KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch giả Sakya Minh-Quang
QUYỂN THỨ NHẤT
Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.
Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.
Phẩm Vô Thường Thứ 1
Thí dụ 1
Thuở xưa, trời Đế Thích[1] bỗng nhiên mất đi năm đức tướng[2], nên tự biết mình sắp mạng chung và sẽ tái sinh vào thai một con lừa trong nhà người thợ làm đồ gốm. Năm đức tướng mất đi là gì?
1. Hào quang trên thân mất.
2. Hoa trên đầu khô héo.
3. Không còn ưa thích chỗ ngồi của mình.
4. Mồ hôi nách chảy hôi dơ.
5. Bụi bám trên thân.
Đế Thích nhân năm việc này, biết phước mình đã hết nên hết sức lo buồn. Ông nghĩ trong tam giới chỉ có Phật mới cứu độ được khổ ách cho chúng sinh, nên vội tìm đến chỗ Phật.
Bấy giờ đức Thế Tôn đang tọa thiền, nhập tam muội Phổ Quang Tế trong thạch thất trên núi Kỳ-xà-quật. Thiên Đế đến nơi gặp Phật liền cúi đầu đảnh lễ, phủ phục sát đất, chí tâm quy mạng Phật Pháp Tăng. Trong khoảng thời gian cúi mình làm lễ, Thiên Đế mạng chung, thần thức liền nhập vào thai một con lừa trong nhà người thợ đồ gốm. Lúc ấy, lừa mẹ tự bứt đứt dây, chạy loạn vào chỗ đồ gốm chưa nung, làm đỗ vỡ rất nhiều. Người chủ giận lắm, bèn xách cây rượt đánh, lừa mẹ nhân đó bị sẩy thai. Thần thức của Thiên Đế liền thoát khỏi thai lừa, nhập lại thân cũ, đầy đủ năm đức tướng như xưa.
Đức Phật ra khỏi tam muội xong, tán thán:
- Lành thay, này Thiên Đế! Ông có thể đến lúc sắp mạng chung biết quy mạng Tam Bảo, tội nghiệp đã trả xong, không còn thọ khổ báo nữa.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói kệ:
Các hành đều vô thường
Đó là pháp thịnh suy
Đã sinh thì phải tử
Tịch diệt là an vui.
***
Ví như nhà thợ gốm
Nắn đất làm đồ dùng
Tất cả đều phải hoại
Mạng người cũng vậy thôi.
所行非常 Sở hành phi thường
謂興衰法 Vị hưng suy pháp
夫生輒死 Phù sinh triếp tử
此滅為樂 Thử diệt vi lạc.
譬如陶家 Thí như đào gia
埏埴作器 Thiên thực[3] tác khí
一切要壞 Nhất thiết yếu hoại
人命亦然 Nhân mệnh diệc nhiên.
Đế Thích nghe kệ xong liền biết yếu nghĩa vô thường, thông lẽ biến đổi tội phước, hiểu rõ cội gốc thịnh suy và tuân theo lý đạo tịch diệt. Ông hoan hỷ phụng trì chánh pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn.
