Trang Nhà < Kinh Sách < Sách
VÔ THƯỜNG & GIẢI THOÁT ĐẠO
Sakya Minh-Quang
Chương V
Vô Thường: Sự Thực Không Dễ Chấp Nhận
Ai rồi cũng đổi thay
Cỏ xanh thành cỏ dại
Biết không gì mãi mãi
Nhưng dễ gì buông tay!
(Anh Khoa)
Hiểu biết vô thường khác với giác ngộ vô thường. Hiểu biết vô thường là hiểu và chấp nhận sự thực già, bệnh, chết ở ý thức; còn giác ngộ vô thường là chuyển hóa thói quen nhận thức và chấp trước ở chiều sâu tiềm thức. Nói khác đi, giác ngộ vô thường là một phen sinh mạng đổi mới, không còn mê lầm chấp trước. Hiểu biết vô thường thì dễ nhưng giác ngộ vô thường không dễ chút nào. Vì sao? Vì chúng sinh dù ít dù nhiều, dù thô dù tế đều còn chấp ngã. Gốc rễ ngã chấp nằm sâu ở tiềm thức, không dễ chuyển hóa, huống chi là dứt trừ.
Theo Duy Thức Học, hay tâm lý học Phật giáo, tiềm thức chỉ cho thức thứ bảy Mạt-na thức. Thức này chấp thức thứ tám A-lại-da thức, hay còn gọi là tạng thức, nơi chứa đựng tất cả chủng tử thiện ác, làm bản ngã. Mạt-na thức là thức chấp ngã vì mang đặc tính ngã si, ngã ái, ngã mạn và ngã kiến.
Thức thứ bảy này còn gọi là truyền tống thức, vì đứng giữa làm trung gian cho sáu thức trước: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (tiền lục thức) và A-lại-da thức. Truyền là đem vào và tống là đem ra. Ý nói mạt-na thức hay ngã chấp ảnh hưởng cả hai mặt: một, huân tập chủng tử vào A-lại-da thức khi sáu thức trước tiếp xúc với sáu trần; hai, chủng tử từ A-lại-da thức phát khởi hiện hành qua ba nghiệp thân miệng ý. Là phàm phu, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, chúng ta phân biệt đẹp xấu, thương ghét, ta người v.v… đều nằm trong phạm vi thế lực của mạt-na thức hay ngã chấp, dù mình có ý thức về nó hay không.
Ở chiều ngược lại, khi mắt thấy tai nghe…mình đều có phản ứng trở lại (reaction). Phản ứng của mỗi người đối với cùng một sự việc đều khác nhau ít nhiều. Đó là do chủng tử trong a-lại-da thức của mỗi người khác nhau, nên phát khởi thành hiện hành qua phản ứng thân, miệng, ý cũng khác nhau. Mạt-na thức có ảnh hưởng nhất định trong phản ứng này, nên dù phản ứng như thế nào, hoặc thiện hoặc ác, đều nằm trong vòng phân biệt ngã tính. Vì vậy, nếu còn ngã chấp, dù làm việc thiện cũng chỉ là hữu lậu thiện, tức điều thiện vẫn còn phiền não, mà không phải là vô lậu thiện, cảnh giới giải thoát của chư Phật.
-
Chân Dung Người Phật Tử
-
Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác
-
Phật Học Quần Nghi
Mục Lục
Tóm lại, tất cả chủng tử thiện ác khi huân tập hay lúc phát khởi hiện hành đều nhuốm màu ngã tính, dù chúng ta có ý thức về nó hay không. Cho nên, đối với phàm phu, tất cả phân biệt và phản ứng khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chấp ngã hay mạt-na thức, một khi thức này chưa chuyển thành bình đẳng tánh trí hay vô phân biệt trí.
