KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch giả Sakya Minh-Quang
Mục Lục
-
-
Phẩm Từ Nhân Thứ 8
-
Phẩm Ngôn Ngữ Thứ 9
-
Phẩm Song Yếu Thứ 10
-
Phẩm Phóng Dật Thứ 11
-
Phẩm Tâm Ý Thứ 12
-
Phẩm Hoa Hương Thứ 13
-
Quyển Thứ 2
-
Phẩm Dụ Hoa Hương Thứ 14
-
Phẩm Ngu Ám Thứ 15
-
Phẩm Minh Triết Thứ 16
-
Phẩm A-La-Hán Thứ 17
-
Phẩm Thuật Thiên Thứ 18
-
Phẩm Ác Hạnh Thứ 19
-
Phẩm Đao Trượng Thứ 20
-
-
Quyển Thứ 3
-
Phẩm Lão Mạo Thứ 21
-
Phẩm Ái Thân Thứ 22
-
Phẩm Thế Tục Thứ 23
-
Phẩm Thuật Phật Thứ 24
-
Phẩm An Ninh Thứ 25
-
Phẩm Hiếu Hỉ Thứ 26
-
Phẩm Phẫn Nộ Thứ 27
-
Phẩm Trần Cấu Thứ 28
-
Phẩm Phụng Trì Thứ 29
-
Phẩm Đạo Hạnh Thứ 30
-
Phẩm Quảng Diễn Thứ 31
-
Phẩm Địa Ngục Thứ 32
-
Phẩm Tượng Thứ 33
-
Phẩm Ái Dục Thứ 34
-
-
Quyển Thứ 4
-
Phẩm Dụ Ái Dục Thứ 35
-
Phẩm Lợi Dưỡng Thứ 36
-
Phẩm Sa Môn Thứ 37
-
Phẩm Phạm Chí Thứ 38
-
Phẩm Nê Hoàn Thứ 39
-
Phẩm Sinh Tữ Thứ 40
-
Phẩm Đạo Lợi Thứ 41
-
Phẩm Kiết Tường Thứ 42
-
QUYỂN THỨ NHẤT
Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.
Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.
Phẩm Đốc Tín Thứ 5
Thí dụ 15
Thuở xưa, phía đông nam nước Xá-vệ có một con sông lớn vừa rộng lại vừa sâu. Bên tả ngạn có hơn năm trăm gia đình chưa biết đạo đức, không tu giải thoát. Họ quen thói ương ngạnh, dối trá, tham lợi, buông lung theo tình ý.
Đức Thế Tôn thường quán sát ai căn tánh có thể độ được thì đến hóa độ. Bấy giờ Ngài thấy các gia đình này có phước duyên đáng độ, nên đến bên bờ sông ngồi dưới một cội cây. Người làng thấy hào quang và đức tướng của đức Phật, ai cũng kinh ngạc cung kính, đồng đến đảnh lễ, thăm hỏi. Đức Phật bảo mọi người ngồi xuống rồi thuyết Pháp cho họ nghe. Nhưng tập khí gian dối, giải đãi của họ quá dày, nên dầu họ nghe mà không tin nhận lời nói chân thật. Đức Phật bèn hóa ra một người từ bên kia sông đi trên mặt nước, nước chỉ ngập gót, hướng đến chỗ Phật. Người đó đến nơi liền đê đầu lễ Phật. Mọi người trông thấy kinh ngạc, hỏi rằng:
- Từ đời tổ tiên đến nay, chúng tôi đều sinh sống bên bờ sông này mà chưa từng thấy có ai đi trên mặt nước. Ông là ai mà có pháp thuật đi trên nước không chìm? Xin hãy cho chúng tôi biết.
Hóa nhân đáp:
- Tôi là người chân chất ở bên kia sông, nghe đức Phật ở đây nên vì hâm mộ đạo đức mà tìm đến. Tôi đến bờ sông gặp lúc không ghe thuyền, liền hỏi người dân bên kia nước nông hay sâu. Họ nói:
- Nước chỉ ngập gót, sao không đi bộ qua? Tôi tin lời nên đi bộ qua đây, thật ra không có pháp thuật gì lạ.
Đức Phật nghe xong khen ngợi:
- Lành thay! Lành thay! Người có lòng tín thành có thể qua được bên kia bờ vực sinh tử. Con sông rộng chỉ vài dặm này, qua được đâu có gì lạ.
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:
Đức tin qua được biển
Thu nhiếp là thuyền sư
Tinh tấn trừ hết khổ
Trí tuệ đến bờ kia.
***
Kẻ sĩ có tín hạnh
Bậc thánh thường ngợi khen
Người vui đạo tịch tĩnh
Mọi trói buộc giải trừ.
***
Có tin mới đắc đạo
Y pháp đến Niết-bàn
Nhờ nghe thành trí tuệ
Đến được chỗ quang minh.
***
Có tín và giữ giới
Tuệ quán siêng tu hành
Bậc trượng phu trí tuệ
Qua được biển tử sinh.
