Theo Dấu Chim Hồng:
Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Hòa Thượng Thích Thiện Tường (1917-1984)
Lời Đầu Sách
Nhân sinh rốt cuộc là chi?
Chim hồng lưu tạm dấu đi trên bùn!
Chim bay về chốn vô tung
Người đi vào cõi mịt mùng, ai hay?
Lão tăng đã mất, tháp xây
Thơ trên tường đổ, còn đây… nửa hàng!
Nhớ chăng? Xưa lúc gian nan
Đường xa, ngựa mỏi, người càng lao đao!
(Thơ Tô Đông Pha, Sakya Minh-Quang dịch)
Kính bạch giác linh Thầy,
Con xin mượn bài thơ tuyệt tác của thi hào Tô Đông Pha để bày tỏ cảm xúc của mình khi chấp bút viết lại cuộc đời và Đạo nghiệp của Thầy sau ba mươi sáu năm từ ngày Thầy về cõi Phật (1984-2020). Hành trạng của Thầy như vết chân chim hồng lưu lại trên lớp bùn tuyết đang tan. Trong cái nắng gay gắt của vô thường, con sợ rằng, nếu con không ghi lại đôi nét về cuộc đời Thầy, rồi một ngày nào đó, ngay cả dấu chim hồng cũng sẽ mất đi!
Vâng đã ba mươi sáu năm trôi qua từ ngày Thầy về nơi cõi Phật, con vẫn chưa thể chấp bút viết được về cuộc đời của Thầy. Điều này khiến lòng con luôn ray rứt bất an. Đây là món nợ ân nghĩa lớn nhất trong đời mà con chưa đền đáp được trong muôn một. Hôm nay con chấp bút trễ tràng, ngưỡng mong giác linh Thầy từ bi tha thứ.
Viết lại cuộc đời của một người bình thường đã là điều rất khó, vì người vật đổi dời, ký ức thất lạc…, huống chi là viết về hành trạng của một bậc tông tượng trong Phật Pháp với sự cống hiến to lớn cho Đạo Pháp và chúng sinh? Con biết rằng Thầy như cội cây cổ thụ ẩn dáng giữa rừng thiền, âm thầm che chở cho những chồi non Phật Pháp trưởng thành mà không cần ai biết đến. Thầy như suối nguồn từ bi tuôn chảy, lan tỏa khắp lạch sông, mà những ai chịu ơn tắm rửa, uống nước chưa chắc hiểu được để tri ân! Nhưng với bổn phận đệ tử, người đã chịu ơn giáo dưỡng trực tiếp từ Thầy, con thấy mình có bổn phận và
trách nhiệm để ghi lại cuộc đời và Đạo nghiệp của Thầy dù không đầy đủ.
Thầy tôi áo rách vá vai
Mà y nhẫn nại đẹp hoài ngàn năm
Thầy tôi một túp lều không
Lấy tình thương lớn mênh mông làm nhà
Dù bao chướng ngại hằng sa
Thầy luôn vô ngã trên tòa tánh không
+++
Đời người con quá nửa vòng
Vẫn đi trong cõi mênh mông tình Thầy!
(Thầy Tôi-Sakya Minh-Quang)
Thầy tôi sinh ra giữa vùng đất bùn lầy nước mặn của Gò Công, lớn lên trong nghèo khó, tỉnh thức nhân sinh vô thường, khổ không mà xuất gia tu học. Thầy đã tận tụy theo hầu Sư Ông Lê Phước Chí trụ trì chùa Linh Sơn Cầu Muối Sài Gòn, tự học thêm Phật Pháp qua Tạp Chí Từ Bi Âm. Sau khi Sư Ông mất, Thầy cất bước du phương tham học với các bậc Cao Đức nơi lục tỉnh Nam Kỳ. Sau đó, Thầy lại phát thệ kết thành Pháp lữ với Hòa thượng Pháp Sư Thích Hành Trụ (1903-1984) từ Phú Yên vào Sài Gòn, Hòa Thượng sư huynh Thích Thới An (1912-1986) để đời đời cùng nhau hành đạo. Sau này ba huynh đệ cùng với với Hòa thượng Khánh Phước là bốn vị cùng nhau xây dựng đạo tràng, thành lập Phật Học Đường Tăng Già (chùa Kim Liên hiện nay) cho Ni, và Phật Học Đường Giác Nguyên cho Tăng.
Thầy đã tu học và hành đạo ở miền Tây và đất Sài Gòn trong thời đại chiến tranh loạn lạc, Phật Pháp suy vi, mới khởi đầu sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Thế nhưng, trước những nghịch cảnh trên, Thầy đã vượt lên tất cả để xây dựng cho mình một đạo phong ngời sáng, một đạo hạnh sạch trong, và một đạo nghiệp hoằng vĩ! Thầy đã dành phần lớn đời mình cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo, thành lập Phật học viện, tiếp tăng độ chúng, đào tạo thế hệ tương lai cho Phật Pháp, trong đó có chúng con.
