top of page

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

                                               Dịch giả Sakya Minh-Quang

 

                               Lời Dẫn 

​    Kinh Pháp Cú Thí Dụ (Dharmapadàvadàna – Sùtra) do hai ngài Pháp Cự - Pháp Lập đời Tây Tấn (209 - 306) cùng dịch. Kinh này còn có tên Pháp Cú Bản Mạt Kinh, Pháp Cú Dụ Kinh, Pháp Cú Thí Kinh được đưa vào quyển thứ tư Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (gồm 100 quyển).

    Từ lâu, ở Việt Nam chúng ta Kinh Pháp Cú đã trở nên quen thuộc trong giới Tăng Ni và Phật tử. Những câu Pháp cú ngắn gọn, thâm trầm đạo vị thật sự đã trở thành ngọn đuốc soi đường trên tiến trình giải thoát - giác ngộ của người con Phật, những đóa hoa đạo đức - trí tuệ của Phật giáo với sắc và hương thơm sạch thấm nhuần trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam. Kinh Pháp Cú tiếng Việt hiện nay có khá nhiều bản. Chúng ta cũng cần có một cái nhìn khái quát.

 

KHÁI QUÁT KINH PHÁP CÚ

   Kinh Pháp Cú tiếng Việt hiện đang lưu hành do các dịch giả dịch từ tiếng Hán, tiếng Pàli, tiếng Anh sang đều có gốc từ truyền bản Tích Lan 26 phẩm 423 kệ (Trong đó có một kệ trùng). Theo chỗ chúng tôi được biết hiện nay có các bản dịch như sau:

  1. Kinh Pháp Cú do HT. Thích Trí Đức dịch từ bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham (Pháp sư người Trung Hoa sang du học ở Tích Lan năm 1944 và dịch Kinh Pháp Cú từ bản Pàli sang Hán). Bản này được xuất bản lần đầu năm 1959, sau đó được tái bản nhiều lần. Đến năm 1993 được Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành lại, có sửa chữa nhiều chỗ và in kèm với bản Hán văn ở sau.

  2. Kinh Pháp Cú do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch từ bản Pháp Cú Kinh Hán Anh Đối Chiếu Hòa Dịch (Bản dịch tiếng Nhật Kinh Pháp Cú có Hán Anh đối chiếu) của soạn giả Thường Bàn Đại Định. Dịch giả chủ yếu dựa vào phần Hán văn dịch ra Việt ngữ, có in chữ Hán đối chiếu và lời giải thích sơ lược ý nghĩa bài kệ. Bản này được Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản vào năm 1962.

  3. Kinh Pháp Cú do Phạm Kim Khánh dịch từ bản Pàli - Anh của ĐĐ. Narada người Tích Lan. Bản này có in Pàli đối chiếu với Việt và truyện tích sơ lược cũng như giải thích từ ngữ, được xuất bản năm 1971.

  4. Kinh Pháp Cú do HT, Thích Minh Châu dịch từ bản Pàli, có đối chiếu Việt - Pàli và chú thích một số từ Pàli. Bản này được Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1989.

  5. Kinh Pháp Cú do Thích Xán Nhiên soạn dịch, giáo án trường Cơ Bản Phật Học TP. Hồ Chí Minh, bản ronéo 1989 - lưu hành nội bộ.

  6. Thi Hóa Pháp Cú Kinh do Tịnh Minh dịch từ bản tiếng Anh của ĐĐ. Narada, bản ronéo 1990 - lưu hành nội bộ.

   Thật ra Kinh Pháp Cú ngoài truyền bản Tích Lan còn có khá nhiều dị bản. Những dị bản này so với truyền bản Tích Lan có những chỗ bất đồng về ngữ hệ (Pàli – Sanskrit), phẩm mục, số kệ và ngay cả ngữ nghĩa. Hiện nay chúng ta được biết có bốn dị bản:

  1. Hán dịch Pháp Cú Kinh (ngữ hệ Pàli), 2 quyển, 39 phẩm, 752 kệ (nay tính lại có 759 kệ). Bản này do ngài Pháp Cứu (Dharmahata) người Ấn ở thế kỷ I trước Công nguyên tuyển tập, nhóm ngài Duy Kỳ Nan đời Ngô Tam Quốc dịch sang Hán (Có thuyết nói do nhóm ngài Chi Khiêm, Trúc Tướng Diêm dịch), được thâu vào Đại Chánh Tạng quyển thứ 4.