Ngã chấp và nghiệp lực
Khi ngã chấp còn, thì còn phân biệt chấp trước; còn phân biệt chấp trước là còn tạo nghiệp; còn tạo nghiệp là còn đau khổ. Nghiệp (karma) là một hành động (thân, miệng, ý) có tác ý (cetāna). Khi đã tạo nghiệp, sẽ hình thành thói quen, kinh nghiệm v.v…. Thói quen và kinh nghiệm này lại có sức mạnh ảnh hưởng đến hành vi chúng ta sau đó và đưa đến kết quả khổ vui ở tương lai. Chúng ta có thể gọi sức ảnh hưởng này là nghiệp lực. Đồng tiếp xúc cảnh khổ vui như nhau, nhưng mỗi người có phản ứng (reaction) khác nhau, đó là do nơi bối cảnh giáo dục, kinh nghiệm sống và thói quen khác nhau. Nói khác đi, vì nghiệp lực của mỗi người khác nhau, nên có cách hành xử khác nhau, và đưa đến kết quả khổ vui khác nhau.
Ví dụ, cùng bị nói xấu hay mắng chửi, có người giận dữ, lập tức đốp chát trở lại, có người đỏ mặt tía tai, giận lắm nhưng không nói gì, có người tái mặt nhưng vẫn có thể mỉm cười gượng gạo, còn có người trong lòng chỉ gợn chút phiền não nhưng liền có thể an nhiên mỉm cười một chút sau đó. Điều này không chỉ là do nghiệp lực ảnh hưởng đến phản ứng thân tâm mà còn là do đạo lực làm chủ và chuyển hóa phiền não.
Như khi chúng ta vô cớ bị mắng chửi, trong lòng phiền não nổi lên, định phản ứng tương tự trở lại, nếu lúc đó có chánh niệm, liền nhớ Pháp:
Một người nóng giận mắng ào ào
Chẳng lẽ ta đây cũng vậy sao?
Một đứa cộc cằn thêm đứa nữa
Thành ra hai đứa cũng như nhau!
Được như vậy, tâm tư chúng ta liền nhẹ nhàng, có thể an nhẫn và hoan hỷ trước nghịch cảnh.
Tu là chuyển nghiệp, tức chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, chuyển nhiễm nghiệp thành tịnh nghiệp để cuối cùng ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh. Đây gọi là thanh tịnh đạo, giải thoát đạo, mà cũng là con đường thành Phật. Cho nên, người xưa bảo: “Ba nghiệp thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp bất tịnh gọi là Phật diệt độ.” (Tam nghiệp thanh tịnh, danh Phật xuất thế; tam nghiệp bất tịnh, danh Phật diệt độ).
Nhưng làm thế nào để chuyển nghiệp? Nếu chúng ta chỉ thay đổi ở bề mặt ý thức qua việc học tập, tư duy và suy luận không chưa đủ, chưa thể triệt để chuyển hóa được nghiệp. Như trên đã nói, chúng ta phải chuyển hóa phần sâu của ý thức, tức mạt-na thức hay ngã chấp thì gốc nghiệp mới chấm dứt.
Muốn làm được điều này, chúng ta phải có công phu quán chiếu tương tục, không phải đợi phiền não khởi lên mới đối trị. Thực ra, sáu phiền não căn bản là tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến vẫn thường trực nơi ta, dù có hiện khởi hay không. Tên khác của phiền não là tùy miên. Tùy là đi theo, còn miên là ngủ yên. Ý nói phiền não đi theo chúng ta từ giây phút này đến giây phút khác, từ đời này đến đời khác, âm thầm hoạt động hay nằm ngủ sâu trong tiềm thức. Phiền não này phát khởi khi bị đánh thức lúc đối cảnh tiếp duyên. Tùy theo phiền não nặng nhẹ, thô tế của mỗi người mà cần có cảnh giới tương ứng để kích thích, phát khởi.
Có người tu tập được chút ít, tự cho mình đã không còn tham lam, về chùa khoe với bút giả: “Thưa thầy, con bây giờ không còn tham nữa!” Bút giả trước hết chúc mừng và tán thán người Phật tử này theo tinh thần tùy hỷ công đức, kế đó lại hỏi: “Vì sao mà biết mình đã hết tham?” Vị này đáp rằng: “Vì hôm nay đi làm, thấy có người đánh rơi một tờ giấy bạc một trăm đô nên lấy trả lại.” Bút giả bảo: “Như thế cũng chưa phải “hết” tham, chỉ có thể nói là “bớt” tham!”
