KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch giả Sakya Minh-Quang
QUYỂN THỨ NHẤT
Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.
Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.
Phẩm Song Yếu Thứ 10
Thí dụ 22
Thuở xưa, vua nước Xá Vệ là Ba Tư Nặc đến thăm đức Phật. Vua đến nơi liền xuống xe, tháo kiếm, cởi giày rồi chấp tay đi vào quỳ xuống đảnh lễ, bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn, ngày mai con xin nguyện cúng dường Phật và Tăng chúng nơi ngã tư đường để cho mọi người trong nước đều biết Phật là đấng chí tôn, xa lìa tà ma ngoại đạo, gìn giữ ngũ giới cho quốc thái dân an”.
Đức Phật nói: “Lành thay! Phàm người làm vua phải lãnh đạo nhân dân một cách sáng suốt, hướng dẫn họ phụng hành đạo đức để được hưởng phước đời sau”.
Vua thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Con xin trở về để lo việc cúng dường”.
Vua trở về tự tay lo sắp đặt cơm nước, rồi đích thân đón Phật và Tăng chúng đến ngã tư có thiết trai. Phật đến ngồi vào chỗ, vua lại tự mình múc nước rửa tay cho Phật. Phật thọ trai xong, thuyết pháp cho vua và mọi người. Người đến dự đông vô số. Trong số đó có hai thương nhân, một người nghĩ: “Phật như đế vương, đệ tử như trung thần. Phật giảng thuyết pháp, đệ tử tụng đọc truyền bá. Vua Ba Tư Nặc thật là sáng suốt”. Nhân đây vị ấy biết Phật là bậc đáng tôn kính, sinh lòng kính ngưỡng, phụng trì giáo pháp.
Còn người kia lại nghĩ: “Vua Ba Tư Nặc ngu thật! Mình đã là vua còn cần gì nữa? Phật thật như bò, đệ tử như xe. Bò kéo xe chạy đông tây nam bắc. Phật có đạo hạnh gì mà ta phải kính tin theo?”.
Sau đó hai người ra đi. Đi được khoảng ba mươi dặm đường, họ ghé lại một nhà nghỉ qua đêm. Hai người mua rượu cùng nhau uống và bàn luận chuyện đã thấy ban sáng. Người có thiện niệm được Tứ Thiên Vương ủng hộ. Còn người ác niệm bị quỷ thần địa ngục khiến cho rượu uống vào bụng nóng như thiêu. Vì vậy anh ta bỏ ra ngoài hóng mát. Không ngờ vì say loạng choạng anh té nằm hôn mê trên đường. Sáng sớm có đoàn xe buôn năm trăm chiếc đi ngang cán chết anh ta. Người bạn sáng ra đi tìm thì thấy anh đã chết rồi, rất bối rối suy nghĩ: “Nếu mình về nước sẽ bị nghi là giết bạn lấy của”.
Do đó, anh mới bỏ đi sang nước khác. Vua nước này vừa băng hà mà không có thái tử nối ngôi. Trong sấm thư nói: “Sẽ có một người thân phận thấp kém ở nước khác lên làm vua. Vua cũ có một con thần mã, nếu gặp người này nó sẽ quỳ xuống”.
Các quan theo lời, thắng yên cương, đeo quốc ấn trên mình thần mã rồi dẫn đi khắp nơi tìm người kế vị. Người xem thần mã rất đông, cũng vừa gặp lúc anh này đi đến. Quan thái sử trông thấy nói: “Người này có mây vàng che phủ, chính là khí tượng làm vua”.
Thần mã trông thấy liền đến quỳ xuống, liếm chân vị thương khách. Quần thần mừng rỡ, liền rước anh về cung tôn lên làm vua. Bấy giờ vị vua mới này coi sóc tình hình trong nước và tự suy nghĩ: “Ta không có làm một việc lành nào cả, sao lại được hưởng phước này? Chắc đây là nhờ ân đức của Phật”.
