ái (tập đế), từ đó y theo giáo pháp tu tập (đạo đế) để chấm dứt phiền não, được niết-bàn an tịnh (diệt đế). Pháp tu này, trong Kinh còn gọi là Pháp xuất yếu.
Đức Phật nói Pháp đoan chánh trước, giúp người có đức tin nhân quả, nền tảng đạo đức, sau mới nói Pháp xuất yếu (còn gọi là Pháp chánh yếu). Như vậy, phước đức đạo hay Pháp đoan chánh là bước đầu học Phật, còn giải thoát đạo hay Pháp xuất yếu mới là cứu cánh. Như trong Kinh Trung A Hàm, một vị thiên nhân, thưa với ngài Xá-lợi-phất về quá trình tu tập của mình:
Như các đức Phật nói Pháp, trước nói Pháp đoan chánh, khiến người nghe vui mừng hoan hỷ. Nói Pháp đoan chánh là nói về các pháp như bố thí, trì giới, sinh thiên; quở trách lòng dục là họa hoạn, sinh tử là cấu uế, khen ngợi vô dục là đạo phẩm vi diệu, thanh tịnh. Đức Thế Tôn vì tôi nói những pháp như vậy rồi, Phật biết tôi có tâm hoan hỷ, tâm sẵn sàng, tâm nhu nhuyến, tâm nhẫn nại, tâm hướng thượng, tâm nhất hướng, tâm không nghi, tâm không ngăn che, có đầy đủ năng lực để nhận lãnh Chánh Pháp, tức Pháp chánh yếu mà chư Phật nói, Thế Tôn liền vì tôi nói khổ, tập, diệt, đạo. Giống như miếng vải trắng dễ nhuộm màu, tôi cũng như vậy, liền trong lúc ngồi thấy bốn thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo.[2]
Cho nên theo thứ lớp tu học, trước phải tin sâu nhân quả, phát tâm hướng thượng, bỏ ác làm lành, xây dựng nền tảng phước đức vững chắc, sau mới phát tâm xuất ly, quán chiếu vô thường, khổ không, vô ngã để dứt trừ ngã chấp, ra khỏi sinh tử luân hồi. Cũng như một miếng vải dơ, trước hết phải giặt sạch (tu Pháp đoan chánh), sau mới có thể nhuộm nên màu đẹp như ý (tu Pháp xuất yếu).
Lại nữa, như kinh nói ở trên, tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo là chánh pháp, là pháp chánh yếu, cho nên dù Phật tử tại gia chưa thể xuất gia, bước lên đường tu giải thoát, nhưng tâm luôn hâm mộ chánh pháp, gieo duyên lành giải thoát ở tương lai. Vì vậy, đức Phật dạy Phật tử tại gia tuy sống trong ngũ dục, nhưng cũng nên ý thức tai họa của lòng dục, để sống đời thiểu dục tri túc.
Người cư sĩ cũng nên dành thời gian để trải nghiệm hương vị giải thoát của đời sống tâm linh. Theo truyền thống Phật giáo, người Phật tử tại gia nên tu tập bát quan trai giới mỗi tháng từ một ngày cho đến sáu ngày. Đây là giới tập sự xuất gia, hay là xuất gia gieo duyên một ngày một đêm đã có từ thời đức Phật. Trong truyền thống Phật giáo Nam Tông đã có xuất gia gieo duyên từ lâu. Gần đây, Phật giáo Bắc Tông cũng đã học theo. Người Phật tử có thể xuất gia gieo duyên từ vài ngày, vài tháng, cho đến vài năm. Thiết nghĩ, đây là pháp tu bổ ích, giúp người Phật tử tại gia trải nghiệm đời sống xuất gia trước khi quyết định mình có thích hợp con đường này hay không. Cho nên, điều thứ bảy trong Kinh Tám Điều Giác Ngộ cũng nói:
Điều thứ bảy nhớ ghi giác biết
Ngũ dục là muôn kiếp họa tai
Thân tuy ở tục qua ngày
Tâm không đắm nhiễm trần ai thói đời
Thường nhớ nghĩ ba y bình bát
Tiêu biểu cho Bồ-tát xuất gia
Chí mong sớm được xa nhà
Sống đời giải thoát an hòa thanh cao
Lập nguyện lớn cầu Vô thượng Đạo
Hạnh kiên trì hoài bão lợi sanh
Dù bao chướng ngại tu hành
Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi.[3]
Bồ-tát đạo
Ngoài phước đức đạo và giải thoát đạo, trong Đại Thừa Phật Pháp còn có Bồ-tát đạo, tức phát Bồ-đề tâm trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh, theo con đường đức Phật đã đi. Người tu Bồ-tát đạo có chánh kiến bất nhị, thấy thế gian và xuất thế gian không hai, đem tinh thần xuất thế để làm việc nhập thế. Cho nên, hành giả Bồ-tát đạo phát bốn thệ nguyện rộng lớn hay tứ hoằng thệ nguyện:
Chúng sinh vô biên: thệ nguyện độ
Phiền não vô tận: thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng: thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng: thệ nguyện thành.
