Truy Tố Cảnh Sách
(Cảnh sách chung cho hàng Xuất gia và Cư sĩ)
-Tác giả: Thiền sư Hoằng Tán
-Dịch và giới thiệu: Sakya Minh-Quang
Thế giới nào khác không hoa
Thân người giả huyễn như là chiêm bao
Vô thường không một pháp nào
Chúng sinh có thể nương vào dài lâu!
Nếu không tu học đạo mầu
Chạy theo cảnh huyễn vào sâu luân hồi
Trải vô lượng kiếp nổi trôi
Biển sinh tử khổ không hồi thoát ra.
Như Lai thị hiện Ta-bà
Từ bi thuyết Pháp giúp ra biển trần.
Tắt lửa phiền não, tu nhân
Cạn dòng ái dục, chứng thân niết-bàn.
Đường tu dù có muôn ngàn
Không ngoài niệm Phật, tham thiền, quán tâm
Tham thiền không cửa, dễ lầm
Tuệ căn không đủ sẽ lâm đường tà.
Trong thời mạt pháp Ta-bà
Tham thiền đốn ngộ khó mà thành công.
Còn thiền quán xét lại lòng
Tiệm tu dần dứt khỏi vòng vô minh.
Không trí bát-nhã đủ tinh
Khó mà chứng đắc vô sinh pháp này.
Chỉ môn niệm Phật thuốc hay
Là đường thẳng tắt ra ngoài trần lao.
Xưa nay ngu trí thấp cao
Ba căn gồm đủ đều vào Pháp môn.
Muôn người tín nguyện tu hành
Chân thật niệm Phật vãng sanh muôn người!
Như “Tứ Liệu Giản” chứng lời
Tin sâu, nguyện thiết một đời vãng sanh.
Chỉ cần sáu chữ Hồng danh
Tâm tâm nhớ niệm rõ rành thấy nghe.
Tâm vừa có chút ngăn che
Hồng danh sáu chữ thấy nghe mơ hồ.
Hoặc vì hôn ám tâm thô
Hoặc vì tán loạn xen vô niệm này.
Phải nên đề tỉnh mình ngay
Trở về chánh niệm, không ngoài nhiếp tâm
Tịnh niệm tương tục công thâm
Lâu ngày thành khối, nhất tâm hiện tiền.
Dù tịnh niệm vẫn chưa chuyên
Nhưng lòng tín nguyện hiện tiền Tây Phương
Di-đà tâm niệm hằng thường
Hiện đời an lạc không vương não phiền.
Tịnh Độ chứng nghiệm hiện tiền
Chưa về An Dưỡng, lòng liền Tây Phương!
Niệm Phật lợi ích không lường
Sao không nỗ lực một đường tiến tu?
Huyễn thân chỉ mấy mươi thu
Biết tu không uổng công phu làm người
Được thân pháp tánh khắp nơi
Thường, lạc, ngã, tịnh muôn đời an vui!
Tụng rằng:
Ba cõi như nhà lửa
Tám đức vốn thanh lương
Muốn lìa cõi Kham Nhẫn
Lòng gởi An Dưỡng hương.
Sáu chữ: bánh xe chuyển
Tịnh niệm tự chiêu chương.
Di-đà không riêng có
Người trí nên tự cường.
Tám muôn bốn ngàn tướng
Không lìa một tâm vương
Đâu cần khảy tay nữa
Hiện tiền đã Tây Phương!
-Lời giới thiệu:
Năm 1987, bút giả an cư kiết hạ ba tháng tại Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, lần đầu tiên biết đến các bài cảnh sách của Sơn môn miền Bắc. Những bản văn cảnh sách này súc tích, mạnh mẽ, nghĩa lý thâm sâu, giúp người sinh khởi tín tâm, tinh tấn niệm Phật. Bút giả mỗi ngày nghe cảnh sách rồi niệm Phật theo sinh hoạt Thiền môn, sau ba tháng an cư đã thuộc nằm lòng các bài cảnh sách nói trên, cho đến hiện nay (1987-2022) vẫn không quên!