  2. Phạm bản Ưu Đà Na phẩm (Udàna - Varga), còn gọi Ô Đà Nam phẩm (ngữ hệ Sanskrit), theo Câu Xá Luận Quang Ký quyển I nói cũng do ngài Pháp Cứu tuyển tập, có Phạm bản lưu hành ở Ấn Độ. Năm 1892 F. Genard phát hiện một phần Phạm bản ở huyện Hòa Điền tỉnh Tân Cương. Về sau người ta cũng lần lượt phát hiện những Phạm bản khác (không đầy đủ) ở các nơi như Khố Xa, Đôn Hoàng… Đến năm 1930, những Phạm bản này được N.P Chakravarti tập thành và cho san hành 23 phẩm trước với tựa đề L’Udànavarga Sanskrit.

  3. Hán dịch  Pháp Tập Yếu Tụng Kinh ( Theo Phạm bản Ưu Đà Na phẩm) được ngài Thiên Tức Tai dịch gồm 4 quyển vào đời Tống, được thâu vào Đại Chánh Tạng quyển thứ 4.

  4. Tạng dịch bản (Theo Phạm bản Ưu Đà Na phẩm) với tên là Che-du-brjod-pahi tshoms, nằm trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng.

 

Mục Lục

   Pháp cú là những lời Phật dạy cho các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia tùy theo cơ duyên hoàn cảnh, văn rất ngắn gọn mà nghĩa lý lại thâm trầm. Những lời dạy này trước khi được tuyển tập đã nằm rải rác trong các Kinh Luật. Nếu biết được xuất xứ những câu Pháp cú, cơ duyên giáo hóa của đức Phật, chúng ta sẽ thể hội chính xác, sâu sắc hơn lời Phật dạy, và cảm nhận được đức bi trí tuyệt vời của đức Phật trên con đường hoằng Pháp lợi sinh.

   Vì vậy, từ xưa đã có những bản chú giải truyện tích và giải thích kệ Pháp cú. Theo như chúng tôi được biết có những bản sau đây:

   Bản Pháp Cú Kinh Chú (Dhammapadatthakathà) của ngài Phật Âm (Buddha - Ghosa) thế kỷ thứ V viết bằng văn Pàli giải thích 423 kệ Pháp Cú (có một kệ trùng, nên thật ra chỉ có 422 kệ), và nói rõ nhân duyên truyện tích có 299 trường hợp. Bản chú giải này đã được E.M Burlinghame dịch ra tiếng Anh cho tùng thư Harward Oriental Series.

   Hán dịch Xuất Diệu Kinh 30 quyển, do ngài Tăng Già Bạt Trừng và Trúc Phật Niệm dịch vào năm 398, chia làm 33 phẩm, gần 1000 chương.

   Tạng dịch Ưu Đà Na Phẩm Chú giải (Che-du-brjod-pahi tshoms-kyi rnam-parhgrel-pa), thuộc ngữ hệ Sanskrit.

   Hán dịch Pháp Cú Thí Dụ Kinh (thuộc ngữ hệ Pàli) cũng chính để giải thích ý nghĩa, nhân duyên truyện tích của kệ Pháp cú. Kinh có tất cả 42 phẩm, 75 thí dụ, 294 kệ. Theo như bản Pháp Cú Thí Dụ Kinh trong Đại Tạng ghi có 39 phẩm và Phật Quang Đại Từ Điển trang 3342 phần thượng cũng ghi Kinh Pháp Cú Thí Dụ có 39 phẩm 68 thí dụ. Vậy tại sao có sự ghi nhận thiếu 3 phẩm và 7 thí dụ như vậy?