****************************
Mục Lục
-
-
Phẩm Từ Nhân Thứ 8
-
Phẩm Ngôn Ngữ Thứ 9
-
Phẩm Song Yếu Thứ 10
-
Phẩm Phóng Dật Thứ 11
-
Phẩm Tâm Ý Thứ 12
-
Phẩm Hoa Hương Thứ 13
-
Quyển Thứ 2
-
Phẩm Dụ Hoa Hương Thứ 14
-
Phẩm Ngu Ám Thứ 15
-
Phẩm Minh Triết Thứ 16
-
Phẩm A-La-Hán Thứ 17
-
Phẩm Thuật Thiên Thứ 18
-
Phẩm Ác Hạnh Thứ 19
-
Phẩm Đao Trượng Thứ 20
-
-
Quyển Thứ 3
-
Phẩm Lão Mạo Thứ 21
-
Phẩm Ái Thân Thứ 22
-
Phẩm Thế Tục Thứ 23
-
Phẩm Thuật Phật Thứ 24
-
Phẩm An Ninh Thứ 25
-
Phẩm Hiếu Hỉ Thứ 26
-
Phẩm Phẫn Nộ Thứ 27
-
Phẩm Trần Cấu Thứ 28
-
Phẩm Phụng Trì Thứ 29
-
Phẩm Đạo Hạnh Thứ 30
-
Phẩm Quảng Diễn Thứ 31
-
Phẩm Địa Ngục Thứ 32
-
Phẩm Tượng Thứ 33
-
Phẩm Ái Dục Thứ 34
-
-
Quyển Thứ 4
-
Phẩm Dụ Ái Dục Thứ 35
-
Phẩm Lợi Dưỡng Thứ 36
-
Phẩm Sa Môn Thứ 37
-
Phẩm Phạm Chí Thứ 38
-
Phẩm Nê Hoàn Thứ 39
-
Phẩm Sinh Tữ Thứ 40
-
Phẩm Đạo Lợi Thứ 41
-
Phẩm Kiết Tường Thứ 42
-
Thí dụ 2
Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ thuyết Pháp cho hàng trời người long thần. Lúc ấy, mẹ vua Ba-tư-nặc tuổi hơn chín mươi chợt lâm trọng bệnh, vì không trị đúng thầy đúng thuốc nên đã qua đời. Vua và quần thần làm lễ tang theo pháp, rồi đưa đi an táng. Tang sự xong, mọi người trở về, ghé ngang qua chỗ Phật. Lúc ấy vua quần áo xốc xếch, giày dép trầy trật bước đến làm lễ bên chân Phật. Đức Phật mời vua ngồi xuống rồi hỏi:
- “Vua từ đâu đến mà áo quần thô xấu, vẻ mặt tiều tụy? Sao lại ra nông nỗi này?”
Nhà vua làm lễ rồi đáp:
-“Thái hậu của nước tuổi hơn chín mươi mắc phải trọng bệnh vừa mới qua đời. Con đưa linh cữu ra mộ rồi trở về ghé qua đây thăm đức Thế Tôn.”
Đức Phật bảo với vua:
-“Từ xưa đến nay có bốn việc đáng sợ nhất, đó là:
1. Sinh phải già yếu.
2. Bệnh sẽ tiều tụy.
3. Chết thần thức ra đi.
4. Xa lìa quyến thuộc.
Vạn vật vô thường, không thể dài lâu, chẳng hẹn cùng người. Mỗi ngày trôi qua, mạng sống lần giảm. Như nước năm sông [4] chảy mãi không ngừng, mạng người mau chóng cũng lại như vậy.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Như nước sông chảy mau
Theo dòng trôi đi mãi
Mạng người cũng như vậy
Qua rồi không trở lại.
如河駛流 Như hà sử lưu
往而不返 Vãng nhi bất phản
人命如是 Nhân mệnh như thị
逝者不還 Thệ giả bất hoàn.
Rồi đức Phật nói với vua rằng:
-“Mọi vật trên đời đều như vậy, không có cái gì trường tồn. Mọi người đều phải chết, không ai có thể tránh được lẽ này. Các vị Phật, chân nhân, tiên ngũ thông và quốc vương thưở xưa nay có còn đâu? Vua không nên buồn thương vô ích có hại đến thân mình. Làm người con hiếu thương yêu cha mẹ quá vãng thì phải làm phước, tu tạo công đức hồi hướng cho cha mẹ, như là chuẩn bị lương thực gởi cho người thân lúc đi xa.”
Nghe đức Phật dạy xong, vua và quần thần ai nấy đều hoan hỷ, không còn lo buồn. Những người đến nghe pháp đều thấy được đạo.
*************************************************
Thí dụ 3
Thuở xưa, đức Phật trú tại Tinh xá Trúc Lâm thành La Duyệt Kỳ. Một hôm, Ngài cùng với các đệ tử nhận lời thỉnh vào thành thọ trai thuyết Pháp. Thọ trai thuyết Pháp xong, lúc ấy vào khoảng xế chiều, đức Phật và các đệ tử ra khỏi thành trở về Tinh xá. Trên đường đi, Ngài và đại chúng gặp một người đang lùa một đàn bò vào thành sau một ngày thả cho chúng ăn bên ngoài. Lúc ấy, đức Thế Tôn nói lên kệ rằng:
Ví như người cầm gậy
Chăn dắt đàn bò si
Già chết cũng như vậy
Đang lùa mạng sống đi.
