Trang Nhà < Kinh Sách < Sách
VÔ THƯỜNG & GIẢI THOÁT ĐẠO
Sakya Minh-Quang
Mục Lục
Chương IV
Từ Vô Thường Đến Vô Ngã Và Giải Thoát
Mục đích đức Phật nói vô thường là giúp người được giác ngộ thực tướng cuộc đời và giải thoát đau khổ. Trong Kinh A-hàm, đức Phật hỏi các đệ tử xuất gia: “Này các Tỳ-kheo, sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là thường hay vô thường?” Các đệ tử trả lời: “Sắc (thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường.” Đức Phật hỏi tiếp: “Vậy những gì vô thường là khổ hay vui?” Các đệ tử đáp: “Những gì vô thường là khổ.” Đức Phật tiếp tục: “Đã là khổ thì hữu ngã hay vô ngã?” “Khổ thì vô ngã,” các đệ tử đáp.[1]
Đức Phật dạy tiếp:
“Này các Tỳ-kheo, hàng đa văn Thánh đệ tử quán sát đúng như sự thật không có ngã và ngã sở nơi năm thủ uẩn. Quán sát đúng như sự thực xong, sẽ không có chấp thủ nơi các pháp thế gian. Vì không có chấp thủ nên không có vướng mắc, vì không có vướng mắc nên tự giác Niết-bàn: Ta sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, tự biết không còn phải chịu thân hậu hữu (tái sinh). [2]
Như vậy, mục đích đức Phật dạy vô thường là bước đầu đưa đến thâm quán vô ngã, phá trừ ngã chấp, nguồn gốc của mọi đau khổ.
Chân lý đầu tiên trong bốn thánh đế là khổ đế, tức sự thực của cuộc đời là đau khổ. Đau khổ được đức Phật chỉ ra cụ thể như già, bệnh, chết v.v…. Nhưng vì sao già, bệnh, chết? Đó là vì vô thường. Vì vô thường, nên có trẻ phải có già, có mạnh khỏe phải có yếu đau, có sinh phải có tử, có gặp gỡ phải chia ly…. Cho nên nói: “Những gì vô thường là khổ.”
Nhưng lời đức Phật dạy không dừng lại ở đó. Tại sao vô thường? Tại sao khổ? Đức Phật dạy vì tất cả pháp duyên sinh vô ngã. Các pháp tồn tại tương đối trong mối duyên khởi: cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt, nên không có một ngã thể (ātman) thường trú, tự chủ và độc lập.
“Ngã” được hiểu qua ba đặc tính: thường trú, tự chủ và độc lập. Nếu con người và vạn vật có ngã thể thường trú, thì lẽ ra con người và vạn vật không chịu vô thường biến đổi. Nhưng sự thực là chúng ta và mọi vật đều không ngừng sinh diệt biến đổi. Nếu con người có ngã thể tự chủ, thì lẽ ra con người sẽ không có khổ vì không ai muốn khổ. Nhưng cái khổ vẫn xảy ra tùy theo điều kiện nhân duyên, mà không tùy thuộc vào ý muốn và ý chí của chúng ta. Ví dụ, dù chúng ta có ra lệnh cho thân này đừng già, đừng bệnh, hay đừng chết, thì già, bệnh, chết vẫn xảy ra. Cho nên biết rằng con người không có bản ngã tự chủ hay tự quyết. Vì vậy trong kinh nói: “Khổ thì vô ngã.”
-
Chân Dung Người Phật Tử
-
Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác
-
Phật Học Quần Nghi
Sở dĩ có vô thường và khổ vì các pháp duyên khởi vô ngã. Vậy vô ngã là gì? Vô ngã là chỉ các pháp duyên khởi, không có ngã tính, không có cái ta thường trụ bất biến, tự chủ tự quyết và tồn tại độc lập. Vô ngã không phải phủ nhận sự tồn tại tương đối và tương tục của hiện tượng duyên khởi. Duyên khởi là chỉ: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.” Vì vậy, tất cả các pháp đều tồn tại trong mối quan hệ duyên khởi, có tác động ảnh hưởng qua lại, hoặc trực tiếp hay gián tiếp.