   Trong bản Hán văn Kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Giáo Giới thứ 2, phẩm Hộ Giới (có 1 thí dụ) tiếp theo phải là phẩm thứ 3, nhưng kinh lại ghi là phẩm thứ 2. Như vậy ghi nhận thiếu đi 1 phẩm và 1 thí dụ. Đến đầu quyển 2, phẩm Dụ Hương Hoa (có 2 thí dụ) phải tính là 1 phẩm mà lại bỏ qua. Cho nên lại ghi nhận thiếu 1 phẩm và 2 thí dụ nữa. Đến đầu quyển 4, phẩm Dụ Ái Dục (có 4 thí dụ) đáng lẽ phải là phẩm thứ 33 (thật ra nếu kể luôn 2 phẩm đã tính sót ở trên phải là phẩm thứ 35), lại tính là phần 2 phẩm Ái Dục thứ 32. Vì vậy lại ghi nhận sót thêm 1 phẩm 4 thí dụ. Tính tổng cộng sót 3 phẩm 7 thí dụ.

 

GIẢI THÍCH PHÁP CÚ THÍ DỤ

  Pháp (S. Dharma: P. Dhamma) có nhiều nghĩa, nhưng ta có thể tóm tắt hai nghĩa chánh:

       1. Nhậm trì tự tánh

       2. Quĩ sinh vật giải.

   Nhậm trì tự tánh là gìn giữ được tự tánh của mình không thay đổi. Theo nghĩa này mà nói, tất cả sự tồn tại đều gọi là pháp. Tất cả tồn tại đều có tánh chất riêng (nhậm trì tự tánh), nên cái này không phải là cái kia và ngược lại, nếu không sẽ có sự hỗn loạn. Như vậy, khi một pháp nào đó mất đi tự tánh riêng của mình thì nó không còn là nó nữa mà đã thành một pháp khác với tự tánh mới. Cho nên trong triết học Phật giáo có chia ra sắc pháp, tâm pháp, hữu vi pháp, vô vi pháp… Duy thức học phân tích có 100 pháp. Câu Xá Luận phân tích có 75 pháp. Vì vậy ý nghĩa vạn pháp trong Đạo Phật nói sâu rộng hơn chữ vạn vật của thế gian.

   Quỹ sinh vật giải là có khuôn phép, có tiêu chuẩn khiến người ta có thể dựa vào đó mà nhận thức, lý giải được. Theo nghĩa này mà nói, pháp là chỉ những tiêu chuẩn của nhận thức, như pháp tắc, đạo lý, giáo lý, chân lý, thiện hạnh v.v…

   Chữ pháp ở đây được hiểu theo nghĩa thứ hai này. Đó chính là giáo pháp, chánh pháp hay chân lý được đức Phật khai thị.

    (pada): Câu Xá Luận quyển 5 nói: “Cú giả vị chương, thuyên nghĩa cứu cánh. Như thuyết: Chư hành vô thường đẳng chương”. (Cú là chương cú, nói trọn vẹn nghĩa lý. Như các chương cú: Các hành là vô thường v.v…). Vậy Pháp cú (Dhammapada) là những câu pháp, những lời dạy chân lý, diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa giáo pháp của đức Thế Tôn.

   Pada còn có nghĩa là bàn chân hay bước chân, nên có người giải thích Dhammapada là những bước chân dẫn đến chân lý, giải thoát, giác ngộ.

   Về hình thức, Pháp cú được trình bày với thể loại kệ tụng. Kệ có hai nghĩa Già Đà (Gàthà) và Kỳ Dạ (Geya), đều nằm trong mười hai thể loại văn học Phật giáo.

Già Đà còn gọi là Cô Khởi kệ. Đây là những bài kệ được đức Phật nói lên một cách trực tiếp và độc lập để trình bày giáo nghĩa.

   Kỳ Dạ còn gọi là Trùng Tụng kệ. Đây là những bài kệ tóm tắt lại ý nghĩa giáo pháp đã nói ở trước. Xét ra, Kinh Pháp Cú Thí Dụ có cả hai thể loại kệ này.