Bốn thệ nguyện rộng lớn này dựa trên nền tảng bốn thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo, nhưng mở rộng ra thấy mình và người không hai. Bởi vì thấy khổ, không chỉ là nỗi khổ của riêng mình mà còn là nỗi khổ chung của tất cả chúng sinh, nên Bồ-tát phát thệ nguyện lớn: chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Vì thấy tập, tức vô minh và phiền não, là nguyên nhân khiến mình và chúng sinh đau khổ trong vòng sinh tử, nên Bồ-tát phát thệ nguyện lớn: phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Vì thấy diệt, tức thành Phật là sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ của chúng sinh, nên Bồ-tát phát nguyện lớn: Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Bồ tát vì thấy đạo, tức con đường chấm dứt đau khổ của mình và tất cả chúng sinh, nên phát nguyện lớn: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.[4]
Nói tóm lại, Bồ-tát đạo dựa trên chánh kiến bất nhị, thấy đời và đạo không hai, đem tinh thần xuất thế để làm việc nhập thế. Đây là kết hợp giữa phước đức đạo và giải thoát đạo; trong phước đức đạo đã có giải thoát đạo và trong giải thoát đạo đã có Bồ-tát đạo. Nếu nói phước đức đạo nặng về tu phước, giải thoát đạo nặng về tu tuệ, thì Bồ-tát đạo là phước tuệ song tu.
Nói cụ thể hơn, một người thực sự phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo khi làm việc bố thí, cúng dường nên có chánh niệm, không để vướng mắc vào phân biệt nhân ngã; không chấp tướng, không cầu phước, làm mà không thấy mình làm, cho mà không thấy có người cho, người nhận….
Cho nên, một người phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo dù có bỏ ra rất nhiều công lao và của cải để giúp đỡ chúng sinh hay hộ trì Tam Bảo, nhưng không bao giờ kể công, lấy đó làm chỗ tự đắc, tự cao và tự mãn. Đây là điều mà bút giả thường nói: “Trong chùa, chỉ có công phu, công quả và công đức, nhưng không có công thần!”
Nếu chúng ta còn cầu phước, còn chấp công thì con đường tu học sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, trước sau gì cũng thoái thất Bồ-đề tâm. Nhiều khi, mình làm phước bao nhiêu lại đốt hết bấy nhiêu!
Bố thí cúng dường phước hằng sa
Hằng sa phước báo tự tâm ra
Tâm ra hỷ xả không bản ngã
Bản ngã chỉ làm phước tiêu ma!
Thực ra, đối với người hiểu đạo, tin sâu nhân quả, làm phước mà không cầu phước thì phước báo càng lớn, vì tâm lượng rộng lớn; hơn nữa, phước đó là phước vô lậu vì không có phiền não. Lục tổ Huệ Năng cũng nhắc nhở:
Có ngã: tội liền sinh
Quên công: phước không sánh!
