top of page

Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác

Dịch Già: Sakya Minh-Quang

Tổng kết Kinh Bát Đại Nhân Giác

 

Hán Văn


     

Phiên âm: 

     Như thử bát sự, nãi thị chư Phật Bồ tát Đại nhân chi sở giác ngộ, tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết bàn ngạn. Phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh, dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, linh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xả ly ngũ dục, tu tâm thánh đạo.  Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ đề, tốc đăng chánh giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trú khoái lạc.

Dịch nghĩa:
    Tám điều nói trên đây, Đại nhân Phật Bồ tát, đã từng tự giác ngộ, và tinh tấn hành đạo, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền pháp thân, đến nơi bờ Niết bàn; rồi trở lại sinh tử, độ thoát các chúng sinh, cũng đem tám điều này, chỉ dạy cho tất cả, khiến mọi loài chúng sinh, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm món dục, tu tâm theo thánh đạo.  Nếu người đệ tử Phật, tụng niệm tám điều này, sẽ ở trong mỗi niệm, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến đến Bồ đề, mau thành tựu Chánh giác, dứt hẳn đường sinh tử, thường an trú tịnh lạc. 

     Trong bài giảng thứ I, chúng tôi đã giảng qua phần tự.  Từ bài giảng thứ II đến bài giảng thứ IX là phần chánh tông và bài giảng thứ X là tổng kết phần lưu thông của Kinh này.  Trong phần lưu thông tổng kết Kinh văn, tuy so với mỗi điều giác ngộ có nhiều hơn, nhưng ý nghĩa trong đó đều đã giảng qua ở những phần trên, nên có thể xem qua liền hiểu.  Chẳng qua, có một vài chỗ vẫn chưa được đề cập đến, nên cần phải nói rõ thêm.

 

Bài Giảng Thứ X

Kinh Sách

  • Lời Giới Thiệu

  • Kinh Bát Đại Nhân Giác

  • Lược Sử Ngài An Thế Cao

  • Bài Giảng thứ I

  • Bài Giảng Thứ II

  • Bài Giảng Thứ III

  • Bài Giảng Thứ IV

  • Bài Giảng Thứ V

  • Bài Giảng Thứ VI

  • Bài Giảng Thứ VII

  • Bài Giảng Thứ VIII

  • Bài Giảng Thứ IX

  • Bài Giảng Thứ X

     Nội dung của Kinh này, nếu chúng ta suy xét kỹ lưỡng sẽ thấy là sáu Ba la mật.  Sáu Ba la mật là hành môn mà Bồ tát cần phải tu tập, gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.  Trong Kinh văn dường như hai pháp Ba la mật thiền định và nhẫn nhục không có trực tiếp nói đến.  Song thật ra sáu Ba la mật là một tổng thể bất khả phân, xuyên suốt với nhau.  Chúng ta xem phần Kinh văn tổng kết, sẽ thấy bao hàm cả sáu Ba la mật.

     Trong Kinh văn có có câu tu tâm Thánh đạo.  Thánh đạo ở đây là chỉ tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.  Chánh định trong bát Thánh đạo chính là thiền định trong sáu Ba la mật.  Đến như nhẫn nhục, chúng ta thường nghe nói: Biết đủ thường được an vui; biết nhẫn tự nhiên an ổn.  Tri túc và nhẫn nhục là pháp môn đem lại sự an lạc.  Kinh văn nói: Xa lìa năm dục, trở lại sinh tử, độ thoát chúng sinh, nếu người không nhẫn nhục được, thì làm sao mà có thể làm nổi?

     Trong Kinh nhấn mạnh: Tinh tấn hành đạo cốt phải từ bi tu tuệ.  Trong sáu Ba la mật, trí tuệ là quan trọng nhất.  Đức Phật là mẹ của tất cả chúng sinh, trí tuệ lại là mẹ của tất cả chư Phật!  Năm Ba la mật trước là chân, trí tuệ Ba la mật là mắt.  Người tuy có chân đi đường, nhưng thiếu mắt, sẽ gặp nguy hiểm trùng trùng.


     Trong Lục độ, bố thí và nhẫn nhục là hạnh lành mà thế gian cũng có.  Nhưng bố thí của thế gian có khi vì thương hại mà bố thí, có khi vì mua danh mà bố thí, có khi vì mong cầu báo đáp mà bố thí.  Bố thí như vậy là không có trí tuệ soi thấy thể tánh cả ba (người thí, vật, thí, người thọ thí) đều không.  Cho nên, chỉ có thể coi đó là hạnh lành hữu vi của thế gian, mà không phải là bố thí Ba la mật.