Vô ngã và tính không
Ngôn ngữ của Phật Pháp nói vô ngã, ngôn ngữ của Đại Thừa Phật Pháp nói tính không. Về ý nghĩa căn bản, vô ngã không khác tính không, đều dựa trên đạo lý duyên sinh vô ngã hay duyên khởi tính không. Các pháp vì duyên khởi nên vô ngã và các pháp vì vô ngã nên duyên khởi. Các pháp duyên khởi đều không có tự tính, đây gọi là tính không. Đứng về phương diện tu hành, hay triết lý hành động, thì vô ngã nghiêng về tu tập giải thoát đạo, phá trừ ngã chấp, cội gốc của phiền não: tham, sân, si và khổ đau trong vòng sinh tử; còn tính không nghiêng về tu tập Bồ-tát đạo, nhìn các pháp không có tự tính nên Bồ-tát không sợ sinh tử, không trụ niết-bàn, mới có thể vào sinh ra tử rộng độ chúng sinh.
Đại thừa Phật Pháp nói “tất cả pháp không” (nhất thiết pháp không). Không nghĩa là không có tự tính, không thực có, mà không phải là không có (đoạn diệt không). Cái không này không đợi duyên hợp mới có, duyên tan mới không, mà ngay nơi các pháp duyên khởi đã không, vì các pháp không có tự tính (duyên khởi tính không). Cho nên, Thiền sư Văn Ích một hôm ngắm hoa mẫu đơn cùng vua. Vua yêu cầu Thiền sư làm bài kệ. Thiền sư liền ứng khẩu:
Giữ y, ngắm cánh hồng
Xưa nay đường bất đồng
Tóc từ nay bạc trắng
Hoa vẫn năm ngoái hồng!
Diễm lệ như sương sớm
Hương thơm theo gió đông
Đâu cần đợi hoa rụng
Mới biết sắc là không![3]
Thiền sư sống giữa thinh sắc mà không vướng thinh sắc vì chưa bao giờ rời “chiếc y chánh niệm” của mình. Cho nên bảo: “Giữ y, ngắm cánh hồng!” Vậy chánh niệm là gì? Chánh niệm là không quên các pháp vô thường, khổ, vô ngã và không có tự tính (tự tính không). Vì thấy được tự tính không này, nên thiền sư tùy duyên ngắm hoa mà không vướng mắc vào sắc; vì Phật Pháp qua lại với quyền quý mà không vướng mùi tục lụy. Cổ đức nói: “Dạo khắp cả vườn hoa, không chạm một chiếc lá” là ý này.
Các pháp không có tự tính, nên sinh không có tự tính sinh, diệt không có tự tính diệt. Vì sinh không có tự tính sinh, nên mới có diệt; vì diệt không có tự tính diệt, nên mới có sinh. Cho nên, vạn pháp sinh diệt mà không có tự tính sinh diệt, hay có “cái gì” thực sinh thực diệt. Đó là ý nghĩa bất sinh bất diệt.
Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng” là chỉ chỗ bất sinh bất diệt ngay nơi sinh diệt. Nói khác đi, đức Phật muốn nói ngay nơi các pháp duyên khởi đã vô ngã, không thật có, không có tự tính. Một vị thiền sư đọc câu kinh Pháp Hoa này sinh tâm nghi ngờ. Theo kinh nghiệm thường thức, ngài thấy các pháp rõ ràng có sinh có diệt, sao trong Kinh lại nói “tướng thường tự vắng lặng”? Một hôm, nhân mùa xuân nghe chim oanh hót trên nhành liễu, ngài chợt khai ngộ và làm tiếp hai câu thêm vào hai câu Kinh Pháp Hoa, thành bài kệ bốn câu:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành![4]
Thực ra, vì các pháp tính không nên “thường tự vắng lặng,” và nhờ vắng lặng, không có tự tính nên các pháp mới có thể tùy duyên sinh khởi, xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn…. Nói cách khác, vì các pháp không có tự tính hay tính không, nên các pháp mới có thể duyên khởi và hình thành những trạng thái tồn tại khác nhau. Ví dụ, cái bàn không có thực tính của cái bàn nên cái bàn mới có thể tái chế thành cái ghế, cái bảng hay mục thành củi, đốt thành tro. Hạt giống không có tự tính của hạt giống, nên hạt giống có thể nảy mầm, trưởng thành, ra hoa và kết quả. Đó là thực nghĩa của tính không trong Đại Thừa Phật Pháp. Cho nên, Trung Luận nói:
Do có nghĩa Không này
Tất cả pháp thành tựu
Nếu không có nghĩa Không
Tất cả pháp bất thành.