Bởi vì, chúng ta có thể không tham một trăm đô, nhưng lại có thể tham một ngàn đô, mười ngàn đô, cho đến cả triệu đô hay tỷ đô! Hơn nữa lúc mình đầy đủ thì khác, lúc mình nghèo túng chưa chắc mình có thể làm ngơ trước cơ hội lấy của không cho. Người xưa bảo: “Bần cùng sinh đạo tặc” ắt cũng có lý do của nó. Câu chuyện dân gian ông quan thanh liêm lúc về hưu đã đổi tiết như thế nào trước sự nghèo túng, cũng nói lên điều đó.[1]
Cho nên người tu phải hết sức cảnh giác, khiêm cung, tự tỉnh và tinh tấn nỗ lực. Một niệm tự đắc, bản ngã khởi lên là mở ra trăm ngàn cửa chướng ngại cho việc tiến tu. Cho dù lúc tọa thiền tâm mình yên lặng rỗng rang, đó cũng chỉ là yên lặng ở bề mặt ý thức, còn mạt-na thức hay tiềm thức chấp ngã vẫn âm thầm hoạt động như những lớp sóng ngầm. Đừng vội cho mình là đã giác ngộ hay giải thoát khi có được chút ít công phu, chút ít thanh tịnh. Chư tổ cũng thường quở chỗ thanh thanh tịnh tịnh đó là hang quỷ đen tối. Đức Phật trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương cũng nói: “Này các Tỳ-kheo, các ông đừng vội tin ý mình. Chừng nào chứng A-la-hán mới có thể tin.”[2]
A-la-hán là những vị thánh giả “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trong trạng thái này nữa.” Tức là những vị đã tu xong các pháp cần tu (vô học), không còn chút ít phiền não và hoàn toàn chấm dứt sinh tử luân hồi. Vậy thử hỏi mình là ai mà không cảnh giác, tinh tấn nỗ lực? Nếu không, chúng ta rất dễ vướng vào lỗi tăng thượng mạn, tự dối mình dối người.
Tổ Hoàng Bích nói:
Trần lao giải thoát: việc phi thường
Nắm chặt đầu dây, vững lập trường
Nếu chẳng một phen xương lạnh thấu
Hoa mai đâu dễ thưởng mùi hương!
Có nhiều người đi chùa, nghe giảng từ đầu đen đến lúc đầu bạc, mà Phật Pháp đối với họ vẫn như cuồn chỉ rối, không tìm thấy đâu là đầu dây mối nhợ. Như vậy, ngay cả đầu dây, hay chánh kiến tu hành, còn chưa tìm ra hay nắm được, nói chi là nắm chặt! Có người lấy sự nghe rộng biết nhiều làm sở đắc, mà không thể phát tâm hướng thượng, tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành, đừng nói gì là phát tâm xuất ly hay phát tâm Bồ-đề! Có người tuy nhiệt tâm tu hành, nhưng lại không nắm vững Phật Pháp, nên trở nên thiên chấp, quá khích, thậm chí sa vào tà kiến, ngã mạn hay tăng thượng mạn!
Có những vị Phật tử khi gặp người khác thường khoe mình nghe giảng rất nhiều, quen biết những vị thầy nổi tiếng (popular). Nhưng thực ra, biết hay không biết một ai đó, dù tiếng tăm hay lỗi lạc đến đâu, là điều không quan trọng. Biết Pháp tu hành mới là điều quan trọng; còn biết được mình là điều quan trọng hơn cả! Cho dù chúng ta biết đức Phật thì đã sao? Chỉ biết đức Phật qua âm thanh và sắc tướng mà không hiểu Pháp và hành Pháp, thì có ích lợi gì cho việc giác ngộ và giải thoát của bản thân? Cho nên, trong Kinh Kim Cương đức Phật nhắc nhở:
Ai dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh tìm Ta
Người ấy đi đường tà
Chẳng thấy được Như Lai.[3]
Biết Phật qua âm thanh sắc tướng như vậy còn lạc vào lối tà, huống chi khoe khoang mình quen biết một ai đó dù nổi tiếng bao nhiêu?