     Không có trí tuệ, tất cả Phật Pháp đều trở thành thế gian pháp.  Cho nên Bồ tát phát tâm học đạo, mong liễu sinh tử, nguyện độ chúng sinh, thì không luận là bố thí, trì giới hay tinh tấn, v.v... đều phải lấy trí tuệ làm đầu; đã có trí tuệ, lại từ bi, tinh tấn hành đạo, thì sẽ được nương theo thuyền pháp thân, đến nơi bờ Niết bàn.

     Thuyền pháp thân chỉ là Phật tính chân như mà ai cũng đều sẵn đủ.  Chúng sinh luân hồi trong sáu nẻo sinh tử, sở dĩ cuối cùng đều được cứu độ, không phải mãi mãi trầm luân, là nhờ có thuyền pháp thân nương tựa, vốn có sẵn ở nơi mỗi người.

     Chúng sinh tuy có thuyền pháp thân, nhưng lại trôi giạt, trầm luân, không thể ra khỏi biển khổ, lên bờ Niết bàn.

Niết bàn, người Trung Quốc hiểu lầm là chết.  Thật là một sai lầm to lớn vô cùng.  Niết bàn mang ý: Muôn đức viên mãn, công đức trang nghiêm.  Niết bàn là từ chỗ động loạn, trở về nơi vắng lặng, không còn sinh tử, không có phiền não, giải thoát hoàn toàn.  Niết bàn đối đãi với sinh tử.  Phật Pháp ví sinh tử là bờ bên này và Niết bàn là bờ bên kia.  Chúng sinh ở bờ sinh tử bên này, phải chịu vô thường, khổ đau, ưu bi phiền não.  Thánh giả an trú Niết bàn ở bờ bên kia, được thường lạc ngã tịnh, an ổn tự tại.  Cảnh giới Niết bàn là nơi chúng sinh hướng đến.  Nếu chúng sinh biết nương thuyền từ Phật Pháp, thì có thể qua đến bờ kia Niết bàn.

     Tư tưởng Niết bàn nói trên, dường như là tư tưởng hoàn toàn xuất thế.  Vì thế, có người cho rằng tu hành là trốn lánh thế gian, trốn lánh hiện thực.  Thực ra, Bồ tát sau khi Niết bàn, lại phải trở lại sinh tử, độ thoát chúng sinh. Pháp sư Từ Hàng khi viên tịch có để lại mấy câu kệ:


Nếu còn một người chưa được độ
Không nên trốn lánh cho riêng mình!

     Bồ tát chứng Niết bàn không phải trốn lánh, mà là thành tựu sở học cho mình trước, rồi sau mới chèo chống thuyền tử, vào biển sinh tử, cứu vớt chúng sinh.

      Người niệm Phật nguyện vãng sinh Tây phương Tịnh độ, cũng không phải là chán bỏ thế gian, mà là trước cầu chứng bất thoái chuyển, rồi sau nương sức thệ nguyện trở lại Ta bà, rộng độ chúng sinh.

     Nếu chúng sinh chưa được độ mà riêng mình muốn vào Niết bàn, thì không phải là Niết bàn cứu cánh, mà là hành vi Tiểu thừa.  Bồ tát sau khi nương tám điều giác ngộ tu hành chứng được Niết bàn, lại đến nhân gian sinh tử, đem tám điều này, khai thị mọi người, khiến các chúng sinh biết sinh tử khổ, buông bỏ năm dục, tu tâm Thánh đạo.

     Nói đến tu tâm, đây là điều ít ai chú ý.  Người ta thường chỉ tham cầu sự hưởng thụ của giác quan mắt tai mũi lưỡi, song đối với tâm lại bỏ qua, không chút quan tâm.  Mắt tham lam sắc tướng xinh đẹp, tai tham luyến âm thanh véo von, mũi ham thích mùi hương thơm ngát, lưỡi tham mê vị ngon béo bùi, thân tham đắm cảm xúc êm mát, song lại bỏ quên người chủ của nó là tâm.  Nhưng một mai vô thường đến, mắt không còn thấy sắc, tai không còn nghe tiếng, mũi không còn ngửi mùi, lưỡi không còn nếm vị, thân không còn cảm xúc, chừng ấy tâm mới hoang mang lo sợ.  Tục ngữ bảo:

Đợi khi nạn gấp ôm chân Phật
Còn lúc bình thường chẳng thắp hương!

     Đây là chỉ những người lúc bình thường không biết tu tâm.

     Xưa có một người giàu có, suốt đời keo kiệt, không biết tu thân mà cũng không biết tu tâm.  Ông ấy lấy bốn bà vợ, mà người được yêu quí nhất là bà vợ thứ tư, suốt ngày ân ái, nửa bước không rời.  Kế đó là bà vợ thứ ba, là người ông cũng vô cùng yêu mến, hễ gặp thì mừng, xa là buồn nhớ.  Còn bà vợ thứ hai, lúc nghèo khổ thì ông cũng thương yêu, nhưng đến khi giàu có thì tình cảm lần lần phai lạt.  Song người vợ mà ông bỏ bê, chưa từng biết quan tâm, chăm sóc, đó chính là người vợ cả!