(Hữu ngã tội tất sinh
Vong công phước vô tỷ).[5]
Vì vậy, chúng ta cố gắng xứng tánh tác Phật sự (làm Phật sự xuất phát từ tâm từ bi tự nhiên, tùy duyên mà không vướng mắc) hay bố thí tam luân không tịch (cho mà không thấy có người cho, người nhận và vật cho). Bố thí được như vậy gọi là bố thí ba-la-mật. Ba-la-mật tiếng Hoa dịch là đáo bỉ ngạn, tức đến bờ kia, hay bờ giải thoát. Còn nếu bố thí với tâm trụ tướng, thấy có ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, thì chỉ là phước đức nhân thiên, không thể giải thoát, không thể “đến bờ kia”.
Tóm lại, phước đức đạo dựa trên chánh kiến thế gian, giải thoát đạo dựa trên chánh kiến xuất thế gian, còn Bồ-tát đạo đặt trên nền tảng chánh kiến bất nhị. Như vậy, chỗ bất đồng của ba đường tu này là ở nơi nhận thức và phát tâm. Cho nên, chúng ta không thể nhìn việc làm bề ngoài của một người mà đánh giá là phước đức đạo, giải thoát đạo hay Bồ tát đạo. Nhận thức, phát tâm, và tâm lượng của một hành giả mới là chỗ y cứ cho việc tu của mỗi người. Nói khác đi, làm việc gì (what) không quan trọng bằng làm như thế nào (how) và động cơ hay chỗ phát tâm ra sao (why).
Dù chưa hoàn toàn dứt được tâm phân biệt, trụ tướng, chấp ngã, nhưng nếu mình có chánh kiến, phát nguyện và chánh niệm không quên Chánh Pháp, chúng ta cũng có thể dần dần chuyển hóa tâm phân biệt, ngã chấp từ thô đến tế, tuy chưa “hết” phiền não nhưng mỗi ngày phiền não mỗi “bớt” đi. Như con ong lấy ánh sáng mặt trời để định hướng bay, không bị lạc đường, người tu cũng phải lấy Bồ-đề tâm, vô chấp, vô trụ làm định hướng tu hành. Nếu lỡ có giây phút nào thất niệm, nghiệp lực lôi kéo lạc hướng, chúng ta vẫn có thể kịp thời tỉnh thức, sám hối lỗi lầm, quay lại đường tu.
Kinh An Lành và ba con đường tu học
Kinh An Lành hay Kiết Tường (Maha Mangala sutta) là một bài kinh nổi tiếng trong văn hệ Pali, thuộc truyền thống Thượng tọa bộ. Cụ thể hơn, bài kinh này nằm trong Kinh Tập (Sutta Nipata; E. The Sutta Collection) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya), một trong năm bộ Nikaya. Điều lý thú là nội dung kinh này chủ yếu nói về phước đức đạo, nhưng kinh lại có hai bài kệ cuối nói về giải thoát đạo và Bồ-tát đạo. Sau đây là nội dung đường tu phước đức đạo mà Kinh An Lành nói:
"Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất."
"Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất."
"Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất."
"Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất."
"Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn nhất."
"Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất."
"Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất."
"Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất."[6]
Trên đây là nội dung phước đức đạo, con đường tu tập của một người Phật tử tại gia. Kế nữa đức Phật giới thiệu giải thoát đạo:
"Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất."[7]
Chân lý ở đây là chỉ tứ thánh đế hay bốn chân lý: khổ, tập, diệt, đạo đã bàn ở phần giải thoát đạo. Tiếp theo, đức Phật giới thiệu Bồ-tát đạo, đem tinh thần xuất thế làm sự nghiệp nhập thế, sống trong đời mà không nhiễm bụi đời:
"Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất."[8]
Bài kệ này làm chúng ta liên tưởng đến bài kệ trả lời mình là ai mà đức Phật đã nói với Bà-la-môn tên Dona. Không lâu sau khi thành đạo, đức Phật gặp vị Bà-la-môn này, người đã hỏi đức Phật có phải là thiên nhân (deva), càn-thát-bà (Gandhabba), dạ xoa (Yakkha) hay loài người bình thường? Đức Phật đều phủ nhận vì Ngài đã đoạn tận mọi nghiệp hoặc của những loài chúng sinh. Kế đó, đức Phật trả lời:
Như hoa sen sạch đẹp
Không nhiễm giữa nước dơ
Cũng vậy, giữa cuộc đời
Ta không có ô nhiễm
Nên này Bà-la-môn
Ta là một vị Phật.[9]
Như vậy, một vị Phật sống giữa đời để lợi ích chúng sinh mà không nhiễm bụi đời. Đó là lý tưởng để một người tu Bồ-tát đạo hướng đến vì Bồ-tát chính là một vị Phật đang thành và sẽ thành.