Do đó, vua bèn cùng quần thần hướng về nước Xá Vệ, từ xa đảnh lễ bạch rằng: “Con là người hạ tiện thiếu đức, nhờ từ ân Thế Tôn mới được làm vua. Ngày mai xin đức Thế Tôn và các vị A La Hán thuận theo ý nguyện của con đến đây thọ trai”.
Đức Phật ở xa liền biết, bảo A Nan dặn các vị Tỳ Kheo ngày mai vua nước kia có lời cung thỉnh, tất cả hãy sử dụng thần thông đến nước đó cho vua và nhân dân hoan hỉ.
Hôm sau, Phật và đệ tử dùng thần túc đến nước đó, theo thứ lớp mà ngồi trang nghiêm như pháp. Thọ trai rửa tay xong, đức Phật thuyết pháp cho vua và mọi người nghe. Vua hỏi: “Con vốn là người tiện dân, không có phước đức, vì nhân duyên gì được như thế này?”.
Đức Phật đáp: “Lúc trước vua Ba Tư Nặc cúng dường Phật nơi ngã tư đường. Vua trong thấy trong lòng suy nghĩ: “Phật như quốc vương, đệ tử như trung thần”. Nhờ vua gieo hạt giống lành này mà ngày nay gặt lấy quả báo tốt đẹp. Còn bạn của vua ngày trước vì cho rằng Phật như bò, đệ tử như xe. Gieo hạt giống xấu ác nên gặp tai nạn xe cán và nay chịu quả báo bị xe lửa nghiền nát trong chốn địa ngục. Ngôi vua không phải dùng sức mạnh mà đoạt được. Làm thiện được phước, làm ác gặp họa. Phước hay họa là do mình gây tạo mà chẳng phải trời rồng, quỷ thần ban cho hay gây ra”.
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:
Mục Lục
-
-
Phẩm Phóng Dật Thứ 11
-
Phẩm Tâm Ý Thứ 12
-
Phẩm Hoa Hương Thứ 13
-
Quyển Thứ 2
-
Phẩm Dụ Hoa Hương Thứ 14
-
Phẩm Ngu Ám Thứ 15
-
Phẩm Minh Triết Thứ 16
-
Phẩm A-La-Hán Thứ 17
-
Phẩm Thuật Thiên Thứ 18
-
Phẩm Ác Hạnh Thứ 19
-
Phẩm Đao Trượng Thứ 20
-
-
Quyển Thứ 3
-
Phẩm Lão Mạo Thứ 21
-
Phẩm Ái Thân Thứ 22
-
Phẩm Thế Tục Thứ 23
-
Phẩm Thuật Phật Thứ 24
-
Phẩm An Ninh Thứ 25
-
Phẩm Hiếu Hỉ Thứ 26
-
Phẩm Phẫn Nộ Thứ 27
-
Phẩm Trần Cấu Thứ 28
-
Phẩm Phụng Trì Thứ 29
-
Phẩm Đạo Hạnh Thứ 30
-
Phẩm Quảng Diễn Thứ 31
-
Phẩm Địa Ngục Thứ 32
-
Phẩm Tượng Thứ 33
-
Phẩm Ái Dục Thứ 34
-
-
Quyển Thứ 4
-
Phẩm Dụ Ái Dục Thứ 35
-
Phẩm Lợi Dưỡng Thứ 36
-
Phẩm Sa Môn Thứ 37
-
Phẩm Phạm Chí Thứ 38
-
Phẩm Nê Hoàn Thứ 39
-
Phẩm Sinh Tữ Thứ 40
-
Phẩm Đạo Lợi Thứ 41
-
Phẩm Kiết Tường Thứ 42
-
Tâm là gốc muôn pháp
Tâm đứng đầu, sai sử
Trong tâm khởi niệm ác
Nói ác và làm ác
Thì tội khổ theo ta
Như xe lăn theo vết.
***
Tâm là gốc muôn pháp
Tâm đứng đầu, sai sử
Trong tâm khởi niệm thiện
Nói thiện và làm thiện
Thì phước lạc theo ta
Như bóng đeo theo hình.