     Một hôm, ông mắc phải một chứng bệnh nan y, biết rằng mình sắp chết, ông bèn cho gọi bà vợ thứ tư, người mà ông thương yêu nhất đến bảo:

     - Này phu nhân!  Trước giờ tôi thương yêu bà nhất, không giây phút xa lìa.  Nay tôi không còn sống được bao lâu, chết đi sẽ một mình cô đơn tịch mịch; tài sản, vợ con tuy nhiều, cũng chẳng đem theo được gì.  Giờ tôi muốn bà đi theo tôi cho trọn tình trọn nghĩa, không biết ý bà ra sao?

     Bà vợ thứ tư nghe vậy sợ quá, vội đáp:

     - Ông sao suy nghĩ vớ vẩn!  Ông già bệnh, chết là lẽ đương nhiên, còn tôi như thế này, làm sao mà chết theo ông được?  Ông đối với bà thứ ba cũng không tệ gì, sao không kêu bà ấy đi với ông?

     Phú ông chỉ biết thở dài chán nản.  Một lát sau, ông lại cho mời bà thứ ba đến và cũng yêu cầu như đối với bà thứ tư.

     Bà này nghe xong giật mình, vội nói:

     - Làm như vậy sao được?  Tôi còn trẻ đẹp, ông chết tôi có thể đi tái giá mà!  Sao không gọi bà thứ hai đi theo?

Phú ông lại cũng chỉ biết thở dài, xua tay bảo bà thứ ba lui ra.  Bà thứ ba đi rồi, ông cho gọi bà thứ hai đến, cũng yêu cầu bà đi theo hầu hạ.

 

      Bà này nghe xong, vội vã xua tay:

 

     - Không được!  Không được!  Tôi làm sao mà đi theo ông được?  Bà vợ thứ tư và bà vợ thứ ba của ông chẳng chịu làm gì, việc nhà một mình tôi lo liệu, tôi không thể bỏ nhà cửa theo ông được.  Chẳng qua vì tình cảm vợ chồng, ông chết tôi đưa ông ra tới mộ rồi trở về!

 

     Phú ông nghe õng nghẹn ngào tuyệt vọng, chẳng còn biết trông nhờ vào ai.  Cuối cùng ông chợt nhớ đến bà vợ cả, người ma bấy lâu nay ông quên bẳng, mới cho người mời bà đến bên giường, buồn rầu nói:

 

     - Này bà, tôi trước giờ thật có lỗi, đã đối xử với bà rất lạnh nhạt.  Nay tôi sắp xuống âm phủ, không ai làm bạn, bà có chịu cùng đi với tôi không?

     Bà vợ cả nghe xong, không những không sợ, mà còn trang trọng đáp:

     - Lấy chồng thì phải theo chồng.  Nay ông sắp mất, tôi sống làm sao được, vậy xin theo ông cho trọn nghĩa thủy chung!

     - Bà... bà!  Bà chịu đi theo tôi sao?

   

     Phú ông ngạc nhiên ngoài ý tưởng hỏi lại, rồi tiếp theo nói:

 

     - Ôi, trước đây tôi không biết được tấm lòng thủy chung của bà, nên đã bỏ bê, không ngó ngàng đến.  Tôi đối xử với bà thứ tư và thứ ba còn quá hơn mạng sống của mình, bà thứ hai cũng không tệ bạc.  Thế mà bây giờ tôi sắp chết, họ lại quên ân phụ nghĩa, bỏ tôi mà đi.  Còn bà tôi không coi trọng, lại chịu theo tôi mãi mãi!  Ôi!  Tôi phụ bạc bà quá.  Sao không biết đối xử tối với bà sớm hơn?
Phú ông nói xong cùng ôm bà vợ cả chết chung một lúc.

 

     Đây là một câu chuyện ngụ ngôn, mang ý nghĩa sâu sắc được ghi lại trong Kinh.  Ý nghĩa đó là gì?  Bà vợ thứ tư mà ta chưa từng xa rời nửa bước, đó chính là thân thể, thân thể là cái mà người ta yêu quí nhất.  Người ta trang sức, chăm sóc, làm thoả mãn mọi sự đòi hỏi của thân.  Nhưng thử hỏi, đến khi chết liệu chúng ta có đem thân thể theo được không?  Hay lúc đó, nó chỉ là cái xác xình thối, vô ích, phải mau mau chôn cất, hay thiêu đốt!