Cuộc đời Thầy là bài pháp hùng tráng, làm lay động bao trái tim của những ai có duyên gần gũi. Cho đến hiện nay, con rất ấm lòng khi nghe những bậc tôn đức có dịp gần gũi, học hỏi và làm việc chung với Thầy, đều nhắc về Thầy với lòng kính trọng chân thành đối với một bậc chân tu, đạo hạnh!
Đêm đêm đối bóng dịch kinh
Dáng xưa Thầy lại lung linh hiện về!
(Sakya Minh-Quang)
Kính bạch giác linh Thầy,
Người xưa bảo: “Phụ tại quán kỳ chí, phụ một quán kỳ hạnh”, tức “Cha còn, thì xét nghĩ đến chí hướng của cha để noi theo; cha mất, thì xét nghĩ đến đức hạnh của cha để học theo.” Con vẫn không quên hình ảnh Thầy áo rách vá vai, vác cuốc ra vườn chăm chỉ lao tác mỗi ngày theo tinh thần Bách Trượng "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực." Con cũng không bao giờ quên được mỗi đêm Thầy vẫn cặm cụi ngồi lấy nghĩa kinh cho đến khuya bên ngọn đèn vàng vọt. Phước duyên lớn nhất trong đời con là được xuất gia và làm thị giả hầu Thầy. Thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Thầy đã ảnh hưởng sâu sắc đến sơ tâm xuất gia và định hướng con đường dịch kinh, viết sách và giảng dạy Phật Pháp của con ngày nay.
Nhớ chăng? Xưa lúc gian nan
Đường xa, ngựa mỏi, người càng lao đao!
Kể lại thời sơ tâm xuất gia của con với Thầy là kể lại một thời khó khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn chịu áp lực lưu trú của chính quyền địa phương! Thầy trò phải cùng nhau lao động, trồng bầu bí, rau củ sống qua ngày. Học hành chủ yếu là gia giáo, tự học, thời gian học bài là lúc nghỉ ngơi trong khi lao tác! Thế nhưng, chính giai đoạn khó khổ này lại thấm đẫm đạo tình Thầy trò, huynh đệ, và tạo nên nền tảng vững chắc cho việc tu học và hoằng Pháp của con. Cho nên, sau này dù đôi lúc con chểnh mảng, lạc bước trên đường tu, chợt nhớ đến thầy, con lại biết quay về với lý tưởng ban đầu. Đôi khi con chán nản, hay quên mình trong vật chất, và danh lợi hơn thua, nghĩ về Thầy, con lại sám hối, trở về chí hướng lúc sơ tâm!
Cho nên, hôm nay cho dù:
Lão Tăng đã mất, tháp xây
Thơ trên tường đổ, còn đây nửa hàng!
Con vẫn cố gắng chấp bút viết về cuộc đời Thầy từ những gì còn sót lại với lòng tri ân vô hạn! Thầy như chim hồng chim hộc, mấy mươi năm hành Đạo đã lưu lại dấu chân giữa bùn lầy nhân thế. Rồi theo luật vô thường, chim hồng bỏ lại bùn lầy thế tục, bay đi giữa bầu trời giải thoát mênh mông, mà kẻ phàm phu như chúng con không sao thấy được hình bóng. Chúng con chỉ biết cầu nguyện rằng, chim hồng bay đi, sớm có ngày bay lại. Thầy sẽ thừa nguyện tái lai, về với chúng con để tiếp tục chèo chống con thuyền Chánh Pháp. Đạo phong của Tổ Đình Giác Nguyên vẫn đợi Thầy trở lại để trùng hưng.
Kính đảnh lễ Thầy,
Thầy đi như cánh hạc bay
Thong dong giữa cuộc tỉnh say kiếp người
Chân dung xưa nét còn tươi
Giác Nguyên vẫn đợi chờ người tái lai!
(Thầy Đi-Sakya Minh-Quang)
Nam-mô Giác Nguyên Đường Thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhất Thế, Húy thượng Thanh hạ Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường, Ân Sư Hòa Thượng Giác Linh
Đệ Tử Sakya Minh-Quang kính ghi tại Tu Viện Thiện Tường ngày 06 tháng 10, 2020
Nhân ngày giỗ tổ (Ngày 23 tháng 08 Âm Lịch), húy kỵ lần thứ 36 của Hòa Thượng Ân Sư thượng Thiện hạ Tường
Ghi chú hình ảnh: Ảnh chụp lễ truyền y bát và giao trách nhiệm ban trụ trì Tổ Đình Giác Nguyên vào tháng 06 âm lịch năm Giáp Tý (1984) tại Chánh Điện Giác Nguyên. Hòa Thượng giao trách nhiệm Ban Trụ Trì gồm bốn vị: Thầy Minh Nghĩa trụ trì 1, Thầy Minh Quang trụ trì 2, Thầy Minh Phương trụ trì 3, và Thầy Đồng Lý trụ trì 4. Buổi lễ với sự có mặt của quý thầy Đồng Thường, Minh Ngọc, Nhuận Thành v.v.... Việc này được bút giả ghi lại chi tiết trong sách Theo Dấu Chim Hồng: Cuộc Đời và Đạo Nghiệp của Hòa Thượng Thích Thiện Tường