***
Trăm ngàn không có một
Trai gái dòng họ nào
Tài sản nhiều biết bao
Mà tránh khỏi già chết.
***
Sự sống ngày lẫn đêm
Sinh mạng tự lần giảm
Tuổi thọ luôn tiêu mòn
Như nước ao rút cạn.
譬人操杖 Thí nhân thao trượng
行牧食牛 Hành mục tự ngưu
老死猶然 Lão tử du nhiên
亦養命去 Diệc dưỡng mệnh khứ.
***
千百非一 Thiên bách phi nhất
族姓男女 Tộc tánh nam nữ
貯聚財產 Trữ tụ tài sản
無不衰喪 Vô bất suy táng. ***
生者日夜 Sinh giả nhật dạ
命自攻削 Mệnh tự công tước
壽之消盡 Thọ chi tiêu tận
如[榮-木+巾][雨/井]水 Như huỳnh oánh[5] thủy.
Sau khi đức Phật về đến Tinh xá Trúc Lâm rồi rửa chân an tọa, A Nan ra trước đảnh lễ thưa hỏi:
-“Bạch đức Thế Tôn, ban nãy giữa đường Ngài có nói lên ba bài kệ. Chúng con vẫn chưa hiểu lắm, xin Ngài từ bi khai thị cho.”
Đức Phật hỏi:
-“Này A Nan, ông có thấy người ta lùa đàn bò đi không?”
-“Bạch đức Thế Tôn, con có thấy,” A Nan đáp.
Đức Phật giảng giải:
-“Này A Nan, đàn bò đó là của một nhà hàng thịt, vốn có cả ngàn con. Mỗi ngày ông chủ đều cho người lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tươi, nước trong cho chúng ăn uống. Họ nuôi lớn rồi mỗi ngày chọn ra một con to béo nhất giết lấy thịt. Số bò bị giết đến nay đã hơn phân nửa, mà những con còn lại vẫn không hay biết, cứ lo đấu húc lẫn nhau, nhảy nhót, kêu rống. Ta vì thương cho chúng ngu si vô trí nên mới nói lên ba bài kệ này.
Này A Nan, đâu phải chỉ có đàn bò đó vô trí thôi, mà người đời cũng như vậy! Họ chấp trước bản ngã, không biết vô thường, tham đắm năm dục, chỉ lo cung dưỡng thân mình. Tâm ý thỏa thuê trở lại gây ra tai họa. Vô thường túc nghiệp không hẹn chợt đến mà họ vẫn mờ mịt không biết, thì có khác chi với đàn bò kia?”
Lúc ấy, trong hội chúng có hai trăm Tỳ-kheo tham đắm lợi dưỡng nghe được bài pháp này liền tự sách tấn lấy mình, do đó chứng quả A-la-hán, đầy đủ lục thông. Còn đại chúng đều hoan hỷ bước ra đảnh lễ Phật.
**********************************
Thí dụ 4
Thuở xưa, đức Phật thuyết Pháp cho các hàng đệ tử ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có con gái của một vị Phạm Chí, tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, đoan chánh, thông minh rất được cha yêu mến, bỗng lâm bệnh nặng đột ngột chết đi. Đồng thời ruộng của vị Phạm Chí đó đang mùa lúa chín cũng bị lửa cháy hết sạch. Trước tai nạn dồn dập, vị Phạm Chí vô cùng đau buồn, tâm ý hoảng loạn như người phát cuồng, không cách gì giải tỏa nổi. Ông nghe người ta nói đức Phật là bậc đại thánh, Thầy của cả trời người, hay thuyết Pháp giúp cho chúng sinh hết phiền não, khỏi khổ đau, nên tìm đến chỗ Phật nhờ giúp đỡ. Đến nơi, ông đảnh lễ rồi quỳ xuống thưa:
-“Kính bạch đức Thế Tôn, con vốn hiếm muộn, chỉ có một người con gái sớm hôm an ủi, thế mà nó bỗng lâm trọng bệnh, bỏ con ra đi. Tình cha con quyến luyến là lẽ tự nhiên, nên con vô cùng khổ não. Xin đức Thế Tôn oai thần giáo hóa giúp cho con giải tỏa nỗi đau buồn này”.