   Thí dụ (Avadàna) là một trong mười hai thể loại văn học Phật giáo (mười hai bộ kinh). Với phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sinh, đức Phật đã dùng nhiều nhân duyên thí dụ, hoặc chuyện thật, hoặc ngụ ngôn để minh họa cho giáo lý sâu xa, vi diệu của Ngài. Thể loại này bao gồm văn học Phật truyện, văn học tán Phật, nhân duyên cố sự v.v…

   Thí dụ trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ là những chuyện tích giáo hóa của đức Phật nhằm giải thích những câu kệ Pháp cú được nói ra trong trường hợp nào. Nhờ đó mà kệ Pháp cú trở nên sinh động, minh bạch dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

   Nếu ai đã đọc qua bản dịch Kinh Pháp Cú của Phạm Kim Khánh sẽ nhận thấy những tích truyện tóm tắt trong đó khác với những tích truyện trong bản dịch này. Tại sao cùng một câu Pháp cú mà tích truyện giải thích lại khác nhau? Chúng ta hãy nghe đại sư Ấn Thuận - một cao Tăng thạc học ở Đài Loan hiện nay giải thích: “Như tân dịch kệ thứ nhất (phẩm Song Yếu): “Như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe” (Như luân tùy thú túc). Còn cựu dịch: “Như xe đi theo vết bánh xe” (Xa lịch ư triệt). Pada có thể dịch là chân (túc), nên tân dịch “Như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe”. Pada cũng có thể dịch là dấu, vết (triệt) nên cựu dịch: “Như xe theo vết bánh xe”. Như vậy là do giải thích ý nghĩa khác nhau nên truyền thuyết lý do sự việc cũng khác nhau”. (Lời tựa Kinh Pháp Cú Hán dịch của pháp sư Liễu Tham).

   Ở đây, chúng ta cũng có thể lý giải thêm cách khác. Pháp cú không phải chỉ được nói ra trong một trường hợp. Một câu Pháp cú có thể đức Phật nói ra trong nhiều hoàn cảnh giáo hóa khác nhau, về sau tùy theo chỗ nghe nhận của mình mà các đệ tử có sự kết tập truyền thuyết bất đồng.

   Hơn nữa, văn học Phật giáo là một trong những nền văn học cổ xưa, phong phú và phức tạp nhất. Cho nên trong sự truyền thừa, sao lục, lý giải tránh sao khỏi những chỗ dị đồng? Vì vậy việc có nhiều dị bản, sai biệt là điều không quan trọng. Điều quan trọng là giáo lý đó có khế hợp với tinh thần giác ngộ, giải thoát của Phật hay không? Chúng ta học được những gì từ giáo lý đó để xây dựng một nếp sống tâm linh an lạc, hạnh phúc trong hiện tại, như đức Phật đã dạy: “Pháp Phật thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí chứng biết.”

 

NGUYÊN TẮC DỊCH

   Bản dịch Kinh Pháp Cú Thí Dụ này là dựa vào Pháp Cú Thí Dụ Kinh Hán văn trong quyển thứ 4 tạng Đại Chánh Tân Tu (viết tắt ĐCTT). Đây là bộ Đại Tạng Kinh do nhóm Cao Nam Thuận Thứ Lang (người Nhật) san hành từ năm thứ 13 niên hiệu Đại Chánh đến năm thứ 7 niên hiệu Chiêu Hòa (1932) thì hoàn thành. Bộ Đại Tạng Kinh này được xem là tương đối hoàn chỉnh và có uy tín nhất trong giới Phật học trên thế giới hiện nay. Về phương diện hiệu khám, ĐCTT ngoài bốn tạng bản Cao Ly, Tống, Nguyên, Minh ra, còn đối chiếu với Nhật Bản Thánh Ngữ Tạng Bản, Cung Bản, bản viết tay Đôn Hoàng, các bản xưa còn sót và các bản hiện đang lưu thông. Vì vậy, trong phần dịch kệ Pháp Cú, dịch giả gặp chữ nào khó hiểu cũng xem qua phần hiệu khám này và tùy thời lấy dùng chữ của những tạng kia. Việc thay chữ dịch giả có chú thích rõ ràng và cụ thể trong bản dịch.