Tâm vi pháp bổn
Tâm tôn tâm sử
Trung tâm niệm ác
Tức ngôn tức hành
Tội khổ tự truy
Xa lịch ư triệt.
***
Tâm vi pháp bổn
Tâm tôn tâm sử
Trung tâm niệm thiện
Tức ngôn tức hành
Phúc lạc tự truy
Như ảnh tùy hình.
Phật nói kệ xong, vua và vô số thần dân đều vô cùng hoan hỉ, chứng được Pháp nhãn.
*****************************
Thí dụ 23
Thuở xưa, trưởng giả Tu Đạt mua miếng vườn của thái tử Kỳ Đà rồi cùng nhau xây tinh xá cúng dường đức Thế Tôn. Mỗi người đều thỉnh Phật và chư Tăng cúng dường trong một tháng. Nhờ nghe đức Phật thuyết pháp nên hai vị đều thấy được đạo.
Thái tử Kỳ Đà hoan hỉ trở về đông cung, hết lời tán thán đức Phật với mọi người. Em trai của Kỳ Đà là Lưu Ly thường ở bên vua lo việc triều chính. Lúc ấy, vua cùng với cận thần và các phu nhân đến chỗ Phật đảnh lễ nghe Kinh. Lưu Ly ở lại lo việc bảo vệ cung điện. Các nịnh thần như bọn A Tát Đà v.v… có mưu gian thưa với Lưu Ly rằng: “ Xin ngài hãy đeo thử đai ấn của đại vương, ngồi lên ngai vàng xem có giống vua không?”.
Lưu Ly nghe lời mặc hoàng bào lên ngai vàng ngồi. Bọn nịnh thần lạy mừng thưa: “Ngài thật như vị đại vương ngàn năm mới gặp được. Ngài nên thuận theo nguyện vọng của lê dân, há để đông cung thái tử Kỳ Đà chiếm chỗ này sao? Ngai vàng này không lẽ đã lên rồi mà lại xuống?”.
Lưu Ly nghe lời liền mang giáp binh, rút kiếm đến bao vây tinh xá Kỳ Hoàn để đuổi vua không cho về cung. Quân Lưu Ly đánh nhau với cận thần của vua ở Kỳ Hoàn giết hơn năm trăm người. Vua và phu nhân chạy lánh nạn suốt ngày đêm đến nước Xá Di. Giữa đường vì đói khát vua ăn rau rừng trúng độc, bụng chướng lên rồi chết. Lúc ấy Lưu Ly lên nắm quyền, cầm gươm vào đông cung giết chết thái tử Kỳ Đà anh mình. Kỳ Đà vì hiểu lẽ vô thường nên không chút lo sợ, vẻ mặt an nhiên chẳng đổi, an tâm mỉm cười chịu chết. Khi lâm chung, Kỳ Đà nghe có tiếng nhạc từ hư không đến đón rước thần thức. Lúc ấy đức Phật ở tinh xá Kỳ Hoàn biết được liền nói kệ:
Tạo vui đời sau vui
Làm thiện hai đời vui
Người ấy thuần hoan hỉ
Thấy phước tâm an vui.
***
Nay mừng đời sau mừng
Làm thiện hai đời mừng
Đây là tự giúp mình
Hưởng phước nên mừng vui.
Tạo hỉ hậu hỉ
Hành thiện lưỡng hỉ
Bỉ hỉ duy hoan
Kiến phúc tâm an.
***
Kim hoan hậu hoan
Vi thiện lưỡng hoan
Quyết vi tự hựu
Thọ phúc duyệt dự
Sau đó, vua Lưu Ly kéo quân sang đánh nước Xá Di, sát hại những người họ Thích và những bậc thấy đạo, tàn bạo vô nhân, tạo đủ năm tội nghịch. Đức Phật dự ký Lưu Ly vì bất hiếu bất trung, tội nghiệp sâu nặng, bảy ngày sau sẽ bị lửa địa ngục thiêu chết. Quan thái sử cũng bói quẻ đúng như vậy.