Đức Phật bảo Phạm Chí:
-“Trên đời có bốn việc không thể lâu dài. Đó là những gì?
1. Trường tồn phải hoại diệt.
2. Giàu sang phải nghèo hèn.
3. Hội hợp phải chia ly.
4. Khỏe mạnh rồi phải chết.”
Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói kệ:
Trường tồn phải hoại diệt
Cao sang sẽ sa cơ
Gặp gỡ rồi ly biệt
Đã sinh ắt tử vong
常者皆盡 Thường giả giai tận
高者必墮 Cao giả tất đọa
合會有離 Hiệp hội hữu ly
生者有死 Sinh giả hữu tử.
Ông Phạm Chí nghe xong, tâm ý khai ngộ không còn đau buồn, rồi xin Phật xuất gia làm Tỳ-kheo.
Đức Phật hoan hỷ hứa khả bảo:
-“Lành thay, hãy lại đây Tỳ-kheo”.
Phạm Chí râu tóc liền tự rụng, thành tướng Sa Môn. Sau đó nhờ nỗ lực quán chiếu lý vô thường, chẳng bao lâu ông chứng quả A- la-hán.
**************************************
Thí dụ 5
Thuở xưa, đức Phật trú trên núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ. Lúc ấy, trong thành có một nàng kỹ nữ tên là Liên Hoa.[6] Nàng này nhan sắc xinh đẹp, cả nước không ai sánh bằng. Thanh niên con em các nhà quyền quý ai cũng hâm mộ, tranh nhau tìm đến. Một hôm, nàng Liên Hoa bỗng sinh tâm lành, muốn bỏ việc đời xuất gia làm Tỳ-kheo Ni. Nàng từ bỏ tất cả tìm đến núi Kỳ-xà-quật nơi đức Phật đang cư trú. Giữa đường gặp một dòng suối nước trong mát, nàng Liên Hoa liền ghé lại uống nước và rửa tay. Làn nước trong xanh, long lanh hiện lên bóng dáng của nàng: vẻ mặt hồng thắm, mái tóc mượt xanh, thân hình cân đối đến mức hoàn hảo.
Tự nhìn thấy nhan sắc xinh đẹp của mình, nàng Liên Hoa hối tiếc nghĩ rằng: “Ta sinh ra có được nhan sắc mặn mà như vậy, sao lại nỡ bỏ đi để làm Sa-môn? Ta nên nhân lúc còn trẻ mà hưởng thụ cho thỏa mãn những khao khát riêng mình.”
Nghĩ như vậy xong, nàng liền đi trở về nhà. Đức Phật biết Liên Hoa có thể độ được, nên hóa ra một thiếu nữ trẻ đẹp từ phía khác đi ngược chiều lại. Nhan sắc nàng này đẹp tuyệt trần hơn xa Liên Hoa. Liên Hoa trông thấy vô cùng yêu mến, liền hỏi thăm:
-“Nàng từ đâu đến? Chồng con cha anh ở đâu mà đi một mình như vậy?”
Thiếu nữ đáp:
-“Tôi ở trong thành có việc ra ngoài, nay định trở về nhà. Chị em mình mới quen nhau, vậy cùng đi về chung đường nhé? Gần đây có bờ nước, chúng ta trước hãy đến đó nghỉ ngơi, trò chuyện.”
Liên Hoa vui vẻ đáp:
-“Vậy thì hay lắm.”
Hai người liền đến bên bờ nước chuyện trò tâm sự. Một lát sau, thiếu nữ mệt mỏi tựa vào gối Liên Hoa ngủ. Không ngờ, mới đó thiếu nữ đã chết, thi thể sình lên, giòi bò lúc nhúc, răng tóc rụng rời, tứ chi tan rã, mùi hôi thối bốc ra thật khó ngửi.