Tóm lại, chúng ta có thể dùng bài Kinh An Lành để tóm tắt ba con đường tu: phước đức đạo, giải thoát đạo và Bồ-tát đạo.
Nội dung quyển sách này là vô thường và giải thoát đạo. Cho nên, bút giả sẽ không bàn rộng về phước đức đạo và Bồ-tát đạo, mà chỉ tập trung vào ý nghĩa vô thường trong giải thoát đạo, nhằm giúp người đọc kiến lập chánh kiến vô thường, phát tâm xuất ly sinh tử, ứng dụng quán trí vô thường trên con đường tu tập. Mong rằng người đọc có thể ứng dụng tu tập, từng bước giải thoát phiền não tham sân si, vơi bớt nỗi khổ niềm đau ngay trong cuộc sống hằng ngày.
-----------------------
[1]《永嘉證道歌》「住相布施生天福。猶如仰箭射虛空。勢力盡箭還墜。招得來生不如意。」Đại Chánh Tạng 48, kinh số. 2014, tr. 396, a16-tr. 395, c9.
[2] Kinh Trung A-hàm. Nguyên văn:《中阿含經》「如諸佛法。先說端正法。聞者歡悅。謂。說施.說戒.說生天法。毀呰欲為災患。生死為穢。稱歎無欲為妙道品白淨。世尊為我說如是法已。佛知我有歡喜心.具足心.柔軟心.堪耐心.昇上心.一向心.無疑心.無蓋心。有能有力。堪受正法。謂如諸佛所說正要。世尊即為我說苦.習.滅.道。尊者舍梨子。我即於坐中見四聖諦苦.習.滅.道。猶如白素易染為色。我亦如是。即於坐中見四聖諦苦.習.滅.道」Đại Chánh Tạng 01, kinh số. 26, tr. 460, b23-19.
[3] Sakya Minh-Quang dịch, Nghi Thức Huân Tu Hàng Ngày, tr.16-17.
[4] Ngài Trạm Nhiên trong Chỉ Quán Đại Ý nói: “Nói chúng sinh vô biên thệ nguyện độ là y vào cảnh khổ đế; phiền não vô số thệ nguyện đoạn là y vào cảnh tập đế; pháp môn vô tận thệ nguyện biết, là y vào cảnh đạo đế; Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, là y vào cảnh diệt đế.”《止觀大意》「謂眾生無邊誓願度。依苦諦境。煩惱無數誓願斷。依集諦境。法門無盡誓願知。依道諦境。佛道無上誓願成依滅諦境。」Đại Chánh Tạng 46, kinh số. 1914, tr. 459, b23-26.
[5] Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh《六祖大師法寶壇經》「有我罪即生,亡功禮無比」Đại Chánh Tạng 48, kinh số. 2008, tr. 355, b14.
[6] Thích Nhất Hạnh dịch, gọi là Kinh Phước Đức.
[7] Thích Nhất Hạnh dịch.
[8] Thích Nhất Hạnh dịch.
[9] “As a lotus, fair and lovely, By the water is not soiled, By the world am I not soiled; Therefore, brahmin, am I Buddha.” Xem Nārada, The Buddha and His Teachings, tr. 28.