   Về phương diện chú thích, những chữ Hán nào khó hiểu dễ lầm chúng tôi đều dựa vào Từ Hải hay Khang Hi để xác định âm nghĩa. Những danh từ Phật học, Pháp số ít gặp chúng tôi đều dựa vào Phật Quang Đại Từ Điển để giải thích.

   Hán dịch kệ Pháp cú về mặt hình thức giống như thơ Trung Quốc, song không có vận luật. Thường thì kệ Pháp cú có bốn hàng, mỗi hàng bốn chữ hay năm chữ. Song đôi khi để chuyên chở cho hết nội dung cần nói, kệ Pháp cú có hình thức năm hàng, sáu hàng và mỗi hàng có thể đến sáu chữ.

   Khi dịch kệ Pháp cú sang tiếng Việt, kệ bên Hán văn có bao nhiêu hàng chúng tôi dịch cũng đúng như vậy (trừ những bài kệ ở thí dụ 19), nhưng mỗi hàng luôn là năm chữ. Chúng tôi không chủ trương dịch theo kiểu “chữ đâu nghĩa đó”, cũng không dịch quá thoát xa với nguyên văn. Chúng tôi cố đạt được ý của toàn bài kệ và dịch lại sao cho thật minh bạch, dễ hiểu, dễ nghe. Để đạt được mục đích này, nhiều chỗ chúng tôi đã không câu nệ đổi thứ tự câu dịch so với câu chữ Hán, thay từ đồng nghĩa hay gần nghĩa.

 

TÂM NGUYỆN

   Một bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt đang là nỗi thao thức của toàn thể giới Phật giáo Việt Nam. Đây là một công trình vĩ đại đòi hỏi sự đóng góp lâu dài của tất cả mọi người, nhất là thế hệ Tăng Ni trẻ. Với bản dịch Kinh Pháp Cú Thí Dụ này, dịch giả mong rằng sẽ đóng góp một phần nhỏ vào nền văn học Phật giáo hiện nay và Đại Tạng Kinh tiếng Việt ngày mai.

   Ngài Chi Khiêm trong bài tựa Kinh Pháp Cú nói: “Ở Thiên Trúc, những người mới tu mà không học Kinh Pháp Cú sẽ bị cho là vượt thứ lớp, vì đây là bước đầu quan trọng của người mới tu và cũng là tạng thâm áo cho những ai đã thâm nhập”. Cho nên Kinh này chính là kim chỉ nam tu tập cho mọi trình độ, thích hợp với tất cả hàng Phật tử xuất gia, tại gia. Chúng tôi mong rằng rồi đây Kinh Pháp Cú Thí Dụ sẽ được chính thức đưa vào dạy trong chương trình sơ cấp hay trung cấp Phật học. Chính vì tâm nguyện này, dịch giả đã không ngại khó nghiên cứu và chú thích rõ ràng, cũng như in đối chiếu Hán-Việt ở phần kệ Pháp cú để người học tiện tham khảo.

   Mặc dầu tâm thành và hết sức cố gắng, nhưng do khả năng trình độ có hạn nên bản dịch chắc chắn không sao tránh khỏi những chỗ lầm lẫn sai sót. Kính mong chư tôn đức, chư thiện tri thức hoan hỉ chỉ bảo, để lần tái bản sau được toàn chỉnh hơn. Chúng tôi cũng chân thành tri ân những thiện tri thức, Phật tử đã khích lệ, góp công góp của cho bản dịch nầy được sớm hoàn thành và ấn hành. Mong rằng mọi người:

          Hiểu được một Pháp cú
         Hành theo đắc được đạo.

     (Kinh Pháp Cú Thí dụ, phẩm Thuật Thiên)

   Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát 

       Giác Nguyên ngày 19-9-1996

       Sakya Minh Quang cẩn bút.  

bottom of page