Trước đây bút giả từng tìm hiểu chỗ xuất xứ những bài cảnh sách này, đã hỏi nhiều quý Thầy ở miền Bắc nhưng chưa có được lời giải đáp. Nhất là bài “Thảo Đường Hòa Thượng Truy Tố Cảnh Sách” khiến mình hiểu lầm đây là tác phẩm của Thiền sư Thảo Đường (997-?), người khai sáng dòng Thiền Thảo Đường vào đời nhà Lý ở Việt Nam. Sau này tìm được chỗ xuất xứ, mới biết những bài cảnh sách mà Sơn môn miền Bắc Việt Nam thường tụng là soạn phẩm của Ngài Hoằng Tán (1611-1685), tự Tại Tham, một vị Tăng Tông Tào Động Trung Quốc. Trước đây bút giả đã nghi ngờ tính chính xác của hai chữ “Thảo Đường Hòa Thượng” trong bài cảnh sách này. Nay mới có chứng cứ xác định sự nghi ngờ của mình là đúng.
Ngài Hoằng Tán 弘贊 (1611-1685), Pháp tự Tại Tham 在犙 là vị Tăng thuộc dòng Tào Động cuối đời Minh đầu đời Thanh Trung Quốc. Ngài thuở nhỏ theo Dư Tập Sinh học Nho điển, kiến thức quảng bác, văn chương điển nhã, tuổi hai mươi được đậu vào trường Huyện. Sau khi người Mãn Châu làm chủ Trung Nguyên, lập nhà Thanh, Ngài bỏ tất cả đi xuất gia, tham học thiền pháp với Thiền sư Đạo Khưu ở núi Đỉnh Hồ và được Thiền sư ấn khả. Ban đầu Ngài ở Bảo Tượng Lâm, Quảng Châu, về sau kế thừa vị trí trụ trì của Ngài Triệu Khánh ở Đỉnh Hồ.
Ngài Hoằng Tán một đời coi trọng thật tiễn hành trì, tuy tinh thông thiền Pháp, đã khai ngộ được ấn khả, nhưng vì thấy tình trạng phù phiếm, khoe khoang không thật trong Thiền môn, nên không dạy thiền, mà chỉ hoằng truyền luật nghi, dạy người hành trì giới hạnh, lấy đó làm nghiệp chánh. Ngài thị tịch vào năm Khang Hy thứ hai mươi bốn (1685), trụ thế bảy mươi lăm tuổi. Ngài có nhiều tác phẩm, hơn mấy mươi loại, như Đảnh Hồ Sơn Mộc Nhân Cư Tại Tham Thiền Sư Thừa Cảo, Tứ Phần Giới bản Như Thích, Quy Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký, Thất Câu-chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà-la-ni Kinh Hội Thích, Tâm Kinh Luận, Quy Giới Yếu Tập, Bát Quan Trai Pháp, Lễ Phật Nghi Thức v.v….
Xét ra, tác phẩm chú giải của Ngài Hoằng Tán rất cẩn trọng và sâu rộng, đầy đủ cả ngữ nghĩa và Pháp nghĩa. Cho nên không chỉ ở Trung Quốc, mà Việt Nam tác phẩm của Ngài rất được tôn trọng và phổ biến rộng rãi. Những bản khắc gỗ Tứ Phần Giới Bản Như Thích, Quy Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký và những trích lục văn cảnh sách từ Đảnh Hồ Sơn Mộc Nhân Cư Tại Tham Thiền Sư Thừa Cảo được lưu hành từ lâu ở Việt Nam. Ví dụ, Tứ Phần Giới Bản Như Thích đã được khắc bản lại suốt năm năm, từ năm 1877 đến năm 1882 để in ấn. Nói khắc bản lại (trùng khắc) tức vì bản gỗ khắc trước đó “ván mục, sai lệch câu chữ”. Như vậy, trước đó rất lâu các tác phẩm của Ngài Hoằng Tán đã được khắc in ở Việt Nam, có lẽ có từ thế kỷ thứ mười tám hay trễ lắm cũng đầu thế kỷ thứ mười chín.
Khi chữ Quốc ngữ thịnh hành ở Việt Nam, Hòa Thượng Hành Trụ (1904-1984) đã phiên dịch Tứ Phật Giới Bản Như Thích (năm 1959), Quy Sơn Cú Thích Ký ở Phật Học Đường Giác Nguyên (Tổ Đình Giác Nguyên) quận 4 ra Việt ngữ để ấn hành và giảng dạy. Ở miền Bắc, những bài cảnh sách như “Tịnh Nghiệp Đường Cảnh Sách“, “Lão Đường Cảnh Sách”, “Thảo Đường Hòa Thượng Truy Tố Cảnh Sách” trích ra từ Đảnh Hồ Sơn Mộc Nhân Cư Tại Tham Thiền Sư Thừa Cảo được thọ trì đọc tụng rộng rãi trong Sơn môn, tự viện miền Bắc. Chẳng qua, ít Tăng Ni ở miền Bắc quan tâm, tìm hiểu xuất xứ của những bài cảnh sách này, chưa nói đến việc nghiên cứu chuyên sâu.