Đã có chánh kiến tu hành không chưa đủ, chúng ta cần phải “nắm chặt đầu dây, giữ vững lập trường,” không ngừng tinh tấn nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại thuận nghịch trên đường tu. Phải trãi qua “một phen xương lạnh thấu” của mùa đông tu hành khắc nghiệt, mới có thể thưởng thức được hương thơm giải thoát và giác ngộ khi hoa nở lúc sang xuân! Nói khác đi, “một phen xương lạnh thấu” đó chính là công phu thiền quán.
------------------------------------
[1] Chuyện dân gian kể rằng: Xưa có một vị quan thanh liêm, không tơ hào chút gì của dân. Vì vậy, ông không giàu có như những tham quan khác. Vì vậy, khi về hưu với đồng lương hưu ít ỏi, cuộc sống ông càng lúc càng trở nên nghèo túng vì không còn bổng lộc như xưa. Nhưng ông lấy làm lạ vì bữa cơm nào của mình cũng có rượu thịt như trước đây. Ông thắc mắc không biết vợ mình làm sao có tiền để mua những món mà mình yêu thích. Nhiều lần hỏi vợ, nhưng người vợ cố ý lãng tránh, không trả lời. Cuối cùng, ông ta ép vợ phải khai ra tiền đâu. Người vợ lo sợ, rụt rè thưa rằng, nếu nói ra sự thực mong ông tha thứ đừng nổi giận. Được ông hứa bỏ qua, bà mới kể đầu đuôi câu chuyện. Thì ra, lúc còn làm quan, ông đã giúp cho một gia đình nhà giàu thoát khỏi một án oan, mà không đòi hỏi gì cả. Để tỏ lòng tri ân, gia đình đã tìm mọi cách đền ơn ông hoặc bằng tiền bạc hay quà biếu, nhưng ông đều từ chối. Nhân ngày sinh nhật của ông, gia đình này mới hỏi vợ ông rằng ông tuổi con gì. Người vợ mới bảo là tuổi tý. Vì vậy, gia đình mới đúc một con chuột bằng vàng ròng to bằng con chuột thật để tặng ông thông qua bà vợ. Người vợ biết tính chồng mình thanh liêm, không nhận quà cáp, nhưng vì người ta nài nỉ quá đành phải nhận lén, không cho ông biết. Sau khi ông về hưu, vì thiếu tiền đi chợ, thỉnh thoảng bà lại khẻ một chút vàng từ con chuột này ra để đổi lấy tiền chợ, mua thức ăn ngon cho ông. Nghe vợ giải bày đến đoạn “tuổi tý”, vị quan “thanh liêm” chợt nổi giận quát: “Tại sao lúc đó bà không bảo họ rằng tôi tuổi sửu!”
[2] Kinh Tứ Thập Nhị Chương: Phật bảo các Sa-môn: Hãy cẩn thận, đừng tin ý của các ông. Ý rốt cuộc không thể tin được. Cẩn thận khi tiếp xúc với sắc [đẹp], tiếp xúc với sắc đẹp sẽ sinh họa. Chừng nào chứng được đạo A-la-hán mới có thể tin ý ông.《四十二章經》「佛告沙門。慎無信汝[21]意。意終不可信。慎無與色會。與色會即禍生。得阿羅漢道。乃可信汝意耳」Đại Chánh Tạng 17, kinh số. 784, tr. 723, b16.
[3] Nguyên văn:《金剛般若波羅蜜經》「若以色見我,以音聲求我,是人行邪,不能見如來。Đại Chánh Tạng 08, kinh số. 235, tr. 752, a17-18.