(Dĩ hữu không nghĩa cố
Nhất thiết pháp đắc thành
Nhược vô không nghĩa giả
Nhất thiết pháp bất thành).[5]
Như vậy, bất sinh bất diệt nằm ngay nơi sinh diệt; sinh diệt không ngại bất sinh bất diệt; Niết-bàn và sinh tử không hai. Đó chính là chánh kiến bất nhị của Phật Pháp Đại Thừa. Cho nên, Bồ-tát không đắm niết-bàn, không sợ sinh tử, vì cả hai đều như huyễn, tợ hoa đốm hư không. Bồ-tát đi vào đời độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh được độ, chứng đắc pháp thân mà không có sở đắc, trải qua ba đại a-tăng kỳ kiếp (vô lượng kiếp) mà thấy như khoảng khảy móng tay….
Chủ đề tính không và Bồ-tát đạo không phải là phạm vi đề cập chính của quyển sách nhỏ này. Vì vậy, bút giả xin được bàn đến vấn đề này ở quyển sách khác. Ở đây, bút giả chỉ bàn về vô thường giúp chúng ta thức tỉnh như thế nào trên con đường tu tập và làm sao thiền quán vô thường để giải thoát đau khổ trong vòng sinh tử.
Chúng ta té xuống đất thì phải từ đất mà đứng dậy. Cũng vậy, muốn giải thoát đau khổ do vô thường gây ra, chúng ta phải từ vô thường mà quán chiếu, hạ thủ công phu. Quán chiếu sâu vô thường để thấu rõ vô ngã. Thấu rõ vô ngã giúp chúng ta xa rời mộng tưởng điên đảo, chứng ngộ niết-bàn. Đây chính là con đường giải thoát.
Nhưng ngã chấp nằm sâu trong tiềm thức chúng ta, không dễ dàng chuyển hóa. Cho nên, trước khi bàn về thiền quán vô thường để phá trừ ngã chấp, chúng ta phải hiểu về bản chất chấp ngã của chúng ta như thế nào.
-------------------------------
[1] Xem Kinh Tạp A-hàm. Đại Chánh Tạng 02, kinh số. 99, tr. 7, b22.
[2] Kinh Tạp A-hàm. Nguyên văn:《雜阿含經》「比丘。多聞聖弟子於此五受陰非我.非我所。如實觀察。如實觀察已。於諸世間都無所取。無」Đại Chánh Tạng 02, kinh số. 99, tr. 7, c7-9.
[3] Đây là bài kệ ngắm hoa mẫu đơn của thiền sư Văn Ích (885-958) đời Ngũ Đại. Văn Ích Thiền Sư Ngữ Lục: “Một hôm, thiền sư và Lý Vương (tức Lý Cảnh李璟 (916-961), vị quân chủ đời thứ hai nước Nam Đường) sau khi luận đạo xong, cùng nhau ngắm hoa mẫu đơn. Lý Vương bảo ngài làm kệ. Thiền sư liền ứng khẩu:
Giữ y ngắm cánh hồng/ Xưa nay đường bất đồng/ Tóc từ nay bạc trắng/ Hoa vẫn năm ngoái hồng/Diễm lệ như sương sớm/Hương thơm theo gió đông/ Đâu cần đợi hoa rụng/ Mới biết sắc là không.” Đại Chánh Tạng 47, kinh số. 1991, tr. 590, c5.
[4] Ngũ Đăng Hội Nguyên: “Xưa có một vị tăng nhân xem Kinh Pháp Hoa đến câu: “các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng,” liền nghi ngờ không sao giải quyết. Ông đi đứng nằm ngồi đều cứu xét điều này, nhưng không tìm ra. Vào một hôm mùa xuân, tình cờ nghe tiếng chim oanh hót, ông chợt khai ngộ, liền làm hai câu tiếp theo thành bài kệ:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành!”
Tục Tạng 80, kinh số.1565, tr. 139, c12-15.
[5] Trung Luận. Nguyên văn:《中論》「]以有空義故,一切法得成,若無空義者,一切則不成」Đại Chánh Tạng 30, kinh số.1564, tr.33, a22-23.