Xét ra, dòng Thiền Tào Động được truyền vào miền Bắc nhờ Thiền sư Thủy Nguyệt (1636-1704) vào thế kỷ mười bảy. Thiền sư Thủy Nguyệt sang Trung Quốc cầu Pháp với Thiền sư Tri Giáo ở Nhân Vương Hộ Quốc Thiền Tự, núi Phụng Hoàng ở Hồ Châu. Có thể, những tác phẩm của Ngài Hoằng Tán cũng thuộc Tông Tào Động được Ngài Thủy Nguyệt đem về nước, sau đó bản thân Ngài hay các đệ tử đời sau như Ngài Tông Diễn (1638 – 1709) khắc in, trích lục những bài cảnh sách trong Mộc Nhân Di Cảo để đưa vào thời khóa hành trì trong Sơn môn miền Bắc.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là giả thiết của bút giả, còn cần sự nghiên cứu sâu rộng để có các chứng cứ vững chắc. Bút giả người miền Nam lại đang hành Đạo ở Hoa Kỳ, nên không tiện nghiên cứu sâu về vấn đề này. Bút giả chỉ có thể chỉ ra chỗ xuất xứ, giới thiệu văn bản, nêu ra giả thiết và khích lệ chư Tăng Ni trẻ miền Bắc đang theo học tại Phật học viện hay Học Viện Phật giáo có hướng nghiên cứu, ghi lại thành quả, góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử và giúp phong phú nền văn học Phật Giáo Việt Nam.
Sakya Minh-Quang viết ngày 11 tháng 05, 2022 tại Chùa Điều Ngự, Westminter, California.
-------------------------------------------
Phụ lục: Phiên âm Hán Việt:
Thế giới không hoa, nhân thân mộng huyễn, nhất thiết chư pháp, tất thuộc vô thường, vô khả thị hỗ. Nhược bất tu hành tắc tùy kỳ huyễn cảnh, phiêu lưu trường kiếp, vô hữu phản kỳ. Thị cố Như Lai xuất hiện ư thế dĩ Pháp giáo chi. Linh kỳ tức phiền não hỏa, kiệt ái dục lưu, xử niết-bàn thành, thoát sinh tử xác. Nhiên tu hành kính lộ phi nhất, yếu nhi ngôn chi, hữu tam viết: Tham thiền, niệm Phật, tu quán.
Thiền bản vô môn, phi túc cụ linh căn, đa đọa kỳ đồ, mạt kiếp dung lưu, thành nan ngộ nhập. Quán tâm vi tế, như vô bát-nhã chi tuệ hãn năng giai chứng. Duy hữu niệm Phật nhất môn tối vi tiệp kính. Tự cổ chí kim, ngu trí đồng tu, nam nữ cọng xu, vạn vô nhất thất, như “Tứ Liệu Giản” sở minh. Chỉ yếu tự biện khẳng tâm, vật nghi tự chi bất đắc. Đản tâm tâm bất vong lục tự Hồng danh, mục quan nhĩ thính, lịch lịch phân minh. Sao bất phân minh, phi hôn trầm tức tán loạn, tốc nghi phát khởi tinh tấn, tục tiền tịnh niệm. Quang âm bất khí, tự nhiên tịnh niệm tương hệ.
Túng vị tương hệ, nhi tâm tâm Tịnh độ, niệm niệm Di-đà, tức thốn bộ bất di, hiện xử Cực Lạc, hựu hà đãi thân hậu thần quy An Dưỡng? Hữu tư thắng lợi, khả bất nỗ lực hướng tiền? Tương thử sổ thập niên chi huyễn chất, hoán đắc thường lạc ngã tịnh chi pháp thân, ninh bất khoái tai? Ninh bất khoái tai? Tụng viết: Tam giới do hỏa trạch, bát đức bản thanh lương, dục ly kham nhẫn độ, thê tâm An Dưỡng hương. Lục tự như luân chuyển, tịnh niệm tự tương tương. Di-đàn phi biệt hữu, trí nhân đương tự cường. Bát vạn tứ thiên tướng, bất ly ngã tâm vương. Hà lao tái án chỉ, phương vi Cực Lạc bang.