信能渡淵 Tín năng độ uyên
攝為船師 Nhiếp vi thuyền sư
精進除苦 Tinh tấn trừ khổ
慧到彼岸 Tuệ đáo bỉ ngạn.
***
士有信行 Sĩ hữu tín hạnh
為聖所譽 Vi thánh sở dự
樂無為者 Lạc vô vi giả
一切縛解 Nhất thiết phược giải.
***
信乃得道 Tín nãi đắc đạo
法致滅度 Pháp trí diệt độ
從聞得智 Tùng văn đắc trí
所到有明 Sở đáo hữu minh.
***
信之與戒 Tín chi giữ giới
慧意能行 Tuệ ý năng hành
健夫度慧 Kiện phu độ tuệ
從是脫淵 Tùng thị thoát uyên.
Bấy giờ người trong làng nghe Phật nói kệ khai thị, lại thấy người có đức tin qua được sông làm chứng, nên sinh tín tâm kiên cố, thọ trì ngũ giới làm Phật tử tại gia. Nhờ người trong làng đó có lòng tin hiểu tu hành, nên Phật pháp được phổ biến khắp nơi.
**********************************************
Thí dụ 16
Thuở xưa, lúc đức Phật còn tại thế có một vị trưởng giả tên là Tu-đà-la, giàu có vô số, tín ngưỡng đạo đức. Ông có lời thệ nguyện vào ngày mùng tám tháng chạp hàng năm thỉnh Phật và Tăng chúng về nhà cúng dường. Ông nguyện trọn đời thực hành và nếu mất đi, con cháu cũng phải tiếp tục không bỏ. Vì vậy khi mất, ông đã ân cần dặn dò con mình là Tỷ-đà-la phải thay mình lo việc cúng dường.
Tỷ-đà-la vâng lời cha dạy, hàng năm thiết trai cúng dường. Nhưng về sau, gia cảnh lần lần nghèo khó. Tháng chạp đã đến mà trong nhà không có gì nên Tỷ-đà-la rất lo buồn. Đức Phật sai tôn giả Mục Liên đến hỏi:
- Ngày cúng dường hàng năm của cha ông sắp đến. Ông đã chuẩn bị gì chưa?
Tỷ-đà-la đáp:
- Lời dặn bảo của cha, con đâu dám trái. Mong đức Thế Tôn từ bi tưởng đến, vào giờ ngọ ngày mùng tám quang lâm nhà con.
Tôn giả Mục Liên liền trở về thưa lại với đức Phật như vậy.
Về phần Tỷ-đà-la, ông cùng với vợ con đi vay mượn một trăm lượng vàng, sắm sửa đầy đủ đồ cúng dường cho ngày mùng tám. Đúng ngày ấy, đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đến thọ trai. Lễ cúng dường viên mãn. Tỷ-đà-la vô cùng hoan hỷ không chút hối tiếc. Giữa đêm hôm ấy, trong các kho cũ tự nhiên bảo vật đều đầy đủ như xưa!
Sáng sớm hôm sau hai vợ chồng Tỷ-đà-la trông thấy vừa mừng lại vừa sợ. Họ sợ quan tra hỏi của cải này từ đâu mà có. Hai vợ chồng bàn nhau nên đến hỏi đức Phật. Rồi cả hai đến chỗ Phật trình bày đầy đủ sự việc.
Đức Phật nói với Tỷ-đà-la:
- Ông hãy an tâm sử dụng, không nên nghi sợ. Ông không trái lời cha, dầu chết cũng không thay đổi. Ông có tín tâm, trì giới, tàm, quý, đa văn, bố thí, trí tuệ. Nhờ có đầy đủ bảy món báu này nên phước đức chiêu cảm như thế, không phải là tai họa đâu. Người trí biết tu hành thì không luận là nam hay nữ sinh ra chỗ nào phước cũng tự nhiên sẵn đủ.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ:
Niềm tin và giới hạnh
Hổ mình, thẹn với người
Đa văn, thí, trí tuệ
Đây là bảy món báu.
***
Nhờ tin nên giữ giới
Thường tịnh quán các pháp
Trí tuệ luôn trau dồi
Lới Phật dạy chẳng quên.
***
Sống có những báu này
Không luận nam hay nữ
Trọn đời không đói nghèo
Người hiền biết lẽ chân.
信財戒財 Tín tài, giới tài
慚愧亦財 Tàm, quí diệc tài
聞財施財 Văn tài, thí tài
慧為七財 Tuệ vi thất tài.
***
從信守戒 Tùng tín thủ giới
常淨觀法 Thường tịnh quán pháp
慧而履行 Tuệ nhi lý hành
奉教不忘 Phụng giáo bất vong.
***
生有此財 Sinh hữu thử tài
不問男女 Bất vấn nam nữ
終已不貧 Chung dĩ bất bần
賢者識真 Hiền giả thức chân.
Tỷ-đà-la nghe Phật nói, lòng tin Tam bảo càng kiên cố, đảnh lễ dưới chân đức Phật rồi về nhà. Ông đem những lời Phật dạy thuật lại đầy đủ cho người nhà nghe. Nhờ đó ai cũng tin tưởng Phật pháp, được lợi ích lớn.