Liên Hoa trông thấy hết sức kinh sợ, nghĩ rằng: “Nàng ấy trẻ đẹp như vậy mới đó mà đã không còn. Huống chi thân ta, làm sao bảo đảm dài lâu?”
Nghĩ xong, nàng liền khởi tâm tinh tấn học đạo trở lại, tiếp tục tìm đến chỗ Phật. Đến nơi, nàng đảnh lễ đức Phật, rồi thuật lại đầy đủ những việc đã thấy.
Đức Phật nói với Liên Hoa:
-“Người ta có bốn việc không thể nương cậy. Đó là những gì?
1. Trẻ trung phải già yếu.
2. Mạnh khỏe phải tử vong.
3. Thân thuộc vui vẻ phải xa lìa.
4. Của cải tích trữ phải phân tán.”
Bấy giờ, đức Phật liền nói kệ:
Già thì hình sắc suy
Bệnh khiến thân này hoại
Khi mạng đã hết rồi
Thân rã tan, hư hoại.
***
Thân này có gì quý
Đồ dơ tuôn chảy hoài
Bị bệnh tật phủ vây
Phải chịu họa già chết.
***
Buông lung theo thị dục
Tăng thêm điều phi pháp
Đâu biết sự đổi thay
Mạng người trong hơi thở!
***
Dầu cho là con ruột
Hay cha mẹ anh em
Khi cái chết đến nơi
Không nương cậy ai được.
老則色衰 Lão tắc sắc suy
所病自壞 Sở bệnh tự hoại
形敗腐朽 Hình bại hủ hủ
命終其然 Mệnh chung kỳ nhiên.
***
是身何用 Thị thân hà dụng
洹漏臭處 Hoàn lậu xú xứ
為病所困 Vi bệnh sở khốn
有老死患 Hữu lão tử hoạn.
***
嗜欲自恣 Thị dục tự tứ
非法是增 Phi pháp thị tăng
不見聞變 Bất kiến văn biến
壽命無常 Thọ mệnh vô thường.
***
非有子恃 Phi hữu tử thị
亦非父兄 Diệc phi phụ huynh
為死所迫 Vi tử sở bách
無親可怙 Vô thân khả hỗ.
Nàng Liên Hoa nghe pháp xong hân hoan giải ngộ, quán thân như huyễn hóa, mạng sống chẳng dài lâu, chỉ có Niết-bàn là an ổn vĩnh cửu, nên đến trước Phật xin xuất gia làm Tỳ-kheo Ni. Phật nói:
-“Lành thay!”
Tóc Liên Hoa liền tự rụng, thành Tỳ-kheo Ni. Sau đó, nhờ công phu tư duy thiền quán, Tỳ-kheo Ni Liên Hoa đã chứng quả A-la-hán.
Những vị được nghe Pháp trong pháp hội, ai nấy đều hoan hỷ.
*******************************************
Thí dụ 6
Thuở xưa, đức Phật thuyết Pháp trong Tinh xá Trúc Lâm thành Vương-xá. Lúc ấy, có bốn anh em Phạm Chí đã chứng được ngũ thông, tự biết sau bảy ngày nữa mình sẽ chết. Do đó, họ cùng bàn với nhau rằng:
-“Sức mạnh của năm loại thần thông có thể làm nghiêng trời lệch đất, nắm giữ mặt trời mặt trăng, dời núi cao, ngưng sông chảy…, không việc nào là không làm được, lẽ nào tránh không khỏi cái chết này sao?”
Người thứ nhất nói:
-“Tôi sẽ lặn xuống biển, trên không xuất hiện, dưới không đến đáy, ở giữa lưng chừng biển thì quỷ vô thường làm sao biết chỗ mà tìm?”
Người thứ hai nói:
-“Tôi chui vào giữa núi Tu Di, khép núi lại bao bọc xung quanh thì quỷ vô thường biết đâu mà kiếm?”.
Người thứ ba nói:
-“Tôi sẽ ẩn nấp giữa hư không, quỷ vô thường làm sao biết được?”
Người thứ tư nói:
-“Tôi sẽ lẫn vào trong chợ, quỷ vô thường đến bắt được một người nào đó thì thôi, cần gì phải tìm bắt tôi?”