 

     Bà vợ thứ ba muốn tái giá, đó chính là tiền bạc, của cải mà ta yêu tiếc, có nó thì mừng, không có thì buồn.  Nhưng đến khi chết, dù gia tài đồ sộ, tiền muôn bạc vạn, thử hỏi ta có đem theo được đồng nào?  Hay tiền bạc sẽ tái giá vào tay người khác!

 

     Bà vợ thứ hai phải lo chăm sóc gia đình, chính là bà con, bạn bè.  Lúc ta nghèo khổ, khó khăn cần giúp đỡ, mới nhớ đến bà con, bạn bè, song khi có tiền lại chỉ nghĩ đến bản thân!  Đừng tưởng điều gì cũng có thể nhờ vào bà con, bạn bè giúp đỡ.  Đến khi sinh tử, đường ai nấy đi.  Chí thân như cha với con, đến lúc chết cũng không đi theo được, huống chi là kẻ khác hay sao?  Bất quá họ chỉ đưa đám tang mình một đoạn đường, ra đến mộ, lấp đất chôn xong lại trở về!

 

     Còn bà vợ cả mà ta bỏ bê, quên lãng, đó chính là tâm của ta.  Khi chúng ta còn sống không biết tu tâm, chỉ lo tham cầu ngũ dục, gây tạo biết bao nghiệp tội.  Đến khi chết, mới biết ngũ dục không đem theo được, chỉ có nghiệp thiện ác nơi tâm, mới đi thọ sinh cùng với chúng ta.  Vì vậy cổ nhân nói:


Một mai vô thường đến
Mới hay mộng huyễn thân.
Muôn việc đem chẳng được
Chỉ nghiệp theo thức thần.

 

     Tu tâm trong tu tâm Thánh đạo là điều mà chúng ta cần phải đặc biệt coi trọng.  Phải đoạn trừ tâm dua nịnh, giả dối, sân hận, tham dục.  Khi còn sống mạnh  khoẻ, chúng ta nên nỗ lực tu tâm, nhất là những người đã phát tâm học đạo!  Kinh Di Giáo nói: "Nên đoan chính tâm mình, lấy tâm chân thật, ngay thẳng làm gốc."  Kinh Duy Ma cũng nói: "Tâm ngay thẳng là đạo tràng."  Khi chúng ta thành tựu việc thanh tịnh hóa tâm mình, chuyển tình thức hành trí tuệ, thì đó cũng là lúc chúng ta thành tựu Phật đạo!


     Học Kinh này xong, chúng ta có một kết luận khái quát như sau:

     Tám điều giác ngộ này là điều mà tất cả chư Phật và Bồ tát nên giác ngộ, để lo việc liễu sinh thoát tử và phổ độ chúng sinh.  Bồ tát Đại nhân phải nên tinh tấn tu học trau dồi phước tuệ từ bi, nương thuyền pháp thân đến bờ Niết bàn giải thoát an lạc.  Rồi sau đó trở lại thế giới này, vào ra sinh tử để giáo hóa, cứu độ chúng sinh còn trong biển khổ.

 

      Vậy dùng phương tiện gì để giáo hóa chúng sinh?  Đó là đem tám điều giác ngộ ra khai thị, khiến mọi người cùng giác ngộ sinh tử là khổ, buông bỏ dục vọng về khoái lạc không thật của ngũ dục, tu tâm để hoàn thành Bát Thánh đạo.

     Nếu đệ tử Phật thường luôn tụng niệm, ghi nhớ tám điều này trong lòng, sẽ được lợi ích rất lớn.  Người này có thể diệt trừ vô lượng tội nghiệp trong từng ý niệm, tinh tấn tu tập, tiến mãi trên con đường hướng đến Bồ đề, cho đến ngày lên ngôi Chánh giác, dứt hẳn sinh tử khổ não, thường trú nơi Niết bàn thanh tịnh, giải thoát an lạc.

     Dịch thơ:


Phật Bồ tát đã từng giác ngộ
Tám điều này, tự độ độ tha
Bồ đề tâm phát sâu xa
Tinh tấn hành đạo, chướng ma phục hàng.
Vung gươm tuệ, cắt màn si ám
Rải mưa bi, dập đám lửa phiền
Pháp thân nương lấy con thuyền
Niết bàn, giải thoát bình yên lên bờ.
Thấy đau khổ, lòng từ không nỡ
Thừa nguyện xưa, thuyền trở bến mê
Lại dùng tám việc đề huề
Chỉ cho sinh chúng quay về bờ kia.
Biết giác ngộ, xa lìa ngũ dục
Thấy tử sinh là ngục  khổ đau
Tu tâm quét sạch trần lao
Theo đường Thánh đạo, cùng nhau Niết bàn.
Đệ tử Phật tụng trì tám việc
Niệm niệm luôn tội diệt phước sanh.
Bồ đề chánh giác sớm thành
An vui thường trú, tử sanh không còn.

bottom of page