Lưu Ly nghe tin hết sức lo sợ cho thuyền ra giữa sông, nghĩ rằng: “Ta nay sống giữa nước, lửa làm sao đến được?”.
Đúng trưa ngày thứ bảy, tự nhiên lửa từ dưới nước bốc lên, đốt chìm thuyền, Lưu Ly bị chết cháy, thi thể chìm dưới nước.
Lúc ấy, đức Phật nói kệ rằng:
Tạo lo đời sau lo
Làm ác hai đời lo
Kẻ ấy toàn lo sợ
Thấy tội tâm bất an.
***
Nay hối đời sau hối
Làm ác hai đời hối
Đây tự chuốc tai ương
Chịu tội đầy khổ não.
Tạo ưu hậu ưu
Hành ác lưỡng ưu
Bỉ ưu duy cụ
Kiến tội tâm cự.
***
Kim hối hậu hối
Vi ác lưỡng hối
Quyết vi tự ương
Thọ tội nhiệt não.
Phật nói kệ xong, liền bảo các Tỳ Kheo: “Thái tử Kỳ Đà không tham vinh hoa địa vị, chết vẫn giữ đạo nên được sinh lên cõi trời sống tự tại an lạc. Còn vua Lưu Ly cuồng ngu buông lung tình ý, chết đọa địa ngục chịu biết bao đau khổ. Tất cả người đời không luận giàu sang hay nghèo hèn đều theo luật vô thường không thể trường tồn. Cho nên bậc trượng phu thà hy sinh mạng sống để bảo toàn của báu tinh thần, hành vi.
Nghe Phật dạy xong, ai ai cũng tin nhận.
********************************
Thí dụ 24
Thuở xưa, sau núi Kỳ Xà Quật có hơn bảy mươi gia đình Bà La Môn đủ phước duyên đáng độ. Đức Phật đến làng đó hiển bày thần thông để giáo hóa. Dân làng trông thấy hào quang rực rỡ của Phật ai cũng sinh lòng kính phục. Đức Phật ngồi dưới một cội cây, hỏi các Phạm Chí: “Các ông ở trong núi này được bao nhiêu đời rồi? Làm nghề nghiệp gì để sống?”.
Đáp rằng: “Chúng tôi ở đây đã hơn ba mươi đời, lấy việc canh tác, chăn nuôi làm nghề sinh sống”.
Lại hỏi: “Các ông tu hạnh gì để cầu thoát ly sinh tử?”.
Đáp rằng: “Thờ mặt trời, mặt trăng, lửa, nước, tùy thời tế tự. Nếu có người chết thì người trong làng lớn nhỏ tụ họp lại cầu nguyện cho thần hồn được sinh lên cõi trời Phạm Thiên, thoát ly sinh tử”.
Đức Phật nói với các Bà La Môn: “Làm ruộng, chăn nuôi, tế tự mặt trời mặt trăng lửa nước, cầu nguyện sinh thiên không phải là pháp trường tồn xa lìa sinh tử. Phước lớn nhất không nơi nào hơn cõi trời thứ hai mươi tám mà nếu không có trí tuệ tu đạo vẫn bị đọa vào ba ác đạo. Chỉ có xuất gia tu hạnh thanh tịnh, thân đạt tịch diệt mới được Niết Bàn”.
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Chân thật cho là ngụy
Ngoa ngụy nghĩ là chân
Đó chính là tà kiến
Không được lợi chân thật.
***
Chân thật biết là chân
Ngoa ngụy rõ là ngụy
Đây gọi là chánh kiến
Quyết được lợi chân thật.
***
Thế gian ai cũng chết
Ba cõi vốn không an
Chư thiên tuy vui sướng
Phước hết, mạng không còn.
***
Hãy quán sát thế gian
Đã sinh thì phải tử
Muốn thoát ly sinh tử
Nên thực hành đạo chân.
Dĩ chân vi ngụy
Dĩ ngụy vi chân
Thị vi tà kế
Bất đắc chân lợi.