Bốn người bàn xong, bèn đến gặp vua Ba-tư-nặc từ giã:
-“Thọ mạng của chúng tôi chỉ còn bảy ngày. Nay chúng tôi muốn chạy trốn vô thường, mong rằng sẽ thoát được trở về thăm vua”.
Nói xong, bốn vị ấy ra đi trốn vào chỗ của mình. Bảy ngày sau, bốn người đều chết cả, như trái chín tự rụng. Người quản lý chợ báo cho vua biết có một vị Phạm Chí bỗng dưng chết giữa chợ. Vua chợt tỉnh ngộ bảo:
-“Bốn người cùng trốn nghiệp, một người đã chết, ba người kia làm sao tránh khỏi?”
Vua liền cho xa giá đến chỗ Phật, đảnh lễ ngồi qua một bên rồi bạch với đức Phật rằng: -“Gần đây, có bốn anh em Phạm Chí đã đắc ngũ thông, biết rằng mạng mình sắp hết nên cùng nhau trốn quỷ vô thường. Không rõ hiện nay họ có tránh thoát được không?”
Đức Phật đáp:
-“Này đại vương, người ta có bốn việc không thể tránh khỏi. Bốn việc ấy là gì?
1. Khi ở thân trung ấm không thể không thọ sinh.
2. Đã thọ sinh không thể không có già.
3. Đã già không thể không mang bệnh.
4. Đã bệnh không thể không chết.”
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:
Dầu trốn giữa hư không
Hay biển khơi, núi rộng
Không một nơi nào cả
Tránh khỏi được tử vong.
***
Việc này do mình tạo
Làm sao mà tránh được
Người vì nó bất an
Đưa đến khổ già chết.
***
Biết vô thường, tự an
Kiến chấp sinh [7] liền hết
Tỳ-kheo thắng ma binh
Thoát khỏi vòng sinh tử.
非空非海中 Phi không phi hải trung
非入山石間 Phi nhập sơn thạch gian
無有地方所 Vô hữu địa phương sở
脫之不受死 Thoát chi bất thọ tử.
***
是務是吾作 Thị vụ thị ngô tác
當作令致是 Đương tác linh trí thị
人為此躁擾 Nhân vị thử táo nhiễu
履踐老死憂 Lý tiễn lão tử ưu.
***
知此能自靜 Trí thử năng tự tĩnh
如是見生盡 Như thị kiến sinh tận
比丘厭魔兵 Tỳ kheo yếm[8] ma binh
從生死得度 Tùng sinh tử đắc độ.
Vua nghe đức Phật nói xong, than rằng:
-"Lành thay! Thật đúng như lời Thế Tôn dạy. Bốn người trốn nghiệp, nhưng trong đó một người đã chết, ba người kia làm sao tránh được.”
Các quan tùy tùng nghe đức Phật dạy xong đều tin nhận.
---------------------------------------------------------
Chú thích:
[1] Đế-thích (Śakra devānām indraḥ) nói đủ là Thích-ca Đề-hoàn-nhân Đà-la, nói lược Thích Đề-hoàn-nhân, Thích Ca Đề Bà, còn gọi là Thiên Đế Thích, Thiên Chủ. Ông vốn là một vị thần trong Ấn Độ Giáo sau quy y với Phật trở thành một trong những vị thần hộ pháp. Ông trú và làm vua ở cõi trời Đao Lợi (còn gọi là tam thập tam thiên) là cõi trời thứ hai trong sáu cõi trời dục giới. Một ngày một đêm ở cõi này dài bằng một trăm năm ở thế gian và thọ mạng của họ là một ngàn tuổi.
[2] Năm đức tướng mất đi còn gọi là ngũ suy tướng, thiên nhân ngũ suy, ngũ suy… Đây là năm tướng suy vong của thiên nhân hiện ra khi hết phước sắp mạng chung. Nó chia ra làm hai loại: năm tướng suy vong lớn (******) như kinh văn đã nói và năm tướng suy vong nhỏ (****). Đó là:
1. Âm nhạc không còn.
2. Ánh sáng trên thân mất.
