top of page
Trang Nhà  < Kinh Sách < Sách

VÔ THƯỜNG & GIẢI THOÁT ĐẠO

                                                         Sakya Minh-Quang

 

                                Phụ lục 1

                    Phật Nói Kinh Vô Thường

 

          Kệ mở đầu:

          Có sinh là có tử
          Tuổi trẻ trở nên già
          Mạnh khỏe sẽ yếu đau
          Không ai có thể tránh.

          Cho dù núi Diệu Cao
          Kiếp tận hóa hư vô
          Biển cả sâu vô đáy
          Có ngày cũng cạn khô.

          Trái đất và nhật nguyệt
          Đến lúc cũng hoại tan
          Chưa từng có một việc
          Tránh vô thường bình an!

          Trên từ trời phi tưởng
          Dưới đến chuyển luân vương
          Bảy báu tùy thân hưởng

          Ngàn con hộ phụ vương.

          Nhưng khi thọ mạng hết
          Chốc lát bỗng không còn
         Trôi lăn biển sinh tử
         Tùy duyên thọ khổ đau.

         Xuống lên trong ba cõi
         Như trục quay nước giếng
         Như con tằm làm kén
         Nhả tơ tự trói mình.

          Đức Thế Tôn vô thượng
          Duyên Giác và Thanh Văn
          Còn bỏ thân vô thường
          Huống gì là phàm phu?

          Cha mẹ và vợ con
          Anh em cùng quyến thuộc
          Nhìn nhau trước sinh tử

          Ai mà lòng không đau?

          Cho nên, khuyên mọi người
          Lắng nghe pháp chân thực
          Cùng bỏ chỗ vô thường
          Bước vào cửa bất tử!

          Phật Pháp như cam lộ
          Trừ nhiệt được thanh lương
          Nhất tâm khéo lắng nghe
          Dứt hết các phiền não.

Mục Lục

   Chánh Kinh

    Tôi nghe như vầy, một thuở đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp Cô Độc rừng Thệ-đa, thành Thất-la-phạt. Lúc đó, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Có ba pháp trong thế gian không khả ái, không xán lạn, không đáng nhớ, không xứng ý. Những gì là ba? Đó gọi là già, bệnh, chết. Này các thầy Tỳ-kheo, già, bệnh, chết này nơi thế gian thực không khả ái, thực không xán lạn, thực không đáng nhớ, thực không xứng ý. Nếu thế gian không có già, bệnh, chết thì Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác sẽ không ra đời vì chúng sinh nói Pháp mà mình chứng ngộ cũng như việc điều phục [già, bệnh, chết]. Cho nên, nên biết già, bệnh, chết là điều không khả ái, không xán lạn, không đáng nhớ, không xứng ý. Do ba điều này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong đời vì chúng sinh nói Pháp mà mình chứng ngộ và việc điều phục [già, bệnh, chết].

   Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói lại ý trên bằng bài tụng:

         Cảnh dù tươi đẹp rốt cuộc tàn
         Thân này cũng vậy, phải hoại tan
         Chỉ có Thắng pháp không sinh diệt
         Người trí như thật quán thế gian.

         Thân này bệnh chết ai cũng chê
         Hình hài khi ấy thực đáng ghê
         Tuổi trẻ hình dung tạm thời trụ
          Không lâu cát bụi phải trở về!

         Giả sử người sống đến trăm năm

         Vô thường rốt cuộc cũng viếng thăm
         Khổ già, bệnh, chết luôn đeo đuổi
         Não hại chúng sinh thân và tâm.

 

   Bấy giờ đức Thế Tôn nói kinh này xong, các chúng Tỳ-kheo, trời, rồng, dược xoa, kiền-thát-bà, a-tu-la v.v… đều đại hoan hỷ, tin nhận vâng làm.

bottom of page