***
Tri chân vi chân
Kiến ngụy vi ngụy
Thị vi chánh kế
Tất đắc chân lợi.
***
Thế giai hữu tử
Tam giới vô an
Chư thiên tuy lạc
Phúc tận diệc táng.
***
Quán chư thế gian
Vô sinh bất chung
Dục ly sinh tử
Đương hành đạo chân.
Bảy mươi vị Bà La Môn nghe Phật giảng xong, hoan hỉ tỏ ngộ, xin làm Sa Môn. Đức Phật bảo: “Lành thay! Hãy lại đây các Tỳ Kheo”. Các vị ấy râu tóc liền tự rụng, thành tướng Tỳ Kheo. Phật cùng các vị ấy trở về tinh xá. Đi được nửa đường, các vị tân Tỳ Kheo bỗng nhớ vợ con, muốn trở về nhà. Lại nữa, lúc đó trời trở cơn mưa, càng thêm buồn thảm. Đức Phật biết ý, liền hóa ra vài mươi căn nhà bên đường, rồi cùng chúng Tỳ Kheo vào trú mưa. Lúc ấy mái nhà bị dột, nước mưa theo đó chảy vào. Nhân đây đức Phật nói kệ:
Như nhà lợp không kín
Nước mưa rơi lọt vào
Ý lơi lỏng không tu
Tham dục liền xen khởi.
***
Như nhà lợp kín đáo
Nước mưa không lọt vào
Ý miên mật siêng tu
Tham dục không xen khởi.
Cái ốc bất mật
Thiên vũ tắc lậu
Ý bất duy hành
Dâm dật vi xuyên.
***
Cái ốc thiện mật
Vũ tắc bất lậu
Nhiếp ý duy hành
Dâm nặc bất sinh.
Bảy mươi vị Tỳ Kheo nghe Phật nói kệ xong, cố gắng tự sách tấn, song lòng vẫn còn âm thầm lưu luyến. Mưa dứt, mọi người lại lên đường. Đi một đoạn, đức Phật gặp một tờ giấy cũ bèn bảo các Tỳ Kheo lượm lên, rồi hỏi: “Đây là giấy gì?”.
“Thưa đó là giấy gói hương, nay tuy đã quăng bỏ song mùi thơm vẫn còn”. Các Tỳ Kheo đáp.
Đi thêm đoạn nữa, gặp một sợi dây, Phật cũng bảo các Tỳ Kheo nhặt lấy. Phật lại hỏi rằng: “Đây là dây gì?”.
“Sợi dây này tanh hôi, chính là dây xâu cá”. Các Tỳ Kheo đáp.
Đức Phật bèn dạy: “Mọi vật bản chất vốn thanh tịnh, song do nhân duyên mà có tội phước khác nhau. Thân cận người hiền minh thì đạo đức cao cả, kết giao kẻ ngu ám thì tội nghiệp đến bên. Ví như tờ giấy và sợi dây kia, gần hương thì thơm, gần cá thì tanh, gần gũi dần dần huân tập trở thành bản tánh mà không tự biết”.
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:
Kẻ xấu ô nhiễm người
Như gần vật hôi dơ
Mê dần, quen nết xấu
Thành ác mà chẳng hay.
***
Hiền nhân ảnh hưởng người
Như gần vật xông hương
Trí tăng, quen tánh thiện
Thành hạnh lành sạch thơm.
Bỉ phu nhiễm nhân
Như cận xú vật
Tiệm mê tập phi
Bất giác thành ác.
***
Hiền phu nhiễm nhân
Như phụ hương huân
Tiến trí tập thiện
Hạnh thành phương khiết.
Bảy mươi vị Tỳ Kheo một lần nữa được nghe Phật nói kệ khai thị, biết rõ dục là rừng dơ bẩn, vợ con nào khác gông xiềng, đều phát khởi lòng tin kiêng cố. Về đến tinh xá, mọi người nhiếp ý tu hành, chẳng bao lâu chứng quả A La Hán.