3. Nước tắm dính thân.
4. Đắm mắc vào cảnh không dứt.
5. Mắt hay chớp.
Nếu năm tướng này hiện, gặp căn lành thù thắng vẫn có thể chuyển đổi được.
[3] Thiên (*): (Thi yên thiết) (***) âm thiên: **: nhồi nắn.
Thực (*): âm thực (**): ***: đất sét.
Vậy thiên thực là nhồi nắn đất sét (làm đồ dùng).
[4] Năm sông, nguyên văn chữ Hán là ngũ hà (五河). Ở đây nó chỉ mang tính tượng trưng, còn tìm trong từ điển không thấy, chỉ có tứ hà là bốn con sông lớn ở Ấn Độ mà trong Kinh đức Phật thường dùng để thí dụ cho bốn giai cấp ở Ấn Độ thời đó. Bốn con sông lớn đó là:
1. Sông Hằng (Gangā), nay gọi là sông Ganges.
2. Sông Tín Độ (Sindha; Sindhu), nay gọi là sông Indus.
3. Sông Phược Sô (Vaksu; Iksu), nay là sông Oxus, còn gọi Amu-Daria.
4. Sông Tỷ Đa (Śitā; Siti), nay là sông Sir-Daria, còn gọi Jaxartes.
[5] ĐCTT ghi (**), bản Tống, Minh ghi (**). Dịch giả lấy (*) thay cho (*).
Hộ quynh thiết (***) âm huỳnh: (****): cạn nước.
(*) ô qúynh thiết (***) âm oánh (uynh và oanh chuyển vận): (***): ao sâu.
Vậy huỳnh oánh thủy là nước ao rút cạn.
[6] Liên Hoa (S.Utpalavarnà; P. Uppalavannà) còn gọi là Liên Hoa Sắc, Liên Hoa Tiên, Hoa Sắc là vị Tỳ-kheo Ni được khen là thần thông đệ nhất trong hàng Ni. Lúc chưa xuất gia Liên Hoa ở thành Vương-xá (La Duyệt Kỳ) và lấy chồng là người ở nước Uất Thiền sinh được một người con gái. Sau đó nàng phát hiện chồng và mẹ mình tư thông nên đã bỏ nhà ra đi, đến thành Ba-la-nại lấy một người trưởng giả. Ông này sau đó đến nước Uất Thiền buôn bán lấy một thiếu nữ làm thiếp rồi dẫn về nước. Về sau, Liên Hoa mới biết đó là con gái mình. Liên Hoa cảm thấy vận mệnh bi thảm, lúc trước cùng mẹ chung chồng, về sau cùng con chung chồng. Từ đó nàng đâm ra hận đời, đến thành Tỳ-xá-ly làm kỹ nữ. Một hôm, được nghe ngài Mục-kiền-liên thuyết Pháp nàng phát tâm quy y đức Phật, nương theo Tỳ-kheo Ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia, về sau chứng quả A-la-hán.
[7] Kiến chấp sinh: Nguyên văn là “kiến sinh” theo PQĐTĐ giải thích: Đây là chỉ sự mong cầu vãng sinh, hoặc đã vãng sinh lại chấp trước vào thân cảnh thù thắng. Kiến sinh ở trên được hiểu theo giáo nghĩa tịnh độ. Còn ở đây kiến sinh chính là kiến chấp về sinh mạng của chúng sinh. Phàm phu vì vô minh che lấp nên không thấu triệt được bản chất vô thường, vô ngã của thân tâm, lại chấp nó là thật. Vì vậy, khi có thân do chấp ngã nên sinh ra tất cả phiền não, khổ đau. Khi mất thân (chết) cũng do chấp ngã nên theo nghiệp tìm thân khác nương vào. Do vậy dòng luân hồi tiếp nối vô tận. Dựa vào ý này chúng tôi dịch: “Kiến chấp sinh”, cũng tức là chấp ngã.
[8] Yếm (*) ất tiếp thiết (***) âm yếm. ***: chế phục. Hán thư, Dực Phụng truyện: “******: Kiềm thúc chế phục quyền của chư hầu. Ở đây chúng tôi dịch